Bảo mật dữ liệu: Chỉ công nghệ là chưa đủ

Nhóm PV - 10/05/2024 09:23 (GMT+7)

(VNF) - Nhấn mạnh công nghệ chỉ là 1 trong 4 trụ cột trong việc bảo mật dữ liệu, ông Đỗ Danh Thanh, Deloitte Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp chỉ bỏ tiền mua công nghệ nên không thể bảo đảm về mặt chiến lược.

Chuyển đổi số đang diễn ra ở tất cả các ngành nhưng xét về mức độ phổ biến, tài chính – ngân hàng có lẽ là ngành chuyển đổi số mạnh mẽ nhất chỉ sau ngành công nghệ. Không còn là một khái niệm xa lạ, việc sử dụng các dịch vụ tài chính trực tuyến ngày càng trở nên quen thuộc, thu hút sự quan tâm và sự tin dùng của mọi lứa tuổi, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc.

Không chỉ dừng lại ở việc đưa các giao dịch lên nền tảng trực tuyến, các tổ chức tài chính cũng rất tích cực áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain… để nâng cao trải nghiệm của người dùng. 

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của tài chính số cũng đặt ra nhiều thách thức và rủi ro. Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là về bảo vệ dữ liệu người dùng. Bên cạnh đó là dấu hỏi về quyền được tiếp cận tài chính một cách công bằng, bình đẳng cũng như các rủi ro liên quan đến việc ứng dụng các công nghệ mới, trong đó có công nghệ AI.

Toàn cảnh toạ đàm.

Trong rất nhiều nội dung liên quan đến tài chính số, tọa đàm lựa chọn 2 chủ đề chính để thảo luận là dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Tọa đàm mong muốn làm rõ những cơ hội và thách thức cũng như đề xuất các giải pháp để hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc xây dựng, khai thác và sử dụng dữ liệu. Bên cạnh đó, tọa đàm cũng mong muốn làm rõ triển vọng ứng dụng AI vào nền kinh tế Việt Nam nói chung và các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, fintech nói riêng.

Tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo cơ quan chủ quản Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance là Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA); các chuyên gia, luật sư, doanh nhân và khách mời đến từ các cơ quan ban ngành.

Phát biểu mở đầu tọa đàm, ông Hoàng Anh Minh, Phó chủ tịch VFCA, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, gửi lời cảm ơn các khách mời và diễn giả đã tham dự buổi tọa đàm.

Ông Hoàng Anh Minh - Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance

Ông Hoàng Anh Minh nói: “Trước khi chúng ta bắt đầu, tôi muốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống dữ liệu trong phát triển nền kinh tế số".

Theo ông, trong thời đại số hóa ngày nay, dữ liệu được coi là "dầu mỏ" mới, là nguồn tài nguyên quý giá mà mọi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đều đang chạy đua để khai thác. Việc xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu không chỉ là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, mà còn là yếu tố quyết định trong việc định hình và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong ngành tài chính - ngân hàng, việc sử dụng dữ liệu đã và đang mở ra một loạt các cơ hội mới. Từ việc phân tích dữ liệu để dự báo xu hướng thị trường đến tối ưu hóa quy trình dịch vụ tài chính, dữ liệu đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Tuy nhiên, cơ hội song hành cùng thách thức. Việc thu thập, lưu trữ và bảo mật dữ liệu đang là một trong những vấn đề cấp bách đối với các tổ chức tài chính. Đồng thời, việc đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật cũng là một thách thức lớn đối với việc sử dụng dữ liệu trong ngành tài chính – ngân hàng.

Ngoài ra, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng mở ra một bức tranh tương lai rộng lớn cho ngành tài chính - ngân hàng. Từ việc tự động hóa các quy trình đến phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định thông minh, trí tuệ nhân tạo hứa hẹn mang lại những tiến bộ đáng kể và lợi ích lớn cho cả tổ chức tài chính và người dân.

Để tận dụng được tối đa lợi ích từ trí tuệ nhân tạo, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc đào tạo nhân lực đến đảm bảo tính minh bạch và đạo đức trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo.

"Trong buổi tọa đàm hôm nay, chúng ta sẽ tập trung vào việc thảo luận về cả hai mảng nội dung: dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá những cơ hội, thách thức và chiến lược để tận dụng tối đa lợi ích từ dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là trong ngành tài chính - ngân hàng.

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn quý vị đã tham dự, và hy vọng rằng buổi tọa đàm sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích”, ông Hoàng Anh Minh nói.

Ông Hoàng Anh Minh tiết lộ hầu hết nội dung trong bài giới thiệu ngắn trên được viết bởi ChatGPT - một hệ thống AI được phát triển bởi OpenAI - đã thổi bùng cuộc cách mạng AI đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. 

“AI đã và đang làm thay đổi chúng ta, thay đổi ngay cả cách chúng tôi bắt đầu cuộc tọa đàm hôm nay”, ông Hoàng Anh Minh nhấn mạnh.

TS Lê Xuân Nghĩa: Người Việt xem thường nhau về khoa học dữ liệu 

Chia sẻ tại tọa đàm, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết: “Thực ra tôi vẫn là thành viên Hội đồng Toán. Tôi đi vào số hoá rất sớm vì tôi là một trong những kỹ sư về toán. Nhưng từ năm 1985, chúng tôi đã đã bắt đầu dùng phần mềm và mất rất nhiều thời gian để có thể tạo ra 1 phần mềm mà sau này Excel chỉ cần thao tác rất nhanh. Sau này, tôi 'xông' vào số hoá ngân hàng như 1 nghề tay trái”. 

