Thị trường

7 dự án điện IPP: Điệp khúc chậm tiến độ, Mỹ Lý - Nậm Mô mòn mỏi đợi ngày về

(VNF) – 7 dự án được đầu tư theo hình thức IPP (dự án điện độc lập) với tổng công suất 6.790 MW. Theo đánh giá, các dự án này đều chậm tiến độ, trong đó dự án Mỹ Lý, Nậm Mô khó xác định được thời gian hoàn thành do phải chờ Chính phủ Lào ký Hiệp định liên Chính phủ

7 dự án điện IPP: Điệp khúc chậm tiến độ, Mỹ Lý - Nậm Mô mòn mỏi đợi ngày về

Ảnh chỉ có tính chất minh họa

7 dự án IPP gồm: Nhiệt điện Công Thanh, thủy điện Hồi Xuân, nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang, thủy điện Pắc Ma, thủy điện Nậm Củm, thủy điện Mỹ Lý, thủy điện Nậm Mô.

Đối với dự án nhiệt điện Công Thanh, đây là dự án do Công ty Cổ phần nhiệt điện Công Thanh làm chủ đầu tư, nằm tại xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa (thuộc khu kinh tế Nghi Sơn). Dự án có tổng mức đầu tư 21.691 tỷ đồng (20% vốn chủ đầu tư, 80% vốn vay tín dụng nước ngoài do nhà nước bảo lãnh).

Đến nay, dự án đã hoàn thành san nền nhà máy chính (64 ha), khu hậu cần cảng than nhà máy (22,5ha); hoàn thành một số phương án đền bù giải tỏa mặt bằng trên tuyến đường hành lang; triển khai tuyến đường dây 500 kV nối lưới nhà máy; hoàn thành thỏa thuận đấu nối, SCADA/EMS. Hợp đồng mua bán điện đang trình Tập đoàn Điện lực Việt Nam thẩm định phê duyệt. Chủ đầu tư đang tổ chức lựa chọn tổng thầu EPC.

Theo dự kiến, quý I/2022 chủ đầu tư sẽ xây dựng dựng xong nhà máy, đồng nghĩa với việc tiếp tục chậm tiến độ 2 năm 6 tháng so với quy hoạch.

Tại dự án này, vướng mắc lớn nhất là một số hộ dân không hợp tác trong việc đền bù giải tỏa mặt bằng khu cảng than nhà máy. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2668/BCT ngày 18/4/2019 về việc không cam kết mua hết sản lượng phát điện, do đó việc vay vốn cho dự án gặp khó khăn.

Đối với dự án thủy điện Hồi Xuân (xã Hồi Xuân/Thanh Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa), mặc dù khởi công từ tháng 2/2017, nhưng tới nay dự án mới chỉ cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình chính, cơ bản hoàn thành lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công tuyến năng lượng và cống dẫn dòng, hoàn thành trạm phân phối 220 kV và đường dây 220 kV đấu nối.

Dự kiến nhà máy sẽ phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2019 và hoàn thành toàn bộ dự án vào quý I/2020. Như vậy, so với kế hoạch của chủ đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNEXCO, dự án bị chậm tiến độ 1 năm.

Hiện chủ đầu tư đang kiến nghị Bộ Công Thương và EVN chấp thuận chấm dứt hợp đồng mua bán điện số 05/2010/IPP/VHX-EPTC ngày 17/5/2010; thực hiện đàm phán, thỏa thuận giá điện của nhà máy thủy điện Hồi Xuân theo thông số của dự án tại DADT 2016.

Đối với dự án nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang, đây là dự án do Công ty Cổ phần nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư sau thuế là 23.602 tỷ đồng (4.250 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng trong và ngoài nước là 19.352 tỷ đồng).

Nằm tại thôn Dăm, xã Vũ Xá, huyện Lục Nam, Bắc Giang, dự án hiện đã hoàn thành các hạng mục phụ trợ của công trình như đo vẽ bản đồ địa chính, rà phá bom mìn vật nổ, công tác khoan khảo sát địa chất công trình…;

Hoàn thành đường dây 35kV và trạm biến áp 400kVA-35/0,4kV và TBA 400KVA-35/10kV phục vụ thi công, dịch chuyển đường dây 35kV nhánh Cẩm Lý 373, dịch chuyển và nâng cấp đường dây 35kV nhánh trạm biến áp thôn Dăm và đường dây 0,4kV.

Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, diện tích khu nhà máy chính đã thực hiện là 41,75ha/42,27ha và đã chi trả bồi thường cho các hộ với diện tích 2,15ha/2,55ha.

Về chuyển mục đích sử dụng đất, dự án đã có quyết định của UBND về chuyển mục đích sử dụng đất dự án đợt 1 với diện tích 116.886m2, hiện đang hoàn thiện thủ tục chuyển đợt 2 cho dự án với diện tích khoảng 12ha.

Dự kiến, dự án sẽ vận hành thương mại năm 2022-2023. Hiện nay, khó khăn mà dự án phải đối mặt là nguồn vốn: vốn vay ngân hàng trong nước không khả thi; vay nước ngoài (vay vốn Ngân hàng Trung Quốc) đàm phán đã được gỡ bỏ điều kiện bảo lãnh của Chính phủ, tuy nhiên có các điều kiện khác; vay nước ngoài không phải Trung Quốc có điều kiện phải có bảo lãnh của Chính phủ.

