Ngân hàng

ACB đã hoàn tất trích lập dự phòng cho toàn bộ trái phiếu VAMC?

(VNF) – ACB nhiều khả năng đã hoàn tất trích lập dự phòng cho toàn bộ trái phiếu VAMC. Tỷ lệ nợ xấu sau khi xóa nợ hiện giữ ở mức rất thấp, chỉ 0,71%.

ACB đã hoàn tất trích lập dự phòng cho toàn bộ trái phiếu VAMC?

ACB sắp sạch nợ tại VAMC

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho hay, chi phí dự phòng năm 2017 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng hơn gấp đôi lên 2.565 tỷ đồng – cao hơn 500 tỷ đồng so với dự báo của của công ty chứng khoán này.

"Khoản 500 tỷ đồng chênh lệch nói trên chủ yếu là do Ngân hàng trích lập dự phòng cao hơn cho trái phiếu VAMC so với dự báo. BCTC Quý 4 chưa có thông tin đầy đủ và chúng tôi suy đoán là ACB nhiều khả năng đã trích lập hết cho trái phiếu VAMC", HSC đánh giá.

Theo tính toán, tỷ lệ nợ xấu của ACB sau khi xóa nợ chỉ là 0,71% - thấp hơn mức 0,87% năm ngoái. HSC cho rằng điều này là do ACB đã xóa một lượng lớn nợ xấu, là 4.669 tỷ đồng (tăng 251% và bằng 2,35% tổng dư nợ). Hệ số dự phòng (LLR) vẫn ở mức cao là 131% (tại thời điểm cuối năm 2016 là 126%).

Năm 2018, HSC dự báo chi phí dự phòng giảm mạnh còn 699 tỷ đồng (giảm 72,74%) với giả định là ACB đã hoàn tất trích lập cho trái phiếu VAMC trong năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu sau khi xóa nợ là 1,0%.

HSC nhận định, ACB có thể tạo bất ngờ về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2018 do nhiều yếu tố.

Thứ nhất, hệ số LDR thuần của ACB là 82%, vẫn thấp hơn so với bình quân ngành là 91,2%. Sự gia tăng của LDR sẽ giúp cải thiện tỷ lệ NIM, tăng tổng tài sản sinh lãi và từ đó đẩy mạnh tăng trưởng thu nhập lãi thuần. ACB có thể lựa chọn tăng hệ số LDR tùy thuộc vào mức độ rủi ro thanh khoản mà ACB sẵn sàng chấp nhận.

Thứ hai, ACB có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là khoảng 33% theo ước tính của HSC. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với trần quy định và nhờ vậy cho phép ACB tăng cho vay dài hạn và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhanh hơn tăng trưởng huy động. Tỷ lệ NIM theo đó được cải thiện và thu nhập lãi thuần cũng tăng.

Về nợ xấu, HSC ước tính số dư nợ xấu đã xóa trong 4 năm qua của ACB là khoảng 7.661 tỷ đồng (tương đương 3,86% tổng dư nợ). Ngân hàng này đã trích lập dự phòng toàn bộ đối với số nợ xấu trên và chuyển sang hạch toán là các khoản ngoại bảng. Sau đó các khoản này có thể dễ dàng chuyển thành thu nhập không thường xuyên từ thu hồi nợ.

"ACB có thể dễ dàng vượt kế hoạch lợi nhuận với tình hình tài chính rất tốt trong khi đó các hệ số an toàn đều trên mức bình quân. Nếu phát sinh nhu cầu tăng vốn, Ngân hàng vẫn có thể tăng vốn cấp 2 do tỷ lệ trái phiếu thứ cấp trong vốn cấp/vốn cấp 1 mới chỉ ở mức 33,91%", phía HSC đánh giá.

Tin mới lên