TS Lê Xuân Nghĩa

Chia sẻ về kinh nghiệm trong ngành số hoá, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết công ty của ông đã từng thực hiện các dự án tái cấu trúc dữ liệu cho 1 ngân hàng quốc doanh lớn, cũng như bán dữ liệu được AI phân loại cho khách hàng là ngân hàng để kiểm định khoản vay, song đều không thành công vì khách hàng đến cuối cùng không nhìn nhận rõ lợi ích của số hoá và AI. 

Theo ông Nghĩa, “ngay tại 1 nơi sử dụng nhiều về dữ liệu về số như ngân hàng mà cái nhìn về lĩnh vực này còn hạn chế”, nên đây là điều chúng ta cần lưu ý. “Chúng ta chưa phát triển được đội ngũ về số hoá, AI trong tương lai. Thế giới bây giờ cũng đều là AI, máy bay, tàu đều là robot, là AI, nên trong thực tiễn, ta thấy người Việt rất xem thường nhau về AI, về khoa học dữ liệu và quản lý dữ liệu”.

Ông Nghĩa cũng cho biết, khi làm AI cho bảo hiểm thì khá thành công nhưng khi làm dữ liệu lớn cho ngành mỹ phẩm thì gặp khó khăn vì trình độ quản lý dữ liệu quá yếu nên doanh nghiệp “bỏ cuộc”.

“Hiện tôi đang làm 1 chương trình số hoá về trồng rừng, làm cả trên thực địa và trên máy để sau này đo đạc và theo dõi dự phát triển của cây và rừng, carbon qua từng năm”, ông Nghĩa lấy ví dụ về 1 dự án số hoá đang thực hiện. Theo ông, sau này, dự án sẽ phát triển đến mức có thể bán cây cho các học sinh tiểu học, các em theo dõi cây qua dữ liệu và sau đó bán cây lấy lợi nhuận và carbon. Lợi nhuận sau khi gửi vào tiết kiếm có thể gấp 170 lần. 

“Sơ bộ là như thế để chúng ta thấy AI có thể được sử dụng ở nhiều lĩnh vực. Song khó khăn của AI tại Việt Nam là pháp lý chưa rõ ràng, truyền thông yếu. Người hiểu biết phần lớn là người chưa có quyền, người không hiểu biết lại là người có tiền có quyền. Đấy là điều vô cùng tệ hại và khiến tốc độ số hoá chậm. 

“Không chỉ vấn đề pháp lý và còn có vấn đề về nhãn quan về số hoá. Tôi xông vào nghề này, giờ đây là công ty có cơ sở dữ liệu lớn nhất (76 triệu dữ liệu nhờ tham gia đề án 06. Có 1 đống dữ liệu như vậy mà muốn biến thành tiền không hề dễ”. 

Theo ông Nghĩa, trong khi nhiều đơn vị nước ngoài chào mua, công ty ông lại không thể bán vì đó được coi là bí mật quốc gia. Không thiếu nhân lực, không thiếu dữ liệu nhưng không thể biến dữ liệu thành tiền ở Việt Nam để phục vụ chính nền kinh tế của mình.

CEO Ingo Digital Transformation: Vấn đề bảo vệ và khai thác dữ liệu là vô cùng quan trọng

Phát biểu tại toạ đàm, ông Ngô Sơn Dương - CEO Ingo Digital Transformation, đã đưa ra một số khuyến nghị để có thể “khai thác” mỏ vàng dữ liệu. 

Ông Ngô Sơn Dương

Liên quan đến câu hỏi về vấn đề sử dụng dữ liệu trong thời đại số với sự phát triển của AI và câu chuyện của TS Lê Xuân Nghĩa về việc khai thác “mỏ vàng” dữ liệu, từ kinh nghiệm thực tế khi làm việc với chính phủ Singapore cũng như tham gia vào các chương trình chuyển đổi số của các tập đoàn đa quốc gia, ông Ngô Sơn Dương nhấn mạnh, vấn đề bảo vệ và khai thác dữ liệu là vô cùng quan trọng. 

Ông Dương cho hay: “Tại Singapore, khi Chính phủ thiết kế chương trình, hệ thống dữ liệu để tải lên server và lưu trữ điện toán đám mây, họ luôn phân quyền một cách rõ ràng với các phòng ban, chỉ cho phép những người Singapore mới có quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu chính phủ của Singapore. Điều đó đồng nghĩa với việc những người triển khai phần mềm là người Việt Nam, chúng tôi chỉ có thể truy cập vào hệ thống mạng thử nghiệm. Sau khi chuyển giao kết quả, Chính phủ Singapore sẽ tiến hành verify (kiểm tra, xác minh) và có đơn vị tiến hành pentest (kiểm thử xâm nhập). Đây là quá trình vô cùng phức tạp, để kiểm tra xem dữ liệu có được phân tích đúng hay không, dữ liệu có được dán nhãn, đánh dấu đầy đủ hay không, kiểm tra xem người truy cập là ai”. 

