TS Phan Đức Hiếu: ‘Cải cách thể chế hiện nay rất chậm, có thể nói là quá chậm’

Lê Nguyễn - 15/05/2018 16:15 (GMT+7)

(VNF) – “Công nghiệp 4.0 diễn ra rất nhanh, có thể tính bằng ngày, bằng tuần còn cải cách thể chế hiện nay lại rất chậm, có thể nói là quá chậm rồi”, TS Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nói tại hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020”.

VNF
TS Phan Đức Hiếu, Viện phó CIEM

Tốc độ cải cách chưa đáp ứng được kỳ vọng

Đánh giá về cải cách thể chế thời gian qua, TS Phan Đức Hiếu nhận định dù đã đạt được một số kết quả song nhìn chung tốc độ cải cách vẫn chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ và doanh nghiệp.

Cụ thể, ông Hiếu nhìn nhận mục tiêu cải cách của Chính phủ đã trải qua nhiều năm nhưng cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

“Chẳng hạn như Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đặt ra từ năm 2015, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước có môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của ASEAN-4. Sau 4 năm thực hiện, đây vẫn là một khoảng cách lớn. Nếu muốn đạt được mức trung bình của ASEAN-4 thì chúng ta phải ở tốp 40 nước trên thé giới, trong khi thực tế, chúng ta mới chỉ ở vị trí 86”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng cho rằng vấn đề lớn nhất của cải cách thể chế hiện nay là áp lực về mặt thời gian. “Công nghiệp 4.0 diễn ra rất nhanh, có thể tính bằng ngày, bằng tuần còn cải cách thể chế của chúng ta hiện nay lại rất chậm, có thể nói là quá chậm rồi”.

Dẫn ví dụ mục tiêu của Chính phủ đặt ra hồi tháng 8 năm ngoái là xóa bỏ 50% tổng số điều kiện kinh doanh mà tính tới nay (sau gần 1 năm) mới chỉ được thực hiện bằng 1 Nghị định, còn về cơ bản việc cải cách vẫn đang nằm trên phương án hoặc dự thảo, ông Hiếu kết luận: “Như vậy rõ ràng về tiến độ là rất chậm”.

Theo ông Hiếu, vấn đề quan trọng hơn nữa là chúng ta mới chỉ đang xóa bỏ các rào cản mà chưa tính đến thể chế - yếu tố quyết định thúc đẩy phát triển.

Đặc biệt trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng thì tính thích nghi, phản ứng nhanh của chính sách là cực kỳ yếu.

“Tôi ví dụ từ khi Uber vào Việt Nam cho đến khi Uber rút đi, chúng ta mới chỉ đang ở mức thảo luận về mặt chính sách xem nên điều chỉnh nó như thế nào. Rõ ràng là tính phản ứng và thích ứng của chính sách chúng ta trong bối cảnh thay đổi là rất yếu. Do đó, cái ta đạt được mới chỉ là tích cực và đáp ứng xa với cái kỳ vọng”, ông Hiếu nhận định.

Cơ hội để các nước Đông Nam Á trở thành một nước công nghiệp đã hết

Cũng tại hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020”, TS Lê Xuân Nghĩa đã bày tỏ lo ngại về phát triển công nghiệp của Việt Nam.

Theo TS Nghĩa, nền công nghiệp chế tạo của Việt Nam hiện nay gần như nằm trong tay người nước ngoài, mà cụ thể là khối FDI. Dù mong muốn trở thành một nước công nghiệp nhưng Việt Nam cần thẳng thắn nhìn nhận rằng đây là mục tiêu không hề dễ dàng.

“4 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á là Philipines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã thất bại trong nỗ lực công nghiệp hoá. Và các chuyên gia của họ từng khẳng định cơ hội để các nước Đông Nam Á trở thành một nước công nghiệp đã hết và không bao giờ quay lại”, ông Nghĩa nói.

TS Lê Xuân Nghĩa

Ông Nghĩa cho rằng thế giới hiện nay là “phẳng”, các nước gần như đã mở cửa, các nền kinh tế phát triền sẽ không bao giờ để Việt Nam có được công nghệ của họ. “Trong bối cảnh như vậy, thì nhìn nhận phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin như vừa qua tôi cho là hợp lý”, ông nói thêm.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng để thành công, Việt Nam cần sự đầu tư và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống doanh nghiệp lẫn chính quyền, các nhà làm chính sách.

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Đài Loan bởi đây là nền kinh tế thành công nhất trong lĩnh vực công nghiệp điện tử tại khu vực Đông Bắc Á. Năm 1962, thu nhập đầu người của Đài Loan chỉ bằng một nửa Malaysia, nhưng hiện nay đã gấp 3 lần – ông Nghĩa thông tin.

Cùng chuyên mục
Tin khác