Quyết tâm ‘tẩy chay’ khí đốt Nga, Đức ký thỏa thuận năng lượng với Qatar

Thanh Tú - 21/03/2022 15:35 (GMT+7)

(VNF) - Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế cho nguồn cung khí đốt từ Nga, Đức mới đây đã ký kết thỏa thuận năng lượng dài hạn với Qatar trong khuôn khổ chuyến thăm của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tới thủ đô Doha vào cuối tuần qua.

VNF
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hội đàm với Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani ngày 20/3.

Trong chuyến thăm Doha, Bộ trưởng Habeck có cuộc hội đàm với Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani và Quốc vụ khanh năng lượng Saad Sherida Al-Kaabi nhằm thảo luận về quan hệ hợp tác với Qatar, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. 

“Thật tuyệt khi tôi có thể nói rằng họ đã đồng ý tham gia vào quan hệ đối tác năng lượng lâu dài. Các công ty sẽ tham gia đàm phán hợp đồng với phía Qatar”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck chia sẻ sau cuộc hội kiến với các nhà lãnh đạo Qatar ngày 20/3.

Phía Qatar cũng cho biết đã nhất trí với Đức rằng “các thực thể thương mại tương ứng của họ sẽ tiến hành các cuộc thảo luận về nguồn cung cấp LNG dài hạn”.

Qatar hiện là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới. Đức kỳ vọng nguồn cung khí đốt của nước này có thể giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào Nga.

Bên cạnh chuyến thăm Qatar, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cuối tuần qua đã tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm tìm kiếm một thỏa thuận cung cấp LNG, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ khí đốt thông thường sang hydro xanh. Hồi đầu tháng, ông Habeck cũng đã tới thăm Nauy và Mỹ với mục đích tương tự.

Liên minh châu Âu (EU)  đã bắt đầu lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga ngay từ năm nay và dự kiến sẽ “cai nghiện” hoàn toàn dòng năng lượng từ quốc gia này vào năm 2027.

Tổng lượng khí đốt EU nhập từ Nga là khoảng 168 tỷ m3. Riêng Đức nhập khoảng 56 tỷ m3 khí đốt từ Nga trong năm 2020, chiếm gần 55% lượng khí đốt nước này sử dụng.

Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết châu Âu đang trong quá trình giảm nhập năng lượng từ Nga, song Đức chưa có cảng nhận LNG nào. Đức đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai cảng nhận LNG ở Brunsbüttel và Wilhelmshaven, song sẽ mất 3 năm để  2 cảng này đi vào vận hành.

Ở động thái liên quan, Algeria, quốc gia cung cấp 11% lượng khí đốt nhập khẩu cho các nước châu Âu, mới đây đã từ chối yêu cầu của Mỹ liên quan tới việc tái khởi động đường ống dẫn khí đốt đến Tây Ban Nha đã bị tạm dừng vào tháng 10 năm ngoái. Algeria hiện đang hết sức thận trọng trong vấn đề này do các quan hệ với Nga. 

Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, ngay cả khi Algeria đồng ý tăng nguồn cung cấp cho châu Âu thì đây chỉ là một giải pháp trong ngắn hạn. Việc tăng nguồn cung trong dài hạn đòi hỏi các khoản đầu tư lớn và cần ít nhất 5 năm triển khai trong khi châu Âu đang chạy đua với thời gian để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga.

Xem thêm >> Quan chức Mỹ: Kinh tế Nga sẽ còn ‘một nửa quy mô’ so với trước khi tấn công Ukraine

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.