Tại Việt Nam, ông Ngô Sơn Dương từng có bài viết về việc triển khai VNEID của Chính phủ. Chia sẻ lại vấn đề này, ông Dương cho hay, Chính phủ đã tham khảo mạng mô hình từ Singapore và Thuỵ Sỹ để xây dựng VNEID, qua đó xác định người đang truy cập dữ liệu là ai. 

Tại Singapore, mô hình này là một cách đánh dấu và truy vết dữ liệu một cách cụ thể, theo từng mức, chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Ông Dương cho hay: “Quan trọng nhất là việc truy vết dữ liệu, biết được dữ liệu đó đến từ ai, từ nguồn nào, kiến trúc của dữ liệu ra sao. Đối với những người học về khoa học máy tính, ngay từ ban đầu, chúng tôi được học từ ban đầu từ mã nào, máy tính xử lý thế nào, hướng đối tượng, đã được Index và đánh số như thế nào”. 

Ông Ngô Sơn Dương tiết lộ, trong một cuộc nói chuyện gần đây với các giám đốc thiết kế của Google, ông được biết, hiện tại AI đã có thể hỗ trợ đánh dấu và truy vết dữ liệu một cách nhanh nhất cũng như tối ưu hoá dữ liệu. Đó là lý do tại sao chúng ta truy cập Google, Microsoft - các doanh nghiệp phần mềm thì tốc độ rất nhanh.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân còn rất sơ khai

Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, cho biết với sự ra đời của Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, các doanh nghiệp đều phải thực hiện báo cáo về tác động xử lý dữ liệu cá nhân cho Cục An ninh mạng. 

“Từ góc độ hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp FDI, kể từ khi Nghị định 13 ra đời và có hiệu lực, chúng tôi nhận thấy có một số bất cập cần xem xét lại để sửa đổi Nghị định 13 hoặc xây dựng luật riêng về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời gian tới”, luật sư Hà nhận định. 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Theo ông Hà, hiện nay có rất nhiều văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, ở mỗi văn bản pháp luật lại “dán nhãn” dữ liệu cá nhân khác nhau, dẫn đến sự chồng chéo và gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện báo cáo. 

Bên cạnh đó, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhiều doanh nghiệp vẫn còn tương đối sơ khai. “Trong tháng 6/2024, Chính phủ có thể sẽ ban hành nghị định xử lý vi phạm hành chính, vi phạm về dữ liệu cá nhân đối với các doanh nghiệp. Theo nghị định này, mức xử phạt đối với những doanh nghiệp tiết lộ dữ liệu cá nhân, không làm đúng với cam kết về bảo vệ dữ liệu cá nhân tối đa 5% doanh thu, một con số rất lớn. Tuy vậy, đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết cung cấp báo cáo xử lý tác động dữ liệu cá nhân cho các cơ quan liên quan như thế nào cũng như chưa thực sự hiểu được trách nhiệm tuân thủ ra sao”, ông Hà dẫn chứng. 

Thêm vào đó, ông Hà cho hay việc xây dựng báo cáo về xử lý dữ liệu cá nhân đòi hòi phải có sự tham gia của các chuyên gia pháp lý và chuyên gia công nghệ. Song nhiều doanh nghiệp lại đang gặp khó khăn, thiếu nguồn lực về cả kỹ thuật lẫn con người để triển khai các báo cáo này. 

Ông Hà cũng nhấn mạnh rằng “Nghị định 13 yêu cầu có sự tham gia của bên thứ 3 trong vấn đề chia sẻ dữ liệu doanh nghiệp, ví dụ như cơ quan thuế, kiểm toán… Thế nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều cơ chế để làm sao các bên đàm phán chia sẻ dữ liệu với nhau mà vẫn đúng Nghị định 13”. 

Những hướng dẫn trong Nghị định 13 cũng đang còn rất sơ khai, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực tế. “Việc hoàn thành các báo cáo đánh giá dữ liệu cá nhân vẫn thiếu các biểu mẫu để các doanh nghiệp thực hiện, khiến nhiều doanh nghiệp loay hoay”, ông Hà dẫn chứng. 

Chủ tịch SBLaw cho rằng: “Trong thời gian tới, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính số, nên rà soát lại các quy định nội bộ liên quan đến vấn đề tuân thủ Nghị định 13. Trái lại, Chính phủ, các cơ quan, bộ ban ngành cũng cần có hướng dẫn thêm cũng như ban hành thông tư riêng cho từng ban ngành”.

Ông Đỗ Danh Thanh Deloitte: "Data is king"

Chia sẻ về dữ liệu tại sự kiện, ông Đỗ Danh Thanh, Phó tổng giám đốc Tư vấn chuyển đổi số và An ninh mạnh - Deloitte Việt Nam, cho biết dữ liệu không phải bây giờ mới có, mà nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, giúp xử lý được lượng dữ liệu rất lớn nên bây giờ chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu. 

“Trước đây ai có tiền là vua, nhưng bây giờ 'data is king' ("dữ liệu là vua”) - ông Thanh khẳng định. 

Ông Đỗ Danh Thanh

Liên quan tới thực trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân ở Việt Nam, ông Thanh cho biết tình trạng này rất nổi trội và được nói nhiều trên các phương tiện truyền thông. Số liệu thống kê cho thấy tin tặc tấn công liên tục khoảng 1.000 - 1.2000 vụ/tháng để thu dữ liệu, quy mô ngày càng lớn. 

