18 tấn vàng ra thị trường, liên ngành đi thanh tra, vàng vẫn tăng giá mạnh

Minh Anh - 28/05/2024 14:00 (GMT+7)

(VNF) - Dù NHNN đã bán ra 1,8 tấn nhưng giá vàng miếng SJC vẫn đắt đỏ, mức chênh còn gần gấp đôi so với trước đấu thầu. Nhiều chuyên gia cho rằng đấu thầu vàng chưa phát huy hiệu quả, chỉ là giải pháp tình thế.

Đã bán ra 1,8 tấn, vàng miếng SJC vẫn đắt đỏ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6.

Từ cuối năm 2023, giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh mới. Vàng miếng SJC đã đạt mức kỷ lục 92,5 triệu đồng vào tháng 5. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá thế giới neo ở mức cao, có thời điểm tới hơn 20 triệu đồng/lượng.

Để tăng cung nhằm bình ổn thị trường vàng, NHNN bắt đầu tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC từ ngày 22/4.

Qua 9 phiên đấu thầu, có 6 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng vàng miếng trúng thầu là 48.500 lượng, tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã được các thành viên dự thầu (gồm các công ty kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng) mua vào, từ đó cung ứng ra thị trường.

Với hơn 1,8 tấn vàng cung ứng ra thị trường trong thời gian qua vẫn không kéo được mức đắt đỏ của vàng miếng SJC. Giá vàng miếng SJC vẫn đang đắt hơn thế giới 17,9 triệu đồng/lượng tính đến hôm qua.

Sáng hôm nay (28/5), giá vàng miếng SJC tăng mạnh nửa triệu đồng mỗi lượng ngay khi mở cửa, niêm yết ở mức 88,4-90,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)

Nếu so sánh với mức chênh thời điểm trước khi NHNN đấu thầu vàng là 9,53 triệu đồng/lượng thì mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới đã tăng gần gấp đôi.

Dù NHNN đã bán ra thị trường hơn 1,8 tấn vàng nhưng giá vàng miếng vẫn cao hơn thế giới gần 18 triệu đồng/lượng. Nhiều người đặt câu hỏi nguồn cung vàng đi về đâu?

Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối Tác Mới, NHNN chỉ mới tăng nguồn cung vàng ra thị trường qua các thành viên tham gia đấu thầu vàng. Tuy nhiên, lượng vàng này đã ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân hay chưa thì cũng không rõ.

Ông Trọng đánh giá, các phiên đấu thầu chưa tạo được hiệu ứng để người dân bán lượng vàng đang có ra thị trường mà lại có tâm lý mua vào khi giá trúng thầu từ NHNN ở mức cao. Trước đây, người dân mua vàng miếng là chủ yếu, ít mua vàng nhẫn. Gần đây, vàng nhẫn được người dân quan tâm mua nhiều. Nhưng sau khi các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra nguồn gốc vàng, thị trường vàng nhẫn gần như đóng băng, không đáp ứng được nhu cầu nên nhiều người quay sang vàng miếng SJC. Điều này càng làm cho vàng miếng SJC trở nên đắt đỏ hơn.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng nguồn cung 1,8 tấn vàng không đủ cho thị trường. Chỉ xét doanh thu của Công ty SJC dự kiến trong năm 2024 ở mức 30.145 tỷ đồng, tương ứng khoảng 12 tấn vàng.

Nhìn lại năm 2013, NHNN đã thực hiện gần 80 phiên đấu thầu vàng, chào bán ra thị trường tổng cộng 1,932 triệu lượng vàng và bán thành công gần 1,82 triệu lượng vàng, tương đương 69,9 tấn vàng. Trong số đó có hơn 30 tấn vàng được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường.

TS Huân phân tích: Cách đây 10 năm thị trường đã tiêu thụ 40 tấn và hơn 10 năm qua chưa có lượng vàng nào được NHNN cung ứng thêm. Vì vậy, 1,8 tấn vàng vừa đấu thầu chưa thể đáp ứng đủ cho thị trường thì giá vàng miếng SJC sẽ vẫn còn cao.

Đấu thầu vàng chưa phát huy hiệu quả, chỉ là giải pháp tình thế

Nhiều ý kiến cho rằng biện pháp can thiệp thông qua đấu thầu để hạ nhiệt giá vàng thời gian qua chưa phát huy hiệu quả.

Tại nghị trường hôm 23/5 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi về việc quản lý thị trường vàng.

Theo các đại biểu, NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC để tăng nguồn cung cho thị trường nhưng lại xảy ra nghịch lý, cứ sau đấu thầu giá vàng lại tăng. Do giá sàn cao nên doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao hơn.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) nhận xét các biện pháp để thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới đang không hiệu quả. Đặc biệt, việc đấu thầu vàng miếng càng "hâm nóng" thêm thị trường vàng.

