220 tỷ USD cho World Cup 2022: Lỗ đậm vì bóng đá, Qatar hưởng lợi điều gì?
Minh Ý -
12/11/2022 23:11 (GMT+7)
(VNF) - Sở hữu một trong những nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, Qatar khẳng định sẽ tự lo mọi chi phí khi đăng cai FIFA World Cup 2022. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tiềm lực kinh tế khổng lồ cũng sẽ phải chịu tổn hại sâu sắc khi đăng cai giải bóng đá vô địch thế giới.
Tiềm lực kinh tế của Qatar
Qatar là nơi sinh sống của khoảng 2,9 triệu người, nhưng chỉ một phần nhỏ, khoảng 1/10, là công dân Qatar. Họ được hưởng khối tài sản khổng lồ và những lợi ích được thúc đẩy bởi việc Qatar được chia sẻ quyền kiểm soát đối với một trong những nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới.
Quốc gia nhỏ bé ở mũi phía đông của Bán đảo Ả Rập nhô ra Vịnh Ba Tư. Có North Field, mỏ khí đốt dưới nước lớn nhất thế giới mà Qatar chia sẻ với Iran. Mỏ khí đốt này chiếm khoảng 10% trữ lượng khí đốt tự nhiên được biết đến trên thế giới.
Dầu khí đã làm cho đất nước 50 tuổi trở nên giàu có và có tầm ảnh hưởng lớn. Trong vài thập kỷ, khoảng 300.000 công dân Qatar “đổi đời” nhờ rời bỏ cuộc sống mưu sinh vất vả là đánh cá và lặn tìm ngọc trai.
Trước khi xuất hiện ngành công nghiệp xăng dầu, Qatar là một quốc gia nghèo chủ yếu phụ thuộc vào nghề lặn ngọc trai. Việc thăm dò các mỏ dầu khí được bắt đầu thực hiện vào năm 1939, đã thay đổi cuộc sống ở Bán đảo Ả Rập mãi mãi.
Năm 1973, sản lượng và doanh thu của ngành khai thác dầu mỏ tăng đáng kể, đưa Qatar ra khỏi hàng ngũ các nước nghèo nhất thế giới và biến nước này trở thành một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trên thế giới.
Trong khi phần lớn thế giới vật lộn với suy thoái và lạm phát, Qatar và các nhà sản xuất năng lượng Ả Rập vùng Vịnh khác đang thu được lợi ích từ giá năng lượng cao. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng nền kinh tế Qatar sẽ tăng trưởng khoảng 3,4% trong năm nay.
Bất chấp việc chi tiêu ồ ạt để chuẩn bị cho World Cup, quốc gia này vẫn kiếm được nhiều hơn số tiền chi tiêu vào năm ngoái, mang lại thặng dư kếch xù tiếp tục kéo dài đến năm 2022. Sự giàu có của Qatar có thể sẽ tăng lên khi nước này mở rộng năng lực để có thể xuất khẩu nhiều hơn khí tự nhiên vào năm 2025.
Giống như các quốc gia dầu mỏ giàu có khác ở vùng Vịnh, Qatar không phải là một quốc gia dân chủ. Tuy nhiên, chính phủ cung cấp cho công dân những đặc quyền giúp giữ chân nguồn lao động trong nước.
Công dân Qatar được hưởng thu nhập miễn thuế, công việc chính phủ trả lương cao, chăm sóc sức khỏe miễn phí, giáo dục đại học miễn phí, hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng mới cưới, hỗ trợ nhà ở, trợ cấp hào phóng bao gồm các hóa đơn điện nước và trợ cấp hưu trí sang trọng.
Chi tiêu “khủng” cho World Cup
Qatar đã chi khoảng 220 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển khác kể từ khi thắng thầu đăng cai World Cup kéo dài 5 tuần, theo các tuyên bố chính thức và báo cáo từ Deloitte.
Khoảng 6,5 tỷ USD trong số đó đã được chi để xây dựng 8 sân vận động cho giải đấu, bao gồm cả sân vận động Al Janoub được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng quá cố Zaha Hadid.
Hàng tỷ USD cũng được chi để xây dựng một tuyến tàu điện ngầm, sân bay mới, đường sá và các cơ sở hạ tầng khác trước các trận đấu.
Ngoài ra, có vẻ như Qatar sẽ phải chịu một phần chi phí an ninh, có thể hơn 1 tỷ USD, và gánh nhiều loại chi phí hoạt động khác.