Một trong những điển hình của câu chuyện này trước đây xảy ra trong ngành hàng không là những thông tin quan trọng ảnh hưởng tới người dùng, rồi từ hàng không tới tài chính ngân hàng – một trong những ngành ứng dụng chuyển đổi số nổi bật nhất (significant), sau này đến xăng dầu. Những vụ tấn công dữ liệu này làm ảnh hưởng tới tiền bạc, danh tiếng của doanh nghiệp và niềm tin khách hàng. 

“Có 1 điểm nữa về thực trạng thông tin là doanh nghiệp Việt Nam phát triển khá 'nóng', trước nay về việc bảo mật thông tin hầu hết quan điểm là tôi bỏ tiền mua, các anh phải bảo đảm an toàn cho tôi”, ông Thanh nói về trách nhiệm bảo mật dữ liệu của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, theo ông Thanh, bảo đảm về công nghệ chỉ là 1 trong 4 trụ cột trong việc bảo mật dữ liệu. (4 trụ cột bao gồm: 1 là con người, 2 là quy trình, 3 là công nghệ và 4 là chiến lược). Doanh nghiệp chỉ bỏ tiền mua công nghệ nên không thể bảo đảm về mặt chiến lược. 

“Chúng ta chưa chú trọng vào những khía cạnh mà trước nay chúng ta chỉ coi là 'đánh bóng', ví dụ như ISO. Còn thực ra, những cái danh hiệu đó hiệu quả không thì nó phải là quá trình, chứ không phải chúng ta bỏ rất nhiều tiền thì chúng ta được bảo vệ”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, một thực trạng khác trong việc bảo mật dữ liệu tại các doanh nghiệp Việt Nam là việc doanh nghiệp không có dữ liệu "back-up" để xử lý nhanh vấn đề. 

“Trước kia tôi từng làm với doanh nghiệp Nhật, ông chủ của họ đều yêu cầu back-up dữ liệu vào cuối ngày. Quay trở lại với Việt Nam chúng ta, các doanh nghiệp chứng khoán, bảo hiểm, chứa rất nhiều dữ liệu khách hàng mà không có backup và không đưa ra được phương án khắc phục sự cố sau” thảm hoạ”.” 

Theo ông Thanh, doanh nghiệp phải luôn cảnh giác với việc bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng để giảm thiểu tối đa hệ quả.

Nguyễn Tiến Sỹ: Số khách tăng 4 lần, số nhân sự giảm 40% nhờ công nghệ và "Big Data"

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Sỹ - Giám đốc Ban Chăm sóc khách hàng, Khối Tài chính số - EVNFinance, chia sẻ kể từ khi thành lập, EVN Finance luôn tuân thủ yêu cầu của pháp luật về an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu. Trên thực tế, công ty đã triển khai chương trình chuyển đổi số từ năm 2020. Từ đó đến nay, đây vẫn luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của EVN Finance. 

“EVN Finance tự hào là một trong những công ty tài chính đầu tiên ứng dụng công nghệ công nghệ phân tích dữ liệu để tăng trải nghiệm khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Nếu như tại các công ty tài chính thông thường, khách hàng khi đi vay sẽ phải kê khai thông tin vào bảng biểu, sau đó thông tin sẽ chuyển qua nhiều bộ phận chuyên môn khác nhau để xử lý, thì tại EVN Fiance, với big data, khách hàng chỉ cần 3-5 phút cho tất cả các khâu tải app, kê khai và dược phê duyệt”, ông Sỹ nói. 

Ông Nguyễn Tiến Sỹ

Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, đối với doanh nghiệp, có hai lợi ích khi ứng dụng công nghệ và dữ liệu big data. Trước hết là mang lại sự nhanh chóng, tiện lợi cho khách hàng. Còn về phía doanh nghiệp, đó là sự nâng cao năng suất lao động, giúp phục vụ khách hàng nhanh hơn. 

Ông Sỹ cho biết: “Trong khi các công ty tài chính, thông thường cần đến bộ phận thẩm định để thẩm định hồ sơ của khách hàng có đủ điều kiện hay không thì với big data, EVN Finance có thể thực hiện các khâu này trên hệ thống, kiểm tra xem hồ sơ của khách hàng có đảm bảo hay không từ dữ liệu. Ví dụ như việc phân tích thông tin thu nhập của khách hàng, chúng tôi đối chiếu với thu nhập vùng theo số liệu Tổng cục Thống kê”. Điều này, theo ông Sỹ, đã làm tăng số lượng khách hàng tăng lên 4 lần, trong khi số lượng nhân sự giảm 40%. 

Ông Sỹ nhấn mạnh: “Ứng dụng công nghệ giúp năng suất lao động tăng, trải nghiệm khách hàng tăng. Đối với doanh nghiệp, big data chính là tiền”. 

Trên thực tế, các doanh nghiệp tài chính khác cũng đang bắt đầu chuyển đổi số, đặc biệt là từ sau Covid. Ông Sỹ cho biết, trong giai đoạn Covid, thời điểm ông đang ở TP. HCM, việc phong toả xã hội khiến khách hàng không thể rút tiền nhưng nhu cầu thì có nhiều. Trước tình hình đó, các ngân hàng đã bắt đầu ứng dụng eKYC (định danh khách hàng điện tử). Trên thực tế, eKYC đã được EVN Finance triển khai từ trước đó 1 năm. Từ trước Covid tới nay, các dịch vụ vẫn mang lại trải nghiệm tốt, lượng khách hàng duy trì và khách hàng mới đều tăng. 

