'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% áp dụng từ ngày 1/1/2019. Lo ngại tăng thuế sẽ ảnh hưởng mạnh đến toàn bộ đầu tư - sản xuất và lưu thông mà cuối cùng là hàng triệu người dân bị tác động, nhiều bộ, ngành, hiệp hội, địa phương có ý kiến không đồng tình. Dẫu vậy, Bộ Tài chính vẫn kiên trì quyết tâm muốn tăng thuế VAT và chỉ “lùi một bước nhỏ”.
Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nguyên thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng tăng thuế VAT chưa chắc đã cải thiện được thu ngân sách nếu như việc tăng thuế làm giảm sản xuất và tiêu dùng.
- Xin ông cho biết đóng góp của tổng thu thuế, thuế trực thu và gián thu vào ngân sách hiện nay ra sao?
PGS.TS Nguyễn Đức Thành: Thuế là nguồn thu lớn nhất cho ngân sách nhà nước, chiếm khoảng 75-80% tổng thu ngân sách qua các năm. Tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế đạt khoảng 18-20% GDP mỗi năm. Hiện có 11 loại thuế chính đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Tại Việt Nam, thuế trực thu bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế môn bài và các loại thuế tài sản (thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng phi nông nghiệp, lệ phí trước bạ). Thuế gián thu được hiểu là bao gồm thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Thuế tài nguyên không được phân định rõ ràng thuộc 2 loại trên.
- So với các loại thuế khác, VAT đóng góp vào Ngân sách Việt Nam thế nào? Hiện thất thu thuế ở Việt Nam có nghiêm trọng không, thưa ông?
Tính tới thời điểm 2016, có 166 quốc gia và vùng lãnh thổ đánh thuế VAT trên hàng hóa và dịch vụ. Điều đó cho thấy VAT là loại thuế tiêu dùng được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Kể từ năm 2014, thuế VAT đã thay thế thuế thu nhập doanh nghiệp thành nguồn thu ngân sách từ thuế lớn nhất. Hiện nay, thuế VAT đóng góp khoảng 1/3 tổng thu thuế (tương đương khoảng 25% tổng thu ngân sách).
Có rất ít nghiên cứu về thất thu thuế VAT của Việt Nam. Số liệu từ nghiên cứu của Giesecke và Tran (2010) cho thấy, thất thu thuế VAT do trốn tránh thuế và hành thu không hiệu quả ở Việt Nam vào khoảng 15%. Bằng tính toán, nhóm nghiên cứu tìm ra thất thu thuế VAT năm 2014 thậm chí nhỏ hơn, dưới 12,4%.
- Theo ông, tăng thuế giá trị gia tăng đóng góp như thế nào vào thu ngân sách và giảm thâm hụt ngân sách? Việc này tác động như thế nào tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế?
VAT là một nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Tăng thuế VAT tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Kết quả tính toán của chúng tôi cho thấy khi tăng thuế suất, thuế giá trị gia tăng thêm 20%, thu ngân sách từ thuế sẽ tăng thêm 4,9% hay tương đương với khoảng 1,0% GDP.
Trong nghiên cứu này, chúng dự báo tác động của việc tăng thuế VAT lên phúc lợi hộ gia đình được đo lường bằng chi tiêu bình quân. Chúng tôi dự báo tác động của hai kịch bản hay phương án điều chỉnh thuế VAT. Phương án thứ nhất là tăng thuế VAT lên 1,2 lần, tức là các mặt hàng đang chịu thuế VAT 5% và 10% sẽ chịu thuế 6% và 12%. Phương án thứ hai áp dụng mức thuế suất chung 10% cho các mặt hàng, theo đó các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ chịu thuế 10%.
Kết quả cho thấy là phương án thứ nhất có tác động mạnh hơn lên hộ gia đình so với phương án thứ hai. Cụ thể phương án thứ nhất làm tiêu dùng của hộ giảm đi 0,89%, còn phương án hai sẽ làm tiêu dùng của hộ giảm đi 0,32%.
