[Top 10 DNNY] Sacombank: Trầm Bê - Thái Bạch và bước ngoặt Công Minh
Kình Dương -
18/10/2017 17:25 (GMT+7)
(VNF) - 5 năm qua, Sacombank đã phải đối mặt với rất nhiều biến động không tưởng mà nhân vật chính của loạt biến động này là "sao Thái Bạch" Trầm Bê. Bước ngoặt mang tên Dương Công Minh liệu có đủ sức vực lại một ngân hàng từng là hàng đầu hiện đang gánh trên vai khối nợ xấu 60.000 tỷ?
Hơn 3 tháng trước, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, cổ đông Lê Thị Kim Cúc – người đã gắn bó 20 năm với Sacombank – bức xúc hỏi rằng, tại sao không thấy ông Trầm Bê xuất hiện, vì sao đầu nhiệm kỳ thấy ông Trầm Bê sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank mà cuối nhiệm kỳ lại không thấy đâu?
Trầm Bê giờ đã bị tạm giam. Sacombank dưới thời ông chủ mới – Dương Công Minh - cũng đang tăng tốc xử lý nợ xấu sau khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đề án tái cơ cấu. Và bà Lê Thị Kim Cúc cũng sắp phải làm quen với mã chứng khoán mới SCM (Sacombank – Công khai – Minh bạch), chia tay mã chứng khoán cũ STB (Sài Gòn -Thương Tín - Bank) vốn gắn bó với bà và nhiều cổ đông khác đã rất nhiều năm.
Sao Thái Bạch
"STB có nghĩa là Sao Thái Bạch", Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh nói về lý do đổi mã chứng khoán.
Theo vị lãnh đạo từng trong quân ngũ này, trên phương diện phong thủy đây là sao rất xấu, gắn liền với câu "Thái Bạch quét sạch của nhà". Bị sao này chiếu sẽ gặp hạn về sức khỏe, làm thua lỗ… Do vậy để thoát khỏi quan niệm trên, Sacombank quyết định đổi mã chứng khoán.
Kỳ thực, 5 năm qua, Sacombank đã phải đối mặt với rất nhiều biến động "không tưởng" mà nhân vật chính của loạt biến động này là Trầm Bê – cái tên cũng có chút liên quan về mặt chữ cái với sao "Thái Bạch".
Bước ngoặt đầu tiên trong chuỗi biến động quyền lực tại Sacombank xảy ra tháng 1/2012 khi ngân hàng ANZ – cổ đông nước ngoài lớn nhất của Sacombank – đã đăng ký bán toàn bộ 103 triệu cổ phiếu STB, tương ứng 9,16% cổ phần của Sacombank. Đối tượng mua lượng cổ phần này là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Không rõ "mưu đồ" thâu tóm Sacombank của Trầm Bê nhen nhóm từ bao giờ, nhưng ở bước ngoặt trên, người đàn ông này không lộ diện.
Ngay sau khi Eximbank trở thành cổ đông lớn của Sacombank, trên thị trường rộ lên thông tin ACB, Eximbank và Sacombank sẽ "về một nhà" (sở dĩ xuất hiện ACB ở đây là bởi ngân hàng này đang là cổ đông lớn của Eximbank thời điểm đó).
Diễn biến "ngầm" sau đó tiếp tục cho thấy sự lạ tại Sacombank.
Tháng 2/2012, nhiều cổ đông của Sacombank cho biết họ khá bất ngờ khi nhân viên Sacombank đến tìm gặp và đề nghị họ ủy quyền biểu quyết cho một nhóm cổ đông lớn của Sacombank, dù rằng thời điểm đó chưa có bất cứ thông tin gì về cuộc họp được cho là sẽ xuất hiện sắp tới.
Ngay trong tháng 2/2012, Eximbank đã bất ngờ đưa ra đề nghị bầu lại toàn bộ HĐQT Sacombank. Đáng chú ý, Eximbank không chỉ đề nghị với tư cách cổ đông lớn sở hữu 8,73% cổ phần, mà còn đại diện cho nhóm cổ đông đa số khác với tổng số cổ phần có quyền biểu quyết lên đến trên 51%.
Chủ tịch Sacombank khi đó là ông Đặng Văn Thành cho biết, đằng sau Eximbank còn có Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) nắm giữ 4,8% cổ phần Sacombank, nhưng "số liệu còn lại trong tỷ lệ 51% nêu trên chưa được chứng thực".
Đến đây, bóng dáng của "sao Thái Bạch" Trầm Bê mới dần được hé lộ.
Trầm Bê - "sao Thái Bạch" của Sacombank
Suốt vài tháng sau đó, nhóm cổ đông của Eximbank liên tục gom mua cổ phiếu STB, trong khi nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch Đặng Văn Thành lại liên tục bán ra cổ phiếu.
