'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Tuy vậy vẫn còn nhiều việc phải làm để cuộc cải cách có kết quả tốt hơn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh bảo: “Sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn... Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, nhưng đến hết quý II/2018 chỉ có 378/ 5700 điều kiện kinh doanh được thực sự bải bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa, đạt tỷ lệ trên 13%”.
Vì sao và làm gì để khắc phục sức ỳ của cải cách đã trở thành vấn đề quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Khắc phục sức ỳ của cải cách mà Thủ tướng Chính phủ đã cảnh báo có liên quan đến các vấn đề cơ bản về nhận thức đối với phát triển.
Hơn ba thập niên Việt Nam phát triển kinh tế thị trường đã cho chúng ta nhận thức ngày càng rõ hơn rằng phát triển là khả năng, để biến thành hiện thực không phải dễ dàng; bởi vì trong mỗi giai đoạn phát triển đất nước phải giải những bài toán khác nhau, không giống như giai đoạn trước, do đó những giải pháp thành công đã được thực hiện chỉ có giá trị tham khảo, mà cần phải có ý tưởng mới, tính sáng tạo trong việc đề ra giải pháp mới cho giai đoạn phát triển cao hơn. “Phát triển là một quá trình năng động, thay đổi liên tục, phi tuyến tính và đa chiều, thể hiện thông qua các mối tương tác khác nhau theo thời gian” (Xem: Tư duy mới về phát triển cho thế kỷ XXI, NXB Chính trị quốc gia, tr.42).
Vấn đề phát triển của Việt Nam - cũng như của các nước khác - có liên quan đến đặc điểm tự nhiên, xã hội, văn hóa, truyền thống của dân tộc, do đó không thể rập khuôn từ mô hình và cấu trúc của nước khác, kể cả các nước đã thành công, nhiều lắm cũng chỉ gợi ra những vấn đề có tính nguyên tắc như giảm đói nghèo, tăng trưởng và công bằng xã hội, phát triển bền vững...; do đó phải từ kinh nghiệm của chính mình để tìm ra mô hình và cấu trúc phát triển cho quốc gia, được điều chính qua mỗi giai đoạn để thích ứng với điều kiện quốc tế và khu vực, cũng như đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp.
Phát triển và cân bằng là hai trạng thái có quan hệ hữu cơ với nhau. Cân bằng là trạng thái bắt buộc của các yếu tố kinh tế như cân bằng cung cầu hàng hóa để ổn định giá cả, cân bằng ngân sách với mức bội chi hợp lý, cân bằng thu nhập và tiêu dùng. Phát triển dựa trên các yếu tố cân bằng hiện tại để thiết lập trạng thái cân bằng mới; không thể phát triển hiệu quả nếu nền kinh tế luôn ở vào trạng thái mất cân bằng. Do vậy, chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô được thể hiện bằng các quan hệ cân bằng về cung- cầu, tiền tệ, đầu tư và tiêu dùng... được đồng hành cùng với phát triển bền vững.
Trong kinh tế thị trường, phát triển tùy thuộc vào việc giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường; thành công và thất bại của các quốc gia trên thế giới cũng như ở nước ta đã chứng minh tầm quan trọng của việc xử lý mối quan hệ này. Ở đây cũng không có mô hình chung cho các quốc gia mà tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của mỗi nước để xử lý hài hòa giữa cơ chế tự điều chỉnh của thị trường và cơ chế điều chỉnh của nhà nước. Bất kỳ sự thái quá về phía nào- thị trường hay nhà nước- đều chí ít là kém hiệu quả, thậm chí thất bại.
Bài học vỡ lòng về kinh tế học là lợi ích; động cơ lợi ích chi phối các cuộc cải cách, đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thể chế, chính sách, cấu trúc lại bộ máy và công chức nhà nước.
Động cơ lợi ích của các nhà lãnh đạo cấp cao quyết định việc hình thành cải cách - như việc đề ra chủ trương “đổi mới và mở cửa” năm 1986, cũng như việc thực hiện thành công cải cách. Tuy vậy, cải cách luôn gặp phải lực cản từ động cơ lợi ích vì làm mất đi môi trường màu mỡ nuôi dưỡng tệ nạn sách nhiễu, tham nhũng của bộ máy và công chức nhà nước theo “cơ chế xin-cho”; động cơ lợi ích của cán bộ quản trị doanh nghiệp nhà nước tự cho mình có quyền quyết định từ chiến lược kinh doanh đến lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ bất chấp các quy chế; động cơ lợi ích của các tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư thao túng từ quá trình xây dựng thể chế, chính sách đến con người trong bộ máy nhà nước.