Nguyên nhân có thể do cách thức làm vừa rồi không rõ mục tiêu. Bởi giá sàn cao nên các đơn vị khi trúng thầu khó bán thấp hơn. Để kéo vàng trong nước về sát với quốc tế, ông Lâm cho rằng nhà chức trách cần tính đúng, đủ giá thành sản xuất trong nước, cộng với chi phí nhập khẩu và các chi phí khác để làm giá khởi điểm đấu thầu.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định giá đấu thầu vàng thời gian qua được thực hiện theo giá thị trường. Giá thị trường cao khiến giá đấu thầu cao và khi người tham gia mua vàng ở mức cao thì tất nhiên bán ra cũng ở mức cao. Vì nhu cầu vàng trong nước vẫn còn cao nên lượng vàng đấu thầu trên chưa giải được cơn khát vàng.

Nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết được câu chuyện vàng miếng SJC chứ không giải quyết được câu chuyện căn cơ là nguồn nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp vàng trong nước.

Theo các chuyên gia, giải pháp để ổn định thị trường vàng là sớm xóa độc quyền vàng miếng SJC và xem xét cho nhập khẩu vàng nguyên liệu chính ngạch.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho hay, việc đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Dài hơi hơn, khi sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, NHNN cần tính đến phương án xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng Thế giới, cho rằng, khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế lên đến 20 triệu đồng/lượng sẽ rất khó kiểm soát vàng lậu. Do đó, cần cho phép nhập một ít vàng nguyên liệu.

Ông Khánh tính toán, việc nhập khẩu vàng cũng không tiêu tốn nhiều ngoại tệ như các lĩnh vực khác. Tính theo mức giá hiện tại, ới nhu cầu bình quân vàng đầu tư, gồm vàng miếng và nhẫn trơn 24K ước tính khoảng 30 tấn mỗi năm, lượng ngoại tệ cần thiết để nhập về vào khoảng 2,3 tỷ USD.

Có hai phương án được kiến nghị. Một là cấp hạn mức cho các doanh nghiệp trực tiếp nhập vàng. Hai là NHNN nhập vàng nguyên liệu về và bán lại cho doanh nghiệp. Từ đó, có thể xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và cho các doanh nghiệp vàng đủ điều kiện có thể sản xuất vàng miếng như trước đây.

Tại họp báo kinh tế - xã hội chiều 16/5, bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) - kiến nghị Nhà nước, Chính phủ và NHNN cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng bởi các doanh nghiệp đang không có nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang. Câu chuyện vàng lậu hiện nay rất nhức nhối.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR cho rằng, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... sẽ không tốn dự trữ ngoại hối, mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì.

Để người dân không chạy theo vàng, một số chuyên gia ngân hàng cho rằng, điều quan trọng nhất là phải giữ được giá trị của đồng nội tệ. Nếu người dân lo ngại tiền đồng mất giá, họ sẽ lại đổ xô đầu tư đất, vàng.

Mới đây, NHNN thông báo sẽ thanh tra kinh doanh vàng của 4 doanh nghiệp lớn SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu và hai ngân hàng TPBank, EximBank. Các đơn vị này sẽ bị thanh tra việc chấp hành pháp luật kinh doanh vàng; phòng, chống rửa tiền; lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ và thực hiện nghĩa vụ thuế. Thời gian thanh tra từ 2020 đến giữa tháng 5/2024.

Ngân hàng Nhà nước bất ngờ dừng đấu thầu vàng miếng

Ngân hàng Nhà nước bất ngờ dừng đấu thầu vàng miếng

Ngân hàng
(VNF) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất.
Sốt giá vàng: Nhu cầu chắc không đến từ người dân thường?

Sốt giá vàng: Nhu cầu chắc không đến từ người dân thường?

Diễn đàn
(VNF) - Câu hỏi có hay không tình trạng đầu cơ, thao túng giá vàng phải được trả lời trước khi đưa ra các quyết sách, kể cả ngắn hạn như việc nhập khẩu vàng chính ngạch hay dài hạn như việc sửa đổi và định hướng sửa đổi Nghị định 24/2012.
Giá vàng liên tục 'nhảy múa': Dự báo mức 150 triệu/lượng không còn xa

Giá vàng liên tục 'nhảy múa': Dự báo mức 150 triệu/lượng không còn xa

Thị trường
(VNF) - Quỹ Incrementum AG (Đức) dự báo, giá vàng sẽ sớm chạm mức 4.800 USD/ounce (tương đương 150 triệu đồng/lượng).
Cùng chuyên mục
Tin khác