Để so sánh, các phương tiện truyền thông cho biết FIFA dự kiến sẽ chi 1,7 tỷ USD cho World Cup, tương đương 0,8% so với số tiền Qatar chi ra. Trong đó, khoảng 440 triệu USD sẽ được chi ra làm tiền thưởng với 42 triệu USD thuộc về đội chiến thắng. Tất cả các đội không vượt qua được vòng bảng sẽ nhận được 9 triệu USD/đội.
Các hạng mục chi phí hoạt động chính khác bao gồm 247 triệu USD cho hoạt động truyền hình, 326 triệu USD cho chi phí của các câu lạc bộ cạnh tranh và 207 triệu USD cho quản lý lực lượng lao động.
Tuy nhiên, FIFA dự kiến cũng sẽ thu được tới 4,7 tỷ USD từ bản quyền truyền hình quốc tế, vé, dịch vụ khách sạn và các khoản tài trợ. Điều này nghĩa là Liên đoàn Bóng đá Quốc tế vẫn lãi 3 tỷ USD, nhưng không chia sẻ lợi nhuận với Qatar, quốc gia đăng cai giải đấu.
Lãi có bù được lỗ?
Khoản chi 220 tỷ USD của Qatar cho World Cup thậm chí còn nhiều hơn GDP dự kiến năm 2022 của quốc gia này là 180 tỷ USD. Từ khi nhận đăng cai World Cup vào năm 2010 đến nay, trung bình Qatar đã chi 18,3 tỷ USD/năm, tương đương 10% GDP quốc gia. Đây là một khoản đầu tư vô cùng lớn của quốc gia này.
Tất nhiên, trong khi khoản đầu tư 220 tỷ USD, một số khoản đầu tư này đóng góp lâu dài cho sự phát triển của Qatar, và một số khoản đầu tư không liên quan đến sự phát triển này hoặc có mức độ ưu tiên rất thấp. Ví dụ, một tàu điện ngầm hoặc đường cao tốc kết nối hai sân vận động ở hai bên của Doha có thể đóng góp rất quan trọng vào sự thuận tiện đi lại trong các trận đấu, nhưng không đóng góp gì cho nền kinh tế Qatar.
Cũng cần lưu ý rằng chi phí duy trì sẽ tiếp tục tăng sau khi cuộc thi kết thúc. Các bộ phận của một số sân vận động dự kiến sẽ được tháo dỡ và chuyển đi nơi khác. Các sân vận động và các tòa nhà khác vẫn còn tồn tại sẽ đòi hỏi hàng triệu USD hàng năm cho chi phí vận hành và bảo trì.
Những công trình kiến trúc này sẽ tiếp tục chiếm giữ các bất động sản có giá trị, làm mất đi các mục đích sử dụng tiềm năng khác. Các khách sạn được xây dựng để phục vụ du khách xem World Cup phần lớn sẽ không hoạt động.
Về mặt doanh thu, công ty nghiên cứu Capital Economics có trụ sở tại London cho biết doanh số bán vé cho thấy khoảng 1,5 triệu khách du lịch sẽ đến Qatar dự World Cup. Công ty nghiên cứu cho biết, nếu mỗi du khách ở lại trong 10 ngày và chi tiêu 500 USD/ngày, chi tiêu của mỗi du khách sẽ lên tới 5.000 USD. Điều đó có thể lên tới 7,5 tỷ USD thúc đẩy nền kinh tế Qatar trong năm nay.
Tương tự, Qatar cũng tuyên bố rằng họ dự kiến sẽ có 1,3 triệu lượt khách tham dự World Cup. Với giả định các du khách ở lại trong 4 ngày, mỗi ngày chi tiêu 300 USD, Qatar sẽ thu về 1,56 tỷ USD doanh thu từ việc đăng cai giải đấu.
Dù là với phép so sánh nào, có thể thấy Qatar đang “thiệt đơn thiệt kép” trong lần “đánh cược” này. Mặc dù vậy, tổn thương kinh tế có lẽ đang được Qatar kỳ vọng bù đắp từ những lợi ích khác, đến từ tiềm năng thúc đẩy du lịch, ngoại thương và đầu tư. Có lẽ sự kiện cũng sẽ mang lại cho Qatar một vai trò quan trọng hơn về địa chính trị.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.