“Điều giữ chân khách hàng là sự tiện ích, giải quyết nhu cầu nhanh chóng”, ông Sỹ khẳng định.

TS Lê Xuân Nghĩa: Số hoá là vấn đề sống còn 

Chia sẻ thêm tại toạ đàm, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết ông và Viện nghiên cứu đang gặp 1 vấn đề lớn trong tư vấn tài chính cho doanh nghiệp, đó là các doanh nghiệp hoạt động ở châu Âu hiện tại cần báo cáo phát thải theo tiêu chuẩn. 

Trong các ngành hàng xuất khẩu, vướng nhất là doanh nghiệp sắt thép. Theo ông Nghĩa, Hoà Phát vừa hoàn thiện báo cáo phát thải đúng theo tiêu chuẩn châu Âu gồm 3 phần. Công ty có dữ liệu, nhưng phải nhờ công ty tư vấn quốc tế giúp hoàn thiện vì họ có dữ liệu của Trung Quốc và có thuật toán. 

“Vậy nên chúng ta thấy, chúng ta không chỉ kém cỏi về dữ liệu, mà cách sử dụng dữ liệu cũng có vấn đề”, ông Nghĩa nói. 

TS Lê Xuân Nghĩa

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, từ năm 2026, tất cả doanh nghiệp phải báo cáo phát thải vào châu Âu. Khoảng 2.800 doanh nghiệp phải báo cáo phát thải, trước hết cho Thủ tướng, mà hiện chưa đầy 100 doanh nghiệp có báo cáo, vô cùng sơ sài. 

Một số doanh nghiệp chỉ báo cáo được phần tự phát thải, còn lại không báo cáo đươc, chỉ 7 doanh nghiệp báo cáo đủ 3 phần theo yêu cầu châu Âu, nhưng cấu trúc dữ liệu sẽ khó thông qua kiểm toán. Đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. 

“Số hoá chậm không chỉ làm chúng ta mất cơ hội cạnh tranh mà còn mất luôn cơ hội kinh doanh”, ông Nghĩa nói. 

Chuyên gia này cũng khẳng định các doanh nghiệp giờ phải đẩy nhanh số hoá hơn nữa. “Số hoá đến nay không còn là cơ hội kinh doanh mà còn là cơ hội sống còn. Bây giờ chậm là chết, không chỉ chết doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng cả hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán. Lâu nay chúng ta chủ quan về số hoá thì giờ dao đã kề sát cổ”, theo ông Nghĩa. 

Theo đó, ông Nghĩa cũng khuyến nghị truyền thông mạnh mẽ cho các doanh nghiệp về việc số hoá, các chuyên gia cũng phải lao vào nghiên cứu để đưa ra các phương án đáp ứng yêu cầu số hoá ngày càng cao từ thế giới.

Nhà báo, Đại tá Nguyễn Hoà Văn: “Số hoá sẽ triệt tiêu những gian dối, lọc lừa” 

Phát biểu tại toạ đàm, nhà báo, Đại tá Nguyễn Hoà Văn - nguyên Tổng biên tập Báo Biên phòng, nguyên Giám đốc Cổng thông tin Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ: “Tôi cho rằng, Việt Nam có thể sánh vai với các nước phát triển nhờ câu chuyện số hoá. Đặt trong bối cảnh hiện nay với những câu chuyện xoay quanh cuộc chiến chống tham nhũng, tôi tin, nhờ số hoá, tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Không gian số hoá sau này sẽ triệt tiêu những gian dối, lọc lừa, nhờ đó mà đời sống xã hội trong tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Với nhận thức đó, tôi muốn tìm hiểu sâu về chủ đề này”, ông Văn nói.

Ông Nguyễn Hòa Văn

Ông Nguyễn Hòa Văn đặt vấn đề, trong bối cảnh công nghệ số phát triển, bảo vệ dữ liệu cá nhân đang là đề tài nóng hổi trên báo chí. Trên thực tế, đã có quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng thực tiễn bảo vệ dữ liệu cá nhân vẫn còn nhiều khó khăn. Một nguyên nhân là cuộc tranh chấp người dùng của các công ty công nghệ trong và ngoài nước đang diễn ra ngày càng khốc liệt. 

Trong cuộc cạnh tranh đó, công ty “tử tế, đàng hoàng", có công ty “bánh vẽ, lừa đảo", do đó, về phía báo chí, nên tuyên truyền theo hướng cung cấp thông tin cho người dân biết thủ đoạn, biết rủi ro để tránh. 

PGSTS Nghiêm Thị Thà: Cần nâng cao nhận thức về bảo mật dữ liệu

Phát biểu tổng kết phiên 1 toạ đàm, PGS.TS Nghiêm Thị Thà, Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, đưa ra một số ý kiến đóng góp về việc bảo mật dữ liệu và trách nhiệm bảo mật. 

Trước hết, bà Thà khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và tất cả cá nhân, tổ chức, quốc gia phải chấp nhận xu thế để có thể hành động tương thích và phòng tránh rủi ro. Và một khi đã chấp nhận xu thế, chúng ta phải có hành vi đúng đắn. 