Do vậy, cải cách là cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa các động cơ lợi ích để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển của quốc gia, đòi hỏi không chỉ ý chí, quyết tâm của các nhà lãnh đạo cấp cao, mà quan trọng không kém là coi trọng công khai và minh bạch thông tin, thu hút người dân và doanh nghiệp tham gia với tư cách là lợi ích cộng đồng bằng cơ chế dân chủ thực chất, để chống lại mọi lực cản cải cách của các động cơ lợi ích. Ba ví dụ sau đây minh họa cho cuộc đấu tranh các động cơ lợi ích.
Cải cách doanh nghiệp nhà nước là chủ trương quan trọng trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường; được bắt đầu từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX. Có biết bao nhiêu nghị quyết của Đảng, chỉ thị của Chính phủ, có cả Ban chỉ đạo đổi mới DNNN đã tồn tại hơn 20 năm, nhưng chưa bao giờ đạt được mục tiêu đề ra cho từng giai đoạn phát triển; chậm trễ, kém chất lượng, làm thất thoát tài sản nhà nước, trục lợi làm giàu cá nhân là tình trạng phổ biến.
Sau khi thành lập Chính phủ mới, tháng 6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp không thiết yếu. Việc thực hiện chủ trương quan trọng này vẫn khá chậm, chưa đem lại kết quả mong đợi. Có nhiều nguyên nhân, trong đó động cơ lợi ích của những người đứng đầu DNNN muốn duy trì tình trạng “sở hữu chung” để phục vụ cho lợi ích riêng của họ; lực cản lớn đến mức có trường hợp chỉ sau khi thay đổi cán bộ quản lý chủ chốt của DNNN mới tiến hành cổ phần hóa được; được tiếp sức bởi lãnh đạo một số bộ, chính quyền địa phương muốn duy trì hiện trạng để thực hiện quyền và lợi ích của cơ quan chủ quản.
Cải cách thủ tục hành chính đã được tiến hành một cách quyết liệt trong hai năm gần đây; tiến bộ là không thể phủ nhận, nhưng thành công còn khá hạn chế, nhiều mục tiêu không được hoàn thành. Động cơ lợi ích của những người thi hành công vụ từ các vị lãnh đạo cho đến công chức nhà nước tạo ra lực cản đối với cải cách; biểu hiện cuộc đấu tranh giữa thế lực cải cách với những người muốn duy trì thủ tục hành chính lỗi thời, thậm chí tìm cách tránh né việc thực hiện những quy định hợp lý để tiếp tục sách nhiễu, tham nhũng.
Để đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đã coi trọng việc quy trách nhiệm cá nhân người đứng đầu tổ chức, đơn vị, đồng thời tăng cường cơ chế giám sát quyền lực, phát hiện và xử lý nhiều vụ tham nhũng lớn. Hy vọng rằng, việc thực hiện có kết quả chủ trương của Đảng cơ cấu lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu năng, tinh giản đội ngũ công chức nhà nước gắn với cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội sẽ tạo điều kiện để giảm bớt lực cản về động cơ lợi ích đối với cải cách thủ tục hành chính.
Một sự kiện đang được nhân dân cả nước theo dõi là 5.000 container phế liệu tồn đọng ở một số cảng biển; trong khi Trung Quốc, Thái Lan đã kịp thời ban hành quy định và ngăn chặn nhập khẩu phế liệu có hại đến môi trường thì hai cơ quan quản lý nhà nước của nước ta có liên quan là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Hải quan đang tìm nguyên nhân, quy trách nhiệm của tình trạng này(!). Động cơ lợi ích đã kích thích một số doanh nghiệp Việt Nam liên kết với các tổ chức ngoài nước hình thành đường dây vận chuyển phế thải độc hại vào nước ta, cũng không loại trừ một số công chức của các cơ quan nhà nước tham gia đường dây này, tạo điều kiện cấp phép, thiếu theo dõi, kiểm tra và xử lý.
Đáng ngạc nhiên là con số thống kê của Hải quan cho biết, đến cuối tháng 5/2018 số lượng phế liệu nhập khẩu đã tăng 200% so với cùng kỳ năm trước, nhưng không có cơ quan nhà nước nào “báo động” để đề ra giải pháp khắc phục, vì vậy đến đầu tháng 8 tình hình trở nên nghiêm trọng hơn; vì chủ trương bắt buộc tái xuất rất khó khăn do chủ tàu đã về nước trong khi chủ hàng đã cao chạy xa bay. Trường hợp xấu nhất là không thể tái xuất, cũng không sử dụng được sẽ phải tiến hành tiêu hủy, chi phí để xử lý cực kỳ tốn kém.
