Tài chính

VFS chọn cổ đông chiến lược trái ngành: Tại anh, tại ả, tại cả hai bên

(VNF) – Việc Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) nắm 65% cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã làm dấy lên những tranh luận về việc lựa chọn cổ đông chiến lược trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

VFS chọn cổ đông chiến lược trái ngành: Tại anh, tại ả, tại cả hai bên

Vivaso chi phối Hãng phim truyện Việt Nam với số tiền 32,5 tỷ đồng

Vivaso có ngành nghề kinh doanh chính là đóng gói, sửa chữa phương tiện vận tải thủy; kinh doanh vận tải và dịch vụ, xếp dỡ hàng hóa, kinh doanh kho bãi, dịch vụ cảng sông, bến xe… - một lý lịch hoàn toàn không dính dáng gì đến phim ảnh.

Tuy nhiên, Vivaso lại trở thành cổ đông chiến lược của VFS – cái nôi của điện ảnh Việt Nam với 400 tác phẩm trong 60 năm lịch sử. Một cuộc hôn phối lạ lùng – lạ lùng như cách ông Nguyễn Danh Thắng, phó tổng giám đốc Vivaso, từng trả lời báo chí hồi tháng 4/2016: "Vì sao chúng tôi chọn đầu tư cho VFS thì có nhiều lí do. Ngoài tình yêu với điện ảnh thì đó là hy vọng điện ảnh cũng là một kênh truyền thông quảng bá hình ảnh công ty chúng tôi"!

VFS – một con nợ tiền thuê đất lên tới 21 tỷ đồng và thua lỗ triền miên – có gì để hấp dẫn Vivaso (và người đứng sau Vivaso) ngoài đất - dù cho đấy chỉ là đất thuê trả tiền hàng năm? Bởi nói như ông Đặng Quyết Tiến – Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), điều quan trọng không phải đấy là đất gì mà đất đấy nằm trong quy hoạch nào, mục đích sử dụng đất ra sao.

"Mục đích mới gắn liền với giá trị đất. Đất mà chỉ làm công viên cây xanh thì không có giá trị. Còn nếu đất được quy hoạch làm đô thị - dẫu tạm thời chưa làm, cho thuê kho bãi thôi - thì giá trị cũng đã khác rồi, sống chết gì anh cũng phải đầu tư vào đây. Phương án sử dụng đất chính là cái mấu chốt để xác định giá trị đất để đưa vào giá trị doanh nghiệp", lời ông Tiến.

Nhà văn Lưu Trọng Văn (con trai cố nhà thơ nổi tiếng Lưu Trọng Lư) đã có lần ước mong chào mời các hãng phim tư nhân mua lại VFS. "Họ sẽ chỉ làm phim và biết nâng các giá trị truyền thống, lợi thế chính trị, giá trị chất xám, giá trị cơ sở vật chất, đất đai của Hãng phim truyện Việt Nam lên, từ đó có thêm tiền đầu tư làm phim cân đối cả hai dòng thương mại nghệ thuật và nghệ thuật chính trị phục vụ và nâng cao dần thẩm mỹ người xem".

Song, ước mong thì vẫn chỉ là ước mong. Thực tế phũ phàng là ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vivaso, đã "vẽ đường" trong ngắn hạn VFS sẽ viết kịch bản thuê, làm phim thuê. "Kịch bản về dòng họ, phim về lịch sử của tỉnh, huyện; thậm chí nếu xã đặt làm phim thì hãng cũng làm".

Sự trái ngược giữa tư duy của một doanh nhân thuần túy và một thương hiệu nghệ thuật thuần túy đã tạo ra sự xung đột gay gắt về giá trị và cảm xúc. Có lẽ cuộc "hôn phối" này đã sai ngay từ đầu, bởi đơn giản là "chúng ta không thuộc về nhau"?

Lựa chọn cổ đông chiến lược không cùng ngành nghề, đó có thể coi là một "lỗi" trong cổ phần hóa doanh nghiệp – nhất là các doanh nghiệp mang nặng giá trị truyền thống, giá trị nghệ thuật như VFS. Lỗi này do ai? Ông Đặng Quyết Tiến – Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – cho rằng "trách người cũng phải trách ta".

"Là người lao động trong doanh nghiệp, mình phải hiểu ông chủ dùng mình như thế nào. Cổ phần hóa là quá trình giúp người lao động trở thành ông chủ doanh nghiệp. Cũng tham gia quá trình cổ phần hóa, chọn ông chủ không đúng thì phải có ý kiến, báo cáo lãnh đạo, báo cáo rồi mà ông cấp trên vẫn ấn định chọn thì là sai.

Các ngành nghề văn hóa – nghệ thuật - thể thao, tài sản là con người, là chất xám chứ không phải là cái nhà cái cửa. Con người là tài sản thì tài sản ấy phải có người biết sử dụng. Thế giờ chọn một ông không biết sử dụng, ông ấy cứ ngồi đánh đố nhau thì là không đúng", ông Tiến nói.

Ông Tiến cho biết trong quá trình cổ phần hóa bao giờ cũng có buổi phổ biến quy trình cổ phần hóa cho tập thể công nhân viên chức. Khi xác định giá trị doanh nghiệp xong lại tiếp tục phổ biến phương án cổ phần hóa cho người lao động. Trong phương án đấy nói rõ cổ đông là ai, thế mạnh của cổ đông là gì để người lao động cho ý kiến. Nếu người lao động không đồng thuận thì dừng lại để điều chỉnh.

"Rõ ràng ở đây, trách nhiệm đến từ cả 2 phía. Phía thứ nhất người lao động cũng chưa mặn mà, chưa xác định và chưa làm sát trách nhiêm của mình. Phía thứ hai là cơ quan quản lý nhà nước, là ban chỉ đạo cổ phần hóa chưa hiểu rõ tâm tư anh em, cũng nóng vội trong quá trình triển khai hoặc có thiếu sót.

Trong quy trình cổ phần hóa đều có những khâu phổ biến thông tin… Vậy nhưng để đến khi người khác đã nắm quyền, quyền sở hữu đã chuyển đổi sang rồi thì vấn đề các nghệ sĩ nêu lên sẽ khó cho cơ quan quản lý nhà nước, khó cho cả nhà đầu tư. Lẽ ra, lúc cổ phần hóa, chúng ta có quyền tranh cãi, có ý kiến, chúng ta phải nói ngay", ông Tiến nói.

Rốt cục thì là trong cuộc hôn nhân Vivaso – VFS, lỗi "tại anh, tại ả, tại cả hai bên". Đó âu cũng có thể coi như một kinh nghiệm cho những lần cổ phần hóa tiếp theo tại các doanh nghiệp khác. Ở đó người lao động cần ý thức rõ hơn về vai trò của mình. Và công đoàn cũng phải thể hiện tiếng nói trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bảo vệ cho quá trình cổ phần hóa diễn ra đúng định hướng, đúng pháp luật. 

Tin mới lên