Theo bà Thà, mỗi cá nhân, tổ chức phải xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng nhất và khó bảo mật hoàn toàn, vì dù vô tình hay hữu ý cũng có thể bị lộ lọt. Do đó, phải nâng cao nhận thức về việc bảo mật dữ liệu. 

PGS.TS Nghiêm Thị Thà

PGS.TS Nghiêm Thị Thà cho biết, dữ liệu chia ra 3 cấp độ là cá nhân, tổ chức và quốc gia, nên trước hết là cần tự bảo vệ mình, tránh đưa thông tin cá nhân lên mạng. Thứ hai, các tổ chức thu thập dữ liệu khách hàng cần tuân thủ đạo đức nghệ nghiệp. “Câu chuyện bảo mật, bảo vệ người dùng thì không ai khác ngoài chính mình phải bảo vệ mình”, bà Thà nói. 

“Thứ 3 là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là vô cùng quan trọng. Ví dụ như VNEID hiện tại, chúng ta sợ vì phải cung cấp tất cả dữ liệu lên Cổng thông tin quốc gia. Vậy, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cũng là của nhà nước, và tôi cho rằng đây là điều cần truyền thông mạnh”, theo bà Thà. 

Theo đó, về giải pháp bảo mật dữ liệu theo 3 cấp độ, bà Thà cho rằng phải đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi số, vì “nếu chậm trễ và thiếu hiểu biết, chúng ta phải trả giá”. 

Đồng tình với ý kiến của bà Thà, ông Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng cần đẩy mạnh đào tạo cho đội ngũ truyền thông về chuyển đổi số.

Ông Nghĩa cho biết: Hồi xưa mới thành lập thị trường chứng khoán, Hội nhà báo tổ chức rất nhiều cuộc tập huấn. Bây giờ số hoá còn phức tạp hơn nhiều, số hoá hiểu biết ít thì khó tuyên truyền, nên tìm nguồn tài trợ để đào tạo về số hoá cho các nhà báo”.

Điểm bùng phát của AI diễn ra sớm hơn nhiều so với dự đoán

Mở đầu phiên thảo luận thứ hai về chủ đề AI, ông Hoàng Anh Minh cho biết, câu chuyện này đã không còn mới khi AI đã đi vào mọi hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân. Chẳng hạn như Vingroup thành lập viện nghiên cứu AI, hay gần đây là sự xuất hiện của Chat GPT... AI hiện hữu trong khắp đời sống. 

Ông Ngô Sơn Dương cho rằng AI là “số hoá” bản thân con người, là người lao động của chủ sở hữu nó. Liên quan đến tác động của AI tới cuộc sống, ông Ngô Sơn Dương cho biết, trong trang 95, Đặc san Toàn cảnh Tài chính số, ông đã có bài viết chia sẻ về tác động của AI tới ngân hàng, fintech. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của tọa đàm, ông Dương chia sẻ rõ hơn về khoa học AI, để cung cấp cái nhìn rõ hơn. 

Theo ông Ngô Sơn Dương, không thể phủ nhận, về công nghệ AI, nước ngoài đã đi trước Việt Nam rất nhiều. Thực chất, AI đã có từ rất lâu khi các nhà khoa học thiết kế ra mạng nhị phân, dữ liệu. Thời điểm đó, họ đã có thể mô phỏng hoạt động của nơ-ron thần kinh. 

“Theo báo cáo của các tổ chức tài chính, kinh tế thế giới, “điểm bùng phát” của AI có thể xảy ra vào khoảng năm 2030, 2040. Tuy nhiên, dưới tác động của Covid, thực tế, “điểm bùng phát” này đã diễn ra sớm hơn rất nhiều”, ông Dương nói. 

Ông Ngô Sơn Dương

Về sự hiện diện của AI trong cuộc sống, ông Ngô Sơn Dương ví dụ: “Trong điện thoại, vốn dĩ AI đã “ngầm” ở trong đó, chỉ có điều chưa nhìn thấy hình thái của nó mà thôi, ví dụ như việc điện thoại có thể nghe nhịp thở của ta, hay Apple Music có thể phát nhạc phù hợp với tâm trạng. Hay như tôi, khi tìm kiếm thông tin về tài chính số, máy tính cũng có thể gợi ý đề xuất thông tin liên quan đến tài chính, công nghệ”. 

“Đó là Law of Attraction (luật hấp dẫn), với làm cho “thông tin tự đến”, AI giúp con người phát huy 5 giác quan, trước là nghe - thấy, trong tương lai là nếm, thử và cao hơn nữa là dự đoán”, ông Dương nói. 

CEO Ingo Digital Transformation cũng nêu ra vấn đề, trên thực tế, bản thân con người không tự hiểu mình, trong khi AI, chỉ cần kết nối, lại có thể mọi người hiểu bản thân mình hơn. Điều này đặt ra một nỗi lo về nguy cơ AI hiểu con người rõ quá mà mình không thể kiểm soát được nó. 

Tuy nhiên, theo ông Dương, AI mang lại cơ hội giúp bản thân tối ưu hoá, là người lao động tạo ra giá trị cho bản thân người sở hữu nó. Trong tương lai, những điểm mờ liên quan đến đạo đức hành vi, trong trường hợp AI làm hại, xâm phạm dữ liệu, đưa ra nguy cơ với con người, ông Dương cho rằng, sẽ có sự tham gia của luật pháp. 

