AI là 'số hoá bản thân con người, là lao động tạo ra tài sản cho con người'
(VNF) - Theo ông Ngô Sơn Dương - CEO INGO Digital Transformation, AI giúp con người hiểu rõ mình hơn, là “người lao động” tạo ra “tài sản” cho người sở hữu nó.
Tại buổi Tọa đàm ra mắt Đặc san Toàn cảnh Tài chính số do Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance tổ chức ngày 10/5 vừa qua, một chủ đề đã thu hút nhiều ý kiến, góc nhìn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý, lãnh đạo là “làn sóng” AI và ứng dụng của nó trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, fintech.
Trong đó, ông Ngô Sơn Dương - CEO INGO Digital Transformation, Thành viên Ban cố vấn Đổi mới sáng tạo, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng là một nghiên cứu sinh Tiến sĩ Kinh tế số tại Geneva, Thuỵ Sĩ đã phác họa những nét cơ bản về “làn sóng” AI.
AI đã hiện diện trong đời sống từ rất lâu
Theo ông Ngô Sơn Dương, không thể phủ nhận, về công nghệ, nước ngoài đã đi trước Việt Nam rất nhiều. Đến thời điểm hiện tại, khi người Việt Nam bắt đầu sử dụng Chat GPT, họ mới bắt đầu để ý đến AI nhiều hơn. Song, ông Dương chỉ ra rằng, AI thực chất đã có từ rất lâu và hiện diện trong cuộc sống mà đôi khi con người không hay biết. Đó là khi các nhà khoa học thiết kế ra mạng nhị phân và internet. Thời điểm đó, họ đã nghĩ ra các thuật toán để lưu lại dữ liệu và mô phỏng cách thức hoạt động của nơ-ron thần kinh.
“Các tổ chức tài chính, kinh tế thế giới dự báo, “điểm bùng phát” của AI có thể xảy ra vào khoảng năm 2030, 2040. Tuy nhiên, dưới tác động của Covid, thực tế, “điểm bùng phát” này đã diễn ra sớm hơn rất nhiều”, chuyên gia này cho hay.
Lấy ví dụ về việc AI thực chất đã hiện diện trong đời sống của con người từ rất lâu, ông Dương nói: “Trong điện thoại, vốn dĩ AI đã “ngầm” ở trong đó, chỉ có điều chúng ta chưa nhìn thấy hình thái của nó mà thôi. Chẳng hạn như, khi ta đeo tai nghe Apple Pro, thiết bị này có thể đo được nhịp thở của ta từ đó gửi dữ liệu về giúp Apple Music “chơi” những bản nhạc phù hợp với tâm trạng. Hay như tôi khi viết bài về kinh tế số hay triển vọng AI cho mảng ngân hàng và fintech, điện thoại và máy tính của tôi lập tức đưa lại những thông tin liên quan và bài viết của các nhà nghiên cứu khác về AI trong mảng tài chính”.
“Đó là luật hấp dẫn (law of attraction), để làm cho thông tin dường như “tự đến”, AI đã tự động hóa toàn bộ hệ thống thực hiện thuật toán nghiên cứu hành vi của con người. Theo đó, AI giúp con người phát huy 5 giác quan, trước là nghe - thấy, trong tương lai là nếm, thử và cao hơn nữa là dự đoán, suy nghĩ”, ông Dương phân tích.
Cần xem AI như “tai mắt” mở rộng của con người
Ông Ngô Sơn Dương cũng đề cập một thực tế rằng, trong khi con người còn không thể tự hiểu hết bản thân mình thì AI chỉ cần kết nối đã có thể quan sát, thậm chí hiểu rõ con người hơn chính bản thân họ.
“Điều này kéo theo một nỗi lo về nguy cơ AI hiểu con người rõ quá mà chúng ta lại không thể kiểm soát được nó”, ông Dương đặt vấn đề.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, AI mang lại cơ hội giúp con người tối ưu hoá bản thân, đưa ra khả năng dự đoán chính xác hơn, hay nói cách khác, có thể xem như một người “lao động” tạo ra tài sản cho bản thân người sở hữu nó. Đây cũng là những lý luận khoa học cơ bản về AI.
Ông Dương cho rằng, trong tương lai, tất cả những điểm mờ của AI liên quan đến đạo đức hành vi đối với con người, trong trường hợp AI làm hại, xâm phạm dữ liệu, đưa ra nguy cơ với con người, sẽ cần xử lý như thế nào, sẽ có sự tham gia xử lý của luật pháp. Mặt khác, các nhà khoa học khi phát triển AI đã phải đưa ra thuật toán để truy vết và điều hành AI.
Từ trải nghiệm thực tế của một nhà nghiên cứu khoa học dữ liệu, ông Dương cho hay: “Xét về công nghệ lập trình, bản thân những người học như tôi ngay từ đầu đã được học lệnh “nếu - thì”, nếu hành vi là thế này thì mình phải xử lý thế nào. Bên cạnh luồng dữ liệu cho biết cần phải xử lý hành vi ra sao, các nhà khoa học còn tính đến “ngoại lệ” (exception), rằng nếu có những nguy cơ khác thì sẽ phải xử lý như thế nào. Về cơ bản, trong thuật toán về công nghệ AI đã đưa ra 3 luồng thông tin “nếu” - “thì” và “ngoại lệ”. Đó là những hiểu biết cơ bản mà tôi cho rằng mọi người nên nắm thêm khi tìm hiểu về khoa học dữ liệu của AI”.
Theo đó, những vấn đề đạo đức hành vi đối với con người của AI cũng đã được lập trình với các luồng thông tin “nếu” - “thì” và “ngoại lệ”, cho AI biết nếu thực hiện hành vi này thì sẽ xử lý như thế nào. Quan trọng hơn, vị chuyên gia này cho rằng, con người cần xem AI như “tai mắt" mở rộng của mình, là người “lao động” tạo ra “tài sản” cho mình. “Tài sản” đó là khả năng dự báo chính xác hơn, phân tích kỹ càng hơn.
Ông Dương cũng nói thêm, những phân tích rõ hơn về “nguy” và “cơ” cũng như tác động của AI đến đời sống, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng, fintech đã được ông chia sẻ thông qua bài viết “AI sẽ thổi bùng cuộc cách mạng ngân hàng số" tại chuyên đề “Bàn tròn AI” thuộc Đặc san Toàn cảnh Tài chính số và khuyến nghị độc giả quan tâm có thể tìm đọc để có những góc nhìn chuyên sâu hơn. Phiên bản “bàn tròn trên giấy” này còn mang tới những quan điểm, góc nhìn khác từ phía các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo khác về AI.
Chuyên đề đặc biệt ‘Bàn tròn AI’ trên Đặc san Toàn cảnh Tài chính số
- Bảo mật dữ liệu: Chỉ công nghệ là chưa đủ 10/05/2024 09:23
- 'Đối với doanh nghiệp, Big Data chính là tiền' 11/05/2024 06:30
- Chính thức ra mắt Đặc san Toàn cảnh Tài chính số 10/05/2024 12:22
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.