Tháng 5/2012, HĐQT Sacombank thống nhất trình đại hội cổ đông chấp thuận chủ trương và ủy quyền cho HĐQT quyết định các vấn đề liên quan nghiên cứu, chọn lọc, phân tích và triển khai thủ tục cần thiết để xin phép hợp nhất và sáp nhập ngân hàng phù hợp vào Sacombank.
Mọi chuyện trở lên rõ ràng ngay trong tháng 5/2012 khi danh sách ứng viên HĐQT mới của Sacombank được công bố, với đại diện tiêu biểu là cha con Trầm Bê - Trầm Khải Hòa và Phan Huy Khang – tất cả đều đã/đang là nhân sự cốt cán của Ngân hàng Phương Nam.
Không lâu sau đó, ông Phan Huy Khang lên nắm quyền Tổng giám đốc, còn ông Đặng Văn Thành chính thức rời cương vị Chủ tịch HĐQT Sacombank vào tháng 11/2012.
Mặc dù đã ngã ngũ chuyện "Nga đưa bao nhiêu quân vào Ukraina" – như lời một lãnh đạo ngành ngân hàng ví von về thương vụ này – nhưng phải đến tận 1/10/2015, thương vụ sáp nhập "cá bé nuốt cá lớn" chưa từng có trong lịch sử mới chính thức hoàn tất.
Bước ngoặt Công Minh
Ngày 30/6/2017, ông Dương Công Minh chính thức đắc cử chức Chủ tịch HĐQT Sacombank, cũng chính thức khép lại "cuộc chiến vương quyền" tại ngân hàng này.
3 tháng tại vị đủ để cho ông Minh hoàn thành phần việc đầu tiên, cũng là một trong những việc quan trọng nhất: "thay máu" dàn nhân sự cấp cao.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm thay thế ông Phan Huy Khang làm Tổng giám đốc Sacombank. Hàng loạt nhân sự cấp phó cũng liên tục được miễn nhiệm, bổ nhiệm mà gần đây nhất, Phó Tổng giám đốc Lý Hoài Văn – người từng có 16 năm gắn bó với Sacombank – đã được cho thôi việc "theo nguyện vọng cá nhân".
Phía trước ông Dương Công Minh giờ là phần việc rất lớn: xử lý khối nợ xấu 60.000 tỷ.
Ông Dương Công Minh đã hoàn thành phần việc đầu tiên, cũng là một trong những việc quan trọng nhất: "thay máu" dàn nhân sự cấp cao tại Sacombank
Nhìn chung, Sacombank hiện chỉ có 3 con đường để tự thân xử lý nợ xấu: xử lý tài sản bảo đảm, bán đứt nợ và bù đắp tổn thương từ nợ xấu bằng lợi nhuận.
Tháng 9 vừa qua, Sacombank đã cùng với VAMC ký kết thỏa thuận hợp tác về xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng với mục tiêu trước mắt là trong năm 2017 sẽ xử lý và thu hồi nợ từ 15.000 – 20.000 tỷ đồng.
Cụ thể hơn, Sacombank sẽ đề xuất danh mục các khoản nợ xấu bán nợ cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt và các khoản nợ xấu để mua bán nợ theo giá thị trường. Ngay tại buổi ký kết, ngân hàng này đã bán đứt 3 khoản nợ có tổng dư nợ hơn 2.580 tỷ đồng cho VAMC.
Động thái của Sacombank được đánh giá là phù hợp bởi hợp tác với VAMC, cùng với nỗ lực tự thân xử lý nợ xấu là cách thức tận dụng triệt để nhất những thuận lợi từ Nghị quyết 42.
Còn việc bù đắp tổn thương từ nợ xấu bằng lợi nhuận, bản thân Sacombank vẫn liên tục thực hiện, đặc biệt là từ khi sáp nhập Phương Nam. Nhưng thời của ông Dương Công Minh có chút khác biệt khi vị tân chủ tịch này "hào phóng" tăng lương, chi thưởng bất thường cho nhân viên và có chính sách thưởng cao cho nhân viên vượt doanh số, mục đích cuối cùng là để thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng.
Hiệu quả của các biện pháp trên còn phải chờ nhưng trước mắt, các cổ đông của Sacombank sẽ phải chấp nhận thay đổi chưa từng có khi cổ phiếu STB (Sao - Thái - Bạch) sẽ bị hủy niêm yết và chuyển sang sàn HNX với mã cổ phiếu mới SCM (Sacombank – Công – Minh) mà theo nhìn nhận của Công ty Chứng khoán HSC, việc chuyển sàn này là "một bước lùi về tính minh bạch và tính thanh khoản" và có thể khiến cổ phiếu STB đối mặt với áp lực bán ngắn hạn.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone