Phiên thảo luận ĐHCĐ Vinaconex: Chủ tịch Đào Ngọc Thanh 'chỉ trả lời theo phiếu đăng ký'
Thanh Long -
29/06/2020 12:03 (GMT+7)
(VNF) - Tại phiên thảo luận đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Vinaconex, Chủ tịch Đào Ngọc Thanh cho biết ông "chỉ trả lời theo phiếu đăng ký", mặc dù có một cổ đông đứng lên yêu cầu được phát biểu ý kiến.
Tại phiên thảo luận của đại hội đồng cổ đông Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) tổ chức sáng 29/6, một sự kiện hi hữu đã xảy ra khi một cổ đông giơ phiếu biểu quyết yêu cầu được phát biểu chất vấn ban lãnh đạo công ty nhưng không được Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh chấp thuận.
Ông Thanh cho biết ông "chỉ trả lời theo phiếu đăng ký".
Trước đó, ông Thanh đã dành ra khoảng 30 phút để trả lời các câu hỏi của các cổ đông theo phiếu đăng ký.
Trả lời câu hỏi về việc vì sao dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex âm cả nghìn tỷ đồng trong năm 2019, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết: “Dòng tiền, nguồn vốn hay tài chính, tôi không thể tự quyết định được”.
Ông khẳng định các con số trên là chính xác và hợp pháp, đã được kiểm toán bởi “Big4”.
Người đứng đầu Vinaconex cho hay dòng tiền phải có thời gian để hoàn vốn. Năm 2019, tổng công ty đã đầu tư một loạt dự án nhưng các dự án này chưa mang dòng tiền trở lại cho công ty. “Ví dụ, mua cả một khu đất làm khu nghỉ dưỡng ở Quảng Nam phải trả tiền ngay, chưa kể các dự án ở Móng Cái, Quảng Ninh…, phải bỏ lượng tiền nhất định để lập quy hoạch, tư ấn, đánh giá thị trường…”, ông Thanh nói.
Chủ tịch Đào Ngọc Thanh nhấn mạnh Vinaconex mới chỉ có vài nghìn tỷ đồng vốn điều lệ, so với các doanh nghiệp lớn khác và so với nhu cầu đầu tư thì “chưa thấm tháp gì”. Vì vậy, công ty phải tiến hành tăng vốn điều lệ theo tờ trình đại hội đồng cổ đông 2020.
“Các công ty hơn chục nghìn tỷ họ đuổi mình ra. Việc đầu tiên là đẩy mạnh vé vào cửa. Thứ hai là phải có tiền mới làm được những điều chúng ta mong muốn”, ông Thanh nói về thực trạng khi đi đấu thầu các dự án lớn.
“Chúng ta có hơn nghìn tỷ âm dương không nghĩa lý gì”, ông Thanh nhận định thêm về vấn đề dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề minh bạch, công khai, đảm bảo vai trò của cổ đông lớn, người đứng đầu Vinaconex khẳng định ban lãnh đạo luôn đảm bảo các quyền của cổ đông lớn và làm theo luật định. “Nếu thấy rằng không đảm bảo quyền lợi thì có thể kiện ra tòa”, ông Thanh cho hay.
Liên quan đến tờ trình tái cấu trúc nguồn vốn tại Công ty An Khánh – chủ đầu tư của dự án Splendora, Chủ tịch Vinaconex cho biết An Khánh là công ty có tỷ lệ sở hữu 50/50, tất cả các nghị quyết đều phải được cả 4 thành viên HĐQT thông qua.
“Sự kéo dài lâu nay không có lợi. Một đống tiền nằm ở đấy mà không thu được gì, trong khi lãi vay ngày một tăng, hiện mỗi năm phải chịu hàng trăm tỷ đồng, trong đó, Vinaconex phải chịu một nửa”, ông Đào Ngọc Thanh cho hay.
Ông Thanh cho biết Vinaconex đang tính đến 3 phương án. Một là chuyển nhượng cho chính Sovico. Nếu Sovico không đồng ý mua thì chuyển nhượng cho người khác. Một phương án khác là Vinaconex sẵn sàng mua lại.
“Tôi nghĩ sẽ tìm được con số hợp lý. Họ mua thì tôi bán. Họ bán thì tôi mua. Tôi muốn kết thúc vấn đề này trong năm 2020”, Chủ tịch Đào Ngọc Thanh nói.
Quyết định thoái vốn khỏi An Khánh được giới đầu tư nhận định là một bước đi khôn ngoan của Vinaconex để tránh phải bỏ thêm lượng vốn rất lớn vào mảng kinh doanh bất động sản đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm và chững lại. Vinaconex sẽ có thêm vốn để tập trung đầu tư cho mảng kinh doanh cốt lõi là xây lắp, vốn là lợi thế truyền thống của tổng công ty này.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone