Nhân vật

Trầm Bê: Từ trùm ngân hàng, bất động sản đến vòng lao lý

Từng gây tiếng vang trong nhiều lĩnh vực từ y tế, nông nghiệp, bất động sản đến tài chính, ngân hàng, ông Trầm Bê - nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng Sacombank lại vướng vòng lao lý.

Trầm Bê: Từ trùm ngân hàng, bất động sản đến vòng lao lý

Ông Trầm Bê - nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng Sacombank.

Ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng liên quan hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Sinh năm 1959, ông Trầm Bê là người Việt gốc Hoa, con cả trong một gia đình nghèo có 4 người con ở Trà Vinh. Dù là một người có quyền lực trên thị trường tài chính nhưng ông Trầm Bê rất hiếm khi xuất hiện trước báo chí.

Trong giới đầu tư, dù ở lĩnh vực y tế, nông nghiệp, bất động sản hay tài chính, ông được đánh giá cao về "độ nhạy cảm" với những thị trường mới và có nhiều tiềm năng. 

Khởi nghiệp từ gỗ, thành công nhờ bất động sản

Cũng đi lên từ khai thác gỗ như ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, năm 1991 ông Trầm Bê bắt đầu sự nghiệp của mình với cương vị là Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh và chỉ 4 năm sau ông đã nhanh chóng tiến thêm một bước nữa để trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty này.

Sau 10 năm làm trong ngành gỗ, tên tuổi của ông đã được khẳng định. Năm 2001 ông bắt đầu dấn thân sang lĩnh vực bất động sản bằng việc đầu tư 13% vốn vào Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị. Công ty của ông "phất" lên nhanh chóng do bất động sản vào thời kỳ này như một miếng bánh béo bở.

Ông từng xuất hiện trên báo chí nước ngoài với thương vụ bỏ ra khoảng 64 triệu USD để sở hữu một phần khu mua sắm Vallco Shopping Mall tại Mỹ vào năm 2009. Năm 2014, ông chuyển nhượng lại khu thương mại này với giá 116 triệu USD. Sau 5 năm nắm giữ khoản đầu tư tại Vallco Shopping Mall, ông Trầm Bê đã thu về khoản chênh lệch lên tới 50 triệu USD. 

Sau khi bước chân vào Hội đồng Quản trị của BCCI, nắm bắt cơ hội khi Nhà nước đang có chủ trương xã hội hóa ngành y tế, ông bắt đầu nhắm vào thị trường này bằng cách đầu tư xây dựng Bệnh viện Triều An. Bước đi này của ông được nhiều người cho là sự lựa chọn khôn ngoan.

Sau đó, ông lại tiếp tục bước sang một lĩnh vực mới đó là nông nghiệp. Ông nắm giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT của Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn từ năm 2002 cho tới năm 2004. Bất chấp mọi khó khăn, ông đã đầu tư 20 triệu USD để trang bị thiết bị chiếu xạ theo tiêu chuẩn Pasteur và kỹ thuật chiếu xạ của Mỹ và chiếm lĩnh 100% thị trường chiếu xạ thanh long ở Việt Nam.

Nhờ vậy Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn vẫn tiếp tục giữ thế độc quyền cho tới tận năm 2009, khi bắt đầu xuất hiện một công ty thứ hai là Công ty Cổ phần An Phú bước chân vào thị trường này.

Đến "ông trùm" tài chính ngân hàng

Tên tuổi của Trầm Bê ghi dấu ấn đậm trên thương trường khi ông chính thức bước chân vào lĩnh vực tài chính ngân hàng: trở thành thành viên trong Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) vào năm 2004. 

Khi bắt đầu có những nền tảng vững chắc và cũng là thời điểm ngành ngân hàng ngày càng nở rộ, vận may đã dẫn ông đến con đường thành công, mặc dù chưa hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Sau khi hoạt động của ngân hàng đi vào ổn định, SouthernBank cho ra đời Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam (NJC) và Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS).

Sau khi NJC được thành lập vào năm 2007, trên cương vị là Phó chủ tịch, năm 2008 ông Trầm Bê đưa con gái Trầm Thuyết Kiều (sở hữu 11% cổ phần NJC) lên giữ chức Phó giám đốc. Đến năm 2011, con trai út Trầm Khải Hòa nhận chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty này. 