Tăng thuế VAT làm giảm chi tiêu và thu nhập thực tế của các hộ gia đình nói chung. Tuy nhiên, phương án tăng thuế suất VAT tác động không đáng kể đến sản lượng và GDP do sự giảm xuống trong tiêu dùng của các hộ gia đình được bù đắp bởi đầu tư gia tăng và mức độ tác động của việc tăng thuế VAT cũng thay đổi theo các nhóm xã hội khác nhau và tùy thuộc vào cách thức tăng thuế VAT. Tác động khác biệt của việc tăng thuế VAT tới các hộ gia đình và các nhóm xã hội khác nhau phản ánh sự khác biệt về cơ cấu chi tiêu và nguồn thu nhập của các hộ gia đình.
Mô phỏng sử dụng mô hình cân bằng khả toán cho thấy, phương án tăng thuế được đề xuất, (tăng 20% thuế suất VAT) có xu hướng tác động nhiều hơn đến các nhóm thu nhập cao so với các nhóm thu nhập thấp. Các hộ gia đình ở thành thị cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi việc tăng thuế VAT so với các hộ ở nông thôn.
- Xin ông cho biết những nhóm nào sẽ chịu ảnh hưởng của tăng thuế VAT nhiều hơn?
Hai kịch bản tăng thuế VAT có tác động khác nhau lên các nhóm hộ gia đình. Tác động của phương án thứ nhất lớn hơn phương án thứ hai ở tất cả các nhóm dân số. Tuy nhiên, các hộ gia đình có mức chi tiêu cao thường sẽ chịu tác động lớn hơn ở phương án thứ nhất, nhưng chịu tác động nhỏ hơn ở phương án thứ hai so với các hộ gia đình có mức chi tiêu thấp, vì những hộ gia đình có mức chi tiêu cao có tỷ trọng chi tiêu cho hàng hóa phi lương thực lớn và tỷ trọng chi tiêu cho hàng lương thực thiết yếu nhỏ.
Các hộ gia đình có mức sống cao cũng bị giảm mức chi tiêu, nhưng mức giảm này không làm cho họ rơi vào nghèo như nhóm cận nghèo. Các hộ gia đình đông người, có tỷ lệ trẻ em và người già từ 80 tuổi trở lên cao hơn, tỷ lệ lao động nữ lớn, bị ảnh hưởng nhiều nhất về nghèo đói. Các hộ gia đình mà chủ hộ có học vấn thấp, nghề nghiệp kỹ năng thấp và trong nông nghiệp cũng chịu nhiều tác động về nghèo đói.
- Theo ông, ngoài thuế VAT còn có những nguồn tăng thu ngân sách nào khác?
Bên cạnh việc điều chỉnh thuế VAT, Chính phủ cũng có thể tăng thu ngân sách thông qua các loại thuế thuế gián thu nội địa khác. Có thể tạo nguồn thu bổ sung đáng kể cho ngân sách từ thuế tiêu thụ đặc biệt thông qua việc tăng thuế suất, mở rộng mặt hàng chịu thuế và tăng cường công tác quản lý thuế.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ có tác dụng giảm tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ hay có hại cho sức khỏe. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cũng có tính chất lũy tiến, tức là tác động nhiều hơn đến các nhóm hộ thu nhập cao so với các hộ nghèo. Trên ý nghĩa này, tăng thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ giúp giảm gánh nặng điều chỉnh vào thuế VAT mà còn giúp giảm gánh nặng thuế đối với các nhóm thu nhập thấp trong xã hội.
- Vậy theo ông, nên điều chỉnh thuế VAT thế nào?
Trong dài hạn thì việc nâng cao hiệu quả chi ngân sách mới đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thâm hụt ngân sách. Tăng thuế VAT chưa chắc đã cải thiện được thu ngân sách nếu như việc tăng thuế làm giảm sản xuất và tiêu dùng.
Liên quan đến hai phương án trong nghiên cứu này thì phương án thứ hai, tức là áp dụng mức thuế VAT 10% cho các mặt hàng (trừ y tế và giáo dục), có tác động lên nghèo đói thấp hơn phương án thứ nhất, và việc áp dụng thuế suất chung cũng tạo thuận lợi cho việc thu thuế. Tuy nhiên phương án hai cũng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến các hộ có thu nhập thấp.
Do vậy nhà nước cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT trong thời gian tới, vì đây là việc đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của Việt Nam.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.