Ba câu chuyện có liên quan đến cái cách đã cho thấy rằng, cải cách không chỉ là tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh bằng cắt giảm thủ tục hành chính lỗi thời, mà còn đòi hỏi cơ quan nhà nước phải nâng cao năng lực phản ứng chính sách để kịp thời phát hiện, xử lý có kết quả hiện tượng, sự việc, trạng thái mới, lấp lỗ hổng về luật pháp để không bị lợi dụng trốn thuế, kinh doanh trái phép.
Các cơ quan nghiên cứu trong nước, nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB đều đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2018: tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt được từ 6,6 - 7,1%, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tỷ giá ngoại tệ dao động 1-3%, thị trường tài chính, tiền tệ diễn biến tích cực, môi trường đầu tư - kinh doanh được cải thiện, đầu tư trong nước và FDI mở rộng, lòng tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân gia tăng.
Đó là tiền đề quan trọng đẩy nhanh hơn và tiến hành đồng bộ hơn cuộc cải cách đang được tiến hành chủ động đối phó với thách thức mới do tình hình chính trị thế giới không ốn định, biến động kinh tế toàn cầu gắn với chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại, giá cả thị trường; để tận dụng cơ hội mới khi Việt Nam đang nổi lên là một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, chính trị và kinh tế ổn định, tham gia nhiều FTA thế hệ mới.
Mục tiêu, nội dung và giải pháp tổng thể, từng ngành, lĩnh vực đã được Chính phủ đề ra khá đồng bộ và cụ thể. Vấn đề quyết định nằm ở khâu tổ chức thực hiện để nhanh chóng khắc phục sức ỳ từ hình thành đến thực thi thể chế, luật pháp.
Kinh nghiệm của quá trình đổi mới của nước ta đã cho nhiều bài học, trong đó nổi lên là xử lý có hiệu quả thông tin từ các đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật pháp để kịp thời đề ra giải pháp khắc phục khiếm khuyết trong quản lý nhà nước.
Liên quan đến việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh không có gì thay thế được thông tin phản hồi từ nhà đầu tư và doanh nghiệp. Lấy ý kiến của đối tượng này từ các cuộc tiếp xúc, đối thọai với cơ quan nhà nước rất quan trọng, nhưng khá hạn chế do người đại diện là của các tập đoàn, nhà đầu tư lớn; họ có những vấn đề không giống với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; thậm chí họ có thể bỏ qua “chi phí bôi trơn” nêu không làm tăng thêm quá nhiều vốn đầu tư, trong khi DNVVN chiếm đại bộ phận cộng đồng doanh nghiệp lại đối mặt với khó khăn trong tiếp cận tín dụng, mặt bằng nhà xưởng, thanh tra quá nhiều, tốn kém đến mức không chịu được chi phí bôi trơn.
Để phản ánh khách quan và chính xác thông tin từ doanh nghiệp và nhà đầu tư, Chính phủ cần coi trọng hơn kết quả các cuộc điều tra doanh nghiệp từ cơ quan thống kê, tổ chức nghề nghiệp vì chỉ có doanh nghiệp và nhà đầu tư biết chính xác ở đâu, cơ quan, công chức nào đang gây khó khăn, nhũng nhiễu; từ đó thu thập thông tin từ doanh nghiệp thông qua cổng thông tin quốc gia, có bộ phận chuyên trách xử lý và báo cáo với Chính phủ để giải quyết nhanh và có kết quả.
Thông tin phản hồi từ người dân cũng cần được thu thập thông qua các cuộc điều tra xã hội về tình trạng đất đai, tranh chấp quyền sử dụng đất, lợi dụng quyền hạn để trục lợi về đất đai, thực trạng người dân được thụ hưởng về giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, quỹ xóa đói, giảm nghèo. Nếu chỉ thông qua thông tin từ đại diện hệ thống chính trị- xã hội có thể không bảo đảm tính khách quan và chính xác; kết quả của điều tra xã hội sẽ cung cấp cho cơ quan nhà nước những thông tin đáng tin cậy thực trạng từng địa phương và đòi hỏi chính đáng của người dân, bao gồm những bức xúc dễ xảy ra phản kháng của cộng đồng dân cư.
Cải cách và phát triển đồng hành với nhau, cải cách là không có giới hạn, tiềm năng của tính sáng tạo, ý tưởng mới của người dân và doanh nghiệp là vô tận; chỉ có đẩy nhanh cải cách thì mới có môi trường thuận lợi để biến ý tưởng đúng thành hiện thực, mọi sáng kiến, phát minh được khuyến khích, trở thành động lực của tăng trưởng xanh, bền vững.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.