Mặt khác, các nhà khoa học khi phát triển AI đã có thuật toán truy vết. Về công nghệ lập trình, những vấn đề về đạo đức, hành vi cũng đã được lập trình. Không chỉ có lệnh nếu - thì mà luồng dữ liệu còn có “exception” (ngoại lệ) để đưa ra mọi khả năng thông tin, rằng nếu AI thực hiện hành vi này thì xử lý thế nào.

Ông Đỗ Danh Thanh: Ứng dụng AI ở Việt Nam mới ở giai đoạn bắt đầu

Theo ông Đỗ Danh Thanh, tính ứng dụng và sự phát triển của AI không còn là vấn đề bàn cãi nhưng đạo đức chơi AI vẫn cần phải nói đến. 

“Trước đây từng có một thí nghiệm để hai AI nói chuyện với nhau. Sau một thời gian ngắn, cả hai không sử dụng ngôn ngữ con người nữa mà sử dụng một loại ngôn ngữ hoàn toàn khác. Dù chúng ta chưa rõ đây có phải là sự thật hay là chiêu trò marketing nhưng thí nghiệm này cũng đã chỉ ra những nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn liên quan đến AI. Từ đó, đặt ra yêu cầu về các bộ quy tắc liên quan đến AI để làm sao vừa đảm bảo tận dụng được lợi ích của AI vừa đảm bảo an toàn, không có rủi ro khi ứng dụng AI vào thực tiễn”, ông Thanh cho biết. 

Ông Đỗ Danh Thanh

Trong nghiên cứu mới phát hành tháng 4 của Deloitte, chỉ có 40% doanh nghiệp trong ngành tài chính trên thế giới ứng dụng AI, trong đó, có tới 32% vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Những con số này cho thấy AI thiết thực nhưng để triển khai thì không dễ. 

Ông Thanh cho rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn khi ứng dụng AI trong thực tiễn. Đầu tiên là vấn đề về dữ liệu. “Chúng ta đang nói nhiều đến AI tạo sinh nhưng khi ứng dụng thực tiễn, chúng ta còn có nhiều loại AI khác. Theo CEO của một số ngân hàng, công ty tài chính bảo hiểm, việc dữ liệu của doanh nghiệp chưa được đầy đủ, chặt chẽ, chưa được “sạch sẽ” do trước đây lưu trữ dữ liệu trên hệ thống cũ khiến AI khó phát huy được hết tác dụng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và cả trên thế giới khó đưa AI vào triển khai thực tiễn”, ông nói. 

Bên cạnh đó, để AI được ứng dụng, các doanh nghiệp cần phải có đội ngũ chuyên gia. Đây cũng là một trong những điểm yếu của doanh nghiệp ở Việt Nam. 

Về an ninh dữ liệu, khi ứng dụng AI, doanh nghiệp chắn chắn phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến thất thoát thông tin, ảnh hưởng an ninh thông tin. Tuy nhiên, “Việt Nam lại chưa có đủ cơ sở pháp lý liên quan đến tính minh bạch, tính giải trình. Khi các cơ quan kiểm tra, kiểm toán muốn kiểm tra thông tin thì nhiều doanh nghiệp đều vướng mắc ở bước phải truy vết”, ông nói. 

“Nhiều nước trên thế giới hiện đã ban hành bộ quy tắc AI trong các doanh nghiệp. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp cũng cần từng bước xây dựng các nguyên tắc, đạo đức chơi AI để đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi nhiều rủi ro tiềm ẩn”, Phó tổng giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số & An ninh mạng Deloitte nói.

EVN Finance: Kết quả ứng dụng AI rất khả quan

Đại diện EVN Finance, ông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết công ty đã áp dụng trí tuệ nhân tạo từ lâu. Theo ông Sỹ, ban đâu để thay đổi tư duy để áp dụng cái mới thì rất nghi ngại, nhưng những kết quả áp dụng AI hiện tại rất khả quan.

Cụ thể, AI tự học mà công ty áp dụng sau thời gian Covid-19 đã ngày càng thông minh và biết phân cấp dữ liệu. Quá trình này diễn ra dần làm thay đổi nhận thức người dùng. 

Được biết, EVN Finance hiện đang áp dụng triệt để AI: tổng đài chăm sóc khách hàng dùng AI, thu hồi nợ dùng AI, làm tăng trải nghiệm khách hàng. 

Sau khi áp dụng AI, phản ứng của bot rất tốt. “Với cá nhân tôi và EVN Finance, khi dùng AI trong thu hồi nợ qua điện thoại từ giai đoạn Covid-19, tỷ lệ thành công cao hơn nhiều so với các tổ chức khác”. Qua đó, ông Sỹ cho biết AI thực hiện kiểm soát hành vi con người rất tốt và đánh giá đây là ứng dụng tốt cho các doanh nghiệp.

TS Lê Minh Nghĩa: Số hóa là vấn đề sống còn

Kết luận phiên thảo luận thứ 2, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), TS Lê Minh Nghĩa cho rằng các ý kiến phân tích tại tọa đàm đã thể hiện một số khía cạnh liên quan tới lĩnh vực lớn hơn là số hoá.

