Nhân vật

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng trở thành tân Chủ tịch Viettel

(VNF) - Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về việc bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel).

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng trở thành tân Chủ tịch Viettel

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng trở thành tân Chủ tịch Viettel

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 14/6/2018.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962 tại tỉnh Phú Thọ, nguyên quán tại huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1979, ông Nguyễn Mạnh Hùng thi đỗ vào Đại học Kỹ thuật Quân sự, Khóa 14. Sau một năm học tại Đại học Kỹ thuật Quân sự đạt kết quả xuất sắc, ông được Bộ Quốc phòng tuyển chọn đi du học kỹ sư quân sự tại Liên Xô.

Ông từng tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô (cũ), thạc sĩ viễn thông ở Australia, thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế Quốc dân.

Năm 1995, ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ các vị trí trợ lý kỹ thuật, Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Đầu tư Phát triển. Đến năm 2000, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc Công ty Viễn thông Quân đội.

Năm 2010, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng giám đốc Viettel. 4 năm sau đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Viettel thay ông Hoàng Anh Xuân.

Năm 2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII. Ngoài ra ông còn là Ủy viên Quân ủy Trung ương.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giới truyền thông bình chọn là 1 trong 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu vì có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam trong một thập kỷ (giai đoạn 2000 - 2009).

Ông cũng được xem là thuyền trưởng của Viettel, người được xem là đã thành công trong chiến lược đưa dịch vụ viễn thông về nông thôn, bình dân hóa điện thoại di động.

Trước đó, tại Nghị định số 05/2018/NĐ-CP về điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Tập đoàn Viettel) được Chính phủ ban hành, Viettel sẽ có thêm chức danh Chủ tịch.

Cụ thể, theo Nghị định 05 quy định cơ cấu tổ chức quản lý của Viettel gồm: Chủ tịch, tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, kiểm soát viên, kế toán trưởng, bộ máy tham mưu giúp việc, kiểm soát nội bộ.

Đồng thời quy định chức Chủ tịch Viettel kiêm Tổng giám đốc Viettel.

Theo Nghị định 05, Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trực thuộc Bộ Quốc phòng; chịu sự lãnh đạo về mọi mặt của Quân ủy Trung ương; thực hiện nhiệm vụ chính trị, quân sự, quốc phòng đặc biệt do Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao và sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Tin mới lên