30 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD: Hiện thực hóa những kỳ vọng với FTA
(VNF) - Qua 9 tháng, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng, nhiều ngành đã phục hồi, kỳ vọng những lợi thế FTA sẽ là đòn bẩy xuất nhập khẩu những tháng cuối năm.
Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD
Báo cáo Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 9 năm 2024 Bộ Công thương vừa công bố cho thấy, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư khoảng 2,29 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu của nước ta trong 9 tháng khoảng 20,79 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 22,1 tỷ USD).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,38 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,17 tỷ USD.
Tính theo khu vực thị trường, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 78,5 tỷ USD tăng 31% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 20,8%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 28,8%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2024 sơ bộ đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,39 tỷ USD, giảm 14,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,66 tỷ USD, giảm 8,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 sơ bộ tăng 10,7%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 8,8%.
Trong quý III/2024, kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 108,6 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,6% so với quý II/2024.
Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,47 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216,16 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 72,1%.
Qua đó cho thấy tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước, khi tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này cao gần gấp đôi so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, trong 9 tháng, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%).
Về xuất khẩu các nhóm hàn, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản sơ bộ đạt 28,8 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong nhóm này, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: hạt tiêu tăng 45%; cà phê tăng 37,8%; gạo tăng 23%; chè các loại tăng 31,9%; rau quả tăng 33,9%; nhân điều tăng 21,7%.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo sơ bộ đạt 253,9 tỷ USD, chiếm 84,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 9,6%).
Kim ngạch xuất khẩu của nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: sản phẩm chất dẻo tăng 30,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 21,5%; hàng dệt và may mặc tăng 8,9%; giầy dép các loại tăng 12,5%; sắt thép các loại tăng 14,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 27,4%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 30%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 22%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 7,2%...
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản 9 tháng ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2024: Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao.
Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,4 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 17,6%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 43,56 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 2%); thị trường EU ước đạt 38,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 8,2%); Hàn Quốc ước đạt 18,9 tỷ USD, tăng 7% (cùng kỳ năm 2023 giảm 5,1%); Nhật Bản ước đạt 18 tỷ USD, tăng 4,7% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3%).
Tiếp tục tập trung khai thác hiệu quả các FTA
Dự báo, trong những tháng cuối năm 2024, hoạt động sản xuất và thương mại của nước ta, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ tiếp tục có cả những thuận lợi và thách thức.
Nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng, và dệt may (các nhà bán lẻ toàn cầu tăng cường dự trữ hàng hóa cho các dịp lễ lớn).
Ngoài ra, xuất khẩu dệt may của nước ta sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn khi các đơn hàng xuất khẩu được dịch chuyển từ Bangladesh.
Bộ Công thương đánh giá, thị trường các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư…
Tuy nhiên, diễn biến địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, yếu tố rủi ro, bất định, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang ở châu Âu và Trung Đông.
Các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng tạo nên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu...
Vì thế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra từ nay đến hết năm là tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng.
Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm củng cố thể chế về phòng vệ thương mại hướng tới bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Tiếp tục nâng cao việc sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và hỗ trợ hiệu quả các ngành xuất khẩu của Việt Nam ứng phó hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Xuất khẩu da giày 27 tỷ USD: Vẫn chưa khai thác hết lợi thế các FTA
- Xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản 21/08/2024 05:36
- Trung Quốc siết xuất khẩu kim loại hiếm và những ‘tác động tiềm ẩn’ 21/08/2024 04:49
- Xuất khẩu phục hồi, cổ phiếu thuỷ sản đua nhau ‘phất cờ xanh’ 10/06/2024 03:57
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.