Thị trường

3.000 doanh nghiệp dệt may, không nổi 4% được hưởng hỗ trợ của Chính phủ

(VNF) - Chỉ 113/3.143 doanh nghiệp dệt may (tương đương 3,6%) đã tiếp nhận được chính sách hỗ trợ trong Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ, theo Tổng cục Thống kê (GSO).

3.000 doanh nghiệp dệt may, không nổi 4% được hưởng hỗ trợ của Chính phủ

3.000 doanh nghiệp dệt may, không nổi 4% được hưởng hỗ trợ của Chính phủ

Thị trường nội địa không cứu nổi ngành dệt may Việt Nam

GSO, từ 10 – 20/4/2020, đã thực hiện cuộc khảo sát đối với 3.143 doanh nghiệp dệt may để đo lường tác động của đại dịch Covid-19 đối với lĩnh vực này. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI là nhóm chịu ảnh hưởng lớn nhất do thiếu hụt nguồn cung.

Cụ thể, có 90,4% số doanh nghiệp lớn và 75,5% số doanh nghiệp FDI cho biết họ rơi vào tình cảnh thiếu hụt nguồn cung; trong đó, 71,2% số doanh nghiệp lớn và 57,5% số doanh nghiệp FDI cho biết nguồn cung từ nhập khẩu bị cắt đứt.

Về nguồn vốn, 43,9% số doanh nghiệp dệt may tham gia khảo sát cho biết đang bị thiếu hụt nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước là nhóm thiếu hụt vốn lớn nhất phân theo sở hữu (với 50% số doanh nghiệp thiếu vốn) còn theo quy mô thì các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có tỷ lệ thiếu vốn cao nhất (65,8%).

Về lao động, số liệu điều tra của GSO vào tháng 4/2020 cho thấy ngành may mặc có số lao động chỉ còn bằng 20% và doanh nghiệp dệt chỉ còn 24,5% số lao động so với cùng kì năm trước.

Trong số các lao động vẫn còn việc làm, 8,9% số lao động phải chấp nhận giảm lương, 18,7% số lao động hiện tại phải làm giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, 6,1% số lao động phải nghỉ việc không lương. Tỷ lệ giãn việc và nghỉ việc không lương của ngành dệt còn cao hơn ngành may mặc (29,3% so với 7,5%).

Về doanh thu, theo GSO, 4 tháng đầu năm, doanh thu của các doanh nghiệp dệt giảm 61,6% so với cùng kì 2019, trong khi đó doanh nghiệp may mặc có mức giảm doanh thu tới 78% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, có 39,1% tổng số doanh nghiệp dệt may tham gia khảo sát cho biết doanh nghiệp của họ bị suy giảm thị trường tiêu thụ trong nước và 34,5% cho biết Covid-19 khiến hàng hóa bán ra không xuất khẩu được.

Đối với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp quy mô lớn (sản xuất chủ yếu đáp ứng thị trường thế giới), đại dịch khiến hoạt động xuất khẩu suy giảm nghiêm trọng. Có 58,3% số doanh nghiệp FDI và 70,5% số doanh nghiệp lớn cho biết họ bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, 88,9% số doanh nghiệp khảo sát bị suy giảm thị trường tiêu thụ trong nước.

Báo cáo thường niên về thời trang do McKinsey thực hiện (bản cập nhật thấng 4/2020), cho biết doanh thu ngành may mặc đã sụt giảm 30% - 40% tại các cửa hàng ở châu Âu và 80% ở các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao.

75% người mua hàng ở châu Âu và châu Mỹ tin rằng tài chính của họ bị ảnh hưởng tiêu cực trong quý II/2020. Điều này khiến cho ngành dệt may Việt Nam – vốn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, trở nên cực kì bi đát.

Tuy nhiên, việc hướng vào thị trường nội địa để bù đắp cho thị trường Mỹ và EU là không khả quan bởi thị trường nội địa chỉ tương đương 12,5% thị trường xuất khẩu, chưa tính đến mức độ khác biệt về chất lượng và giá cả.

Quá ít doanh nghiệp dệt may được hưởng các giải pháp hỗ trợ

Liên quan Chỉ thị 11 của Thủ tướng, tại thời điểm điều tra của GSO, có tổng cộng 3.143 doanh nghiệp dệt may được điều tra về thông tin và mức độ thụ hưởng các biện pháp hỗ trợ được nêu trong Chỉ thị 11/CT-TTg.

Kết quả điều tra rất đáng buồn khi chỉ có 113 doanh nghiệp, chiếm 3,6% tổng số doanh nghiệp khảo sát, đã tiếp nhận chính sách hỗ trợ; trong đó có 8,6% là doanh nghiệp nhà nước, 3,2% là doanh nghiệp tư nhân và 4,7% là doanh nghiệp FDI.

Đáng chú ý, có 8,7% số doanh nghiệp dệt may được khảo sát không biết gì về Chỉ thị 11, trong đó số doanh nghiệp nhà nước chiếm 5,7%, doanh nghiệp tư nhân là 8,1% và doanh nghiệp FDI là 11,5%.

Ngoài ra, có 59,3% số doanh nghiệp dệt may được khảo sát cho biết họ đã biết đến Chỉ thị 11 nhưng không biết đầu mối để tiếp cận chính sách hỗ trợ; trong đó, doanh nghiệp nhà nước chiếm 68,8%, doanh nghiệp tư nhân là 60,2% và doanh nghiệp FDI là 53,6%.

Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, việc giãn, miễn thuế không có nhiều tác dụng đối với các doanh nghiệp trong ngành dệt may. Nguyên nhân là doanh nghiệp dệt may chủ yếu xuất khẩu không có thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, các doanh nghiệp dệt may đã tạm nộp hàng quý, chỉ có quý I/2020 là chưa nộp nhưng trong quý này, đa số doanh nghiệp lại không có lợi nhuận.

Các doanh nghiệp dệt may cũng chưa được miễn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn và bảo hiểm thất nghiệp. Các khoản này chiếm 34% quỹ lương của doanh nghiệp dệt may và lên tới 20% tổng chi phí của doanh nghiệp.

Được biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản cho phép hoãn đóng bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc. Nhưng trên thực tế để giữ chân lao động, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng không để công nhân phải nghỉ việc. Các doanh nghiệp đã phải bố trí giãn việc, cho công nhân làm luân phiên. Những trường hợp này sẽ không được hoãn đóng bảo hiểm xã hội. Điều này trực tiếp gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp dệt may.

Đáng chú ý, người lao động trong lĩnh vực dệt may cũng không được hỗ trợ hiệu quả bởi Chính phủ.

Quyết định số 15/2020 của Thủ tướng quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 có quy định việc hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng đối với người lao động bị buộc thôi việc do doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch, thời gian hỗ trợ 3 tháng. Mức hỗ trợ này tương đương 41% lương tối thiểu vùng 1, 46% lương tối thiểu vùng 2 và 52% lương tối thiểu vùng 3. Tuy nhiên các lao động rất khó khăn khi nhận hỗ trợ do thủ tục quá rườm rà…

Tin mới lên