Đối với dự án thủy điện Pắc Ma (huyện Mường Tè, Lai Châu), hiện dự án này đã hoàn thành thi công các hạng mục phụ trợ, lán trại, cầu tạm, đường thi công bờ phải khu vực công trình đầu mối; hoàn thành 2 trạm biến áp công suất 1000kVA, 1 trạm công suất 560kVA phục vụ thi công; lắp đặt 2 trạm trộn bê tông…

Bên cạnh đó, dự án cũng hoàn thành công tác thi công đắp đê quây dọc giai đoạn 1 phía bờ phải; đổ bê tông hệ thống tường phân dòng, hệ thống tường chắn cát; đào hố móng kênh dẫn dòng, đập dâng bờ phải; hoàn thành phá dỡ đê quây dọc giai đoạn 1 và đắp đê quây giai đoạn 2 phía bờ trái.

Về thiết bị, công tác gia công chế tạo các thiết bị CKTC đạt khoảng 500 tấn thiết bị; chủ đầu tư Công ty Cổ phần thủy điện Pắc Ma đã nhập khẩu và vận chuyển tới công trường 2 lô hàng thiết bị cơ điện. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào quý II/2020.

Vướng mắc lớn nhất của dự án là đường dây. Hiện nay, dự án đường dây 110kV Mường Tè- Pắc Ma và Mường Tè – Nậm Củm 4, huyện Mường Tè đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao  nhiệm vụ cho Tổng công ty Điện lực miền Bắc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng từ năm 2015, tuy nhiên đến nay chưa triển khai xây dựng;

Tuyến ĐD 110kV từ Pắc Ma đi trạm biến áp 220kV Mường Tè theo Quy hoạch đang được xem xét điều chỉnh lại Quy hoạch bằng việc bổ sung thêm một trạm 220kV khu vực Pắc Ma để gom công suất và thay thế ĐD 110kV trên bằng ĐD 220kV nhằm kết hợp giải tỏa công suất các thủy điện nhưng đến nay vẫn vướng do chưa có quy định chi tiết của Luật Quy hoạch để thực hiện.

Chủ đầu tư kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các dự án đường dây 220kV thủy điện Lai Châu – Mường Tè, TBA 220kV Mường Tè và đường dây 110kV Mường Tè- Pắc Ma, Nậm Củm 4.

Đối với dự án thủy điện Nậm Củm 4 (huyện Mường Tè, Lai Châu), chủ đầu tư Công ty Cổ phần thủy điện Nậm Củm đang tập trung hoàn thành đập đầu mối và nhà máy; hoàn thành thi công đào hầm phụ 1 và đang thi công đào ngàm hầm dẫn nước.

Chủ đầu tư cũng đang triển khai công tác lắp đặt các thiết bị thủy công cho các hạng mục cống dẫn dòng, quan trắc đập, khuỷu xả, ống lót thép. Dự kiến cuối năm nay, dự án sẽ được hoàn thành.

Khó khăn hiện nay của dự án là cơ sở hạ tầng, đường giao thông chưa hoàn chỉnh, hệ thống điện trong công trường rất yếu và hay mất điện làm cho dự án mất nhiều chi phí cho công tác mở mới và cải tạo hệ thống, làm ảnh hưởng đến công tác thi công. Ngoài ra hệ thống đường dây đấu nối lên lưới điện quốc gia chưa được triển khai.

Chủ đầu tư kiến nghị sớm điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tuyến ĐZ 220kV và trạm 220kV để triển khai xây dựng, đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành của các nhà máy thủy điện trong khu vực.

Đối với dự án thủy điện Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), dù đã hoàn tất nội dung Hiệp định liên chính phủ Việt Nam - Lào, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ tại Nghị quyết số 87/NQ-CP ngày 05/10/2016 nhưng đến nay, dự án vẫn đang chờ Chính phủ Lào ký kết Hiệp định.

Dự án, do đó, mới chỉ dừng lại ở việc hoàn thành công tác khảo sát và đang hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, chuẩn bị thi công các hạng mục phụ trợ, đường vào thi công dự án.

Đây cũng là tình trạng của dự án thủy điện Nậm Mô (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An). Theo Bộ Công Thương, việc Chính phủ Lào chưa ký kết Hiệp định là cản trở quá lớn với nhà đầu tư, dù đã hoàn thành các thủ tục, công việc chuẩn bị đầu tư (như điều chỉnh quy hoạch đất rừng phòng hộ sang quy hoạch đất rừng sản xuất; phê duyệt quy hoạch ngành; phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; quy hoạch tổng thế di dân tái định cư) cũng như các hạng mục công việc đã thực hiện (như khảo sát địa chất, địa hình; thiết kế kỹ thuật; đánh giá tác động môi trường trên lãnh thổ Việt Nam và lãnh thổ Lào, thu xếp vốn vay nước ngoài…). Hiện vẫn chưa rõ khi nào Chính phủ Lào sẽ ký kết Hiệp định.

Tin mới lên