Để đứng trong nhóm dẫn đầu thị trường tài chính, ông Trầm Bê đã nuôi tham vọng thâu tóm Sacombank. Ngay từ khi bắt đầu xuất hiện những tin đồn về việc sáp nhập giữa SouthernBank và Sacombank, Trầm Bê là một trong những cái tên được nhắc đến đầu tiên.

Năm 2012, ông Trầm Bê cùng con trai là ông Trầm Khải Hòa đã bất ngờ rút khỏi ban lãnh đạo của SouthernBank để tham gia HĐQT của Sacombank. Tại Sacombank, ông Trầm Bê giữ chức vụ mới là Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, con trai Trầm Khải Hòa là thành viên HĐQT của Sacombank. Còn tại SouthernBank, Trầm Trọng Ngân trở thành Phó Chủ tịch thường trực.

Tuy nhiên, tháng 11/2015 ông đã bất ngờ từ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch thường trực tại Sacombank.

Thương vụ "cá bé nuốt cá lớn" trên thị trường ngân hàng bắt đầu lộ "điểm yếu" khi số nợ xấu của SouthernBank "đổ" về Sacombank quá lớn khiến Sacombank sau sáp nhập tăng dần khối nợ xấu lên tới 5,4% (tương đương hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tới hơn 7.000 tỷ đồng) trong năm tài chính 2016.

Hoạt động kinh doanh của Sacombank đã bị lỗ quý IV trong năm 2015 (lỗ 671 tỷ đồng) và quý IV/2016 (lỗ 18,5 tỷ đồng) khiến lợi nhuận năm giảm. Năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 532 tỷ đồng, từ mức 1.469 tỷ đồng năm 2015.

Đến ngày 24/2/2017, Ngân hàng Nhà nước mới chính thức chấp thuận cho cha con ông Trầm Bê và Trầm Khải Hòa chấm dứt quyền điều hành tại Sacombank. 

"Duyên ngân hàng" của ông Trầm Bê coi như đã chấm dứt. Ông không còn sở hữu cổ phiếu ngân hàng cũng sau 13 năm dấn thân "buôn tiền".

Theo báo cáo quản trị của Sacombank, tính đến cuối năm 2016, gia đình ông Trầm Bê sở hữu 179 triệu cổ phiếu của Sacombank, tương ứng tỷ lệ gần 9,5% vốn điều lệ Sacombank. Tuy nhiên, ông Trầm Bê đã ủy quyền không hủy ngang vô thời hạn toàn bộ cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước.

Đại án Phạm Công Danh và con đường lao lý

Động thái bắt giữ ông Trầm Bê được Bộ Công an đưa ra trong tiến trình điều tra giai đoạn hai của đại án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh) gây thất thoát tổng cộng hơn 15.000 tỷ đồng.

Theo điều tra, ông Trầm Bê đã tiếp tay cho Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỷ đồng. 

Ông Trầm Bê - thời còn làm lãnh đạo Sacombank - đã cùng hàng loạt cán bộ của Sacombank đã cố tình lách quy định, giúp ông Danh vay tiền của nhà băng này.

Được ông Trầm Bê đồng ý, ông Danh sử dụng pháp nhân 6 công ty đứng tên vay. 6 công ty này đều do ông Danh thành lập, giám đốc công ty đều là lái xe, bảo vệ, nhân viên tiếp thị… của Tập đoàn Thiên Thanh.

Theo C46, Sacombank cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn.

Mặc khác tại hợp đồng bảo lãnh, chỉ có ông Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB - đại diện theo pháp luật) ký tên, trong khi người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh không hề ký tên vào Hợp đồng.

Sacombank hợp thức hóa sai phạm bằng cách lập các báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung "… khách hàng (là phía ông Danh) sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường…". Trong khi đó, chưa đủ căn cứ để đưa ra các báo cáo kiểm tra, giám sát như vậy.

Ngoài ra, Sacombank quyết định cho vay 1.800 tỷ đồng chưa thực hiện bảo đảm tiền vay như quy định về bảo lãnh.

Bị cáo buộc cùng hành vi, nguyên thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank - ông Phan Huy Khang - cũng bị bắt giam 4 tháng.


Tin mới lên