Tài chính

Thực hiện hơn 3.100 cuộc kiểm tra sau thông quan, Hải quan thu về 1.030 tỷ đồng

(VNF) - Theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 6, toàn ngành Hải quan thực hiện 3.166 cuộc kiểm tra sau thông quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 1.174,3 tỷ đồng, thực thu vào ngân sách nhà nước số tiền (bao gồm thu cả các cuộc năm 2017) 1.029,9 tỷ đồng, đạt 46% chỉ tiêu năm 2018, tăng 19% so với cùng kỳ 2017.

Thực hiện hơn 3.100 cuộc kiểm tra sau thông quan, Hải quan thu về 1.030 tỷ đồng

Hết tháng 6, toàn ngành Hải quan thực hiện 3.166 cuộc kiểm tra sau thông quan. (Ảnh minh họa)

Được biết năm 2018, Tổng cục Hải quan giao chỉ tiêu thực hiện kiểm tra tối thiểu 1.280 cuộc kiểm tra sau thông quan (KTSTQ)  tại trụ sở người khai hải quan và đạt số thực thu NSNN tối thiểu 2.235 tỷ đồng.

Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành kế hoạch KTSTQ đánh giá tuân thủ pháp luật đối với 246 doanh nghiệp cho Cục KTSTQ và sẽ có 21 cục hải quan địa phương có chi cục KTSTQ thực hiện.

Các cuộc kiểm tra chú trọng công tác thu thập thông tin đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, tiến hành phân tích rủi ro, kiểm tra đánh giá tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, lĩnh vực, mặt hàng, nhóm mặt hàng có rủi ro cao và những doanh nghiệp chưa thực hiện KTSTQ, có dấu hiệu, thủ đoạn gian lận, trốn thuế lớn.

Đối với mặt hàng, tập trung trọng tâm, trọng điểm vào các mặt hàng phức tạp, có kim ngạch lớn và có khả năng gian lận về mã giá như: ô tô, rượu bia, giấy, mỹ phẩm...

Tổng cục Hải quan cũng liệt kê một số đơn vị có số thu lớn từ KTSTQ trong 6 tháng qua như Cục KTSTQ, các Cục Hải quan TP. HCM, Hải Phòng, Hà Nội… Bên cạnh đó, một số cục có số thu tăng đáng kể so với cùng kỳ 2017 như: Quảng Ninh, Tây Ninh.

Tuy nhiên, cũng có một số đơn vị kết quả chưa tương xứng với khả năng như Đồng Nai, Bắc Ninh.

Tổng cục Hải quan đánh giá công tác KTSTQ hiện vẫn gặp một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: Chính sách về mặt hàng có sự thay đổi theo thời gian (nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thời gian áp dụng khác nhau dẫn đến việc đánh giá thông tin gặp nhiều khó khăn; một số quy định pháp luật còn phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau nên việc xử lý kết quả KTSTQ gặp vướng mắc.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, công tác thu đòi nợ đọng chưa đạt so với chỉ tiêu là do số nợ lớn từ năm 2008, 2009 chuyển sang (chiếm gần 50% chỉ tiêu) khó đòi do doanh nghiệp chây ỳ, đang khiếu kiện, khiếu nại hoặc do doanh nghiệp chuyển sang các hoạt động khác không còn thực hiện XNK hàng hóa nên việc thu đòi nợ đọng rất khó khăn...

Tin mới lên