“Nếu nói về tài chính số, chúng ta chưa làm chủ được nên ta cũng chưa cho nó sống trên thực tế qua thể chế chính sách. Doanh nghiệp đã áp dụng rồi nhưng cần phải có hành lang pháp lý, không có hành lang pháp lý thì sao “bùng” lên được. Chúng ta cứ nói AI thay đổi tất cả, nhưng theo tôi, chúng ta chả “ngán” gì việc đó, trước đây từ máy xay tay sang máy tay hơi nước, chúng ta vẫn phát triển”, ông Nghĩa nói. 

TS Lê Minh Nghĩa

Chủ tịch VFCA nói thêm: Chúng ta không ngại AI, vấn đề là chúng ta tiếp thu, vận dụng và quản lý nó. Tôi hoàn toàn đồng ý số hoá là vấn đề sống còn, muốn tồn tại và phát triển thì phải suy nghĩ, hành động triệt để hơn”. 

Trong bài phát biểu của mình. TS Lê Minh Nghĩa cũng giới thiệu về ấn phẩm “Toàn cảnh Tài chính số” với 38 bài viết về AI, từ nội dung chung tới nhiều chủ đề khác nhau. 

“Vấn đề ở đây là cái gì chúng ta dùng AI, cái gì chúng ta cần vận dụng thực tiễn cụ thể trong từng trường hợp”, ông Nghĩa nói. 

TS Lê Minh Nghĩa cũng đề nghị Tạp chí Đầu tư Tài chính tiếp thu các ý kiến và làm kiếm nghị gửi các cơ quan có thẩm quyền về tài chính số, về data.

Ra mắt Đặc san Toàn cảnh Tài chính số

Kết thúc Tọa đàm, ông Hoàng Anh Minh - Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính đã tuyên bố ra mắt Đặc san Toàn cảnh Tài chính số đồng thời gửi lời cảm ơn các chuyên gia, nhà tài trợ đã đồng hành cùng Vietnam Finance trong hành trình phụng sự bạn đọc.

Chuyên đề đặc biệt ‘Bàn tròn AI’ trên Đặc san Toàn cảnh Tài chính số

Chuyên đề đặc biệt ‘Bàn tròn AI’ trên Đặc san Toàn cảnh Tài chính số

Tiêu điểm
(VNF) - Điểm thú vị ở chuyên đề "Bàn tròn AI" là ghi nhận nhiều quan điểm của các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, qua đó đưa bạn đọc Việt Nam dễ dàng tới gần hơn với AI, hiểu hơn về AI và từ đó, dần sống chung với AI.
Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
KienlongBank triển khai Basel III, nâng cao năng lực hệ thống quản trị rủi ro

KienlongBank triển khai Basel III, nâng cao năng lực hệ thống quản trị rủi ro

(VNF) - Vừa qua, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) đã tổ chức lễ triển khai dự án Basel III nhằm nâng cao năng lực hệ thống quản trị rủi ro với sự tư vấn của KPMG.

Vạn Hương Investoco: Lỗ chồng lỗ, nợ gấp 8 lần vốn chủ

Vạn Hương Investoco: Lỗ chồng lỗ, nợ gấp 8 lần vốn chủ

(VNF) - Kết thúc năm 2023, Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco)- chủ đầu tư dự án khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Hải Phòng) báo lỗ gần 62 tỷ đồng.

Trực thăng chở Tổng thống Iran rơi: Không còn người sống sót

Trực thăng chở Tổng thống Iran rơi: Không còn người sống sót

(VNF) - Theo truyền thông nhà nước Iran, Tổng thống Ebrahim Raisi được cho là đã tử vong sau vụ rơi máy bay trực thăng.

Thị trường chuyển đổi số Việt Nam: Tiềm năng lớn, lợi nhuận cao nhưng ngại pháp lý

Thị trường chuyển đổi số Việt Nam: Tiềm năng lớn, lợi nhuận cao nhưng ngại pháp lý

(VNF) - “Việt Nam là quốc gia ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vì các bạn có tiềm năng và nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số”, đại diện công ty phần mềm TPIsoftware của Đài Loan nói và cho biết, thị trường chuyển đổi số Việt Nam có tiềm năng mang lại lợi tức đầu tư cao.

Phó chủ tịch Trần Thanh Mẫn: 'Quốc hội quyết định công tác nhân sự, lập pháp'

Phó chủ tịch Trần Thanh Mẫn: 'Quốc hội quyết định công tác nhân sự, lập pháp'

(VNF) - Sáng 20/5, Quốc hội khóa 15 đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7 tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Khoanh, xóa nợ thuế cho hơn 700 nghìn người

Khoanh, xóa nợ thuế cho hơn 700 nghìn người

(VNF) - Ngành thuế và hải quan đã thực hiện khoanh nợ đối với 704.431 người nộp thuế với tổng số tiền thuế nợ được khoanh là 28.380 tỷ đồng, sau 3 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 94.

Trung Quốc ra đòn trả đũa Mỹ và EU

Trung Quốc ra đòn trả đũa Mỹ và EU

(VNF) - Trung Quốc đã phát tín hiệu sẽ trả đũa các rào cản thương mại do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra khi nước này tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá đối với hóa chất nhập khẩu.

Hơn 18.000 căn hộ bỏ không, lãng phí hàng trăm tỷ mỗi năm

Hơn 18.000 căn hộ bỏ không, lãng phí hàng trăm tỷ mỗi năm

(VNF) - Chỉ tính riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng ngân sách nhà nước mỗi năm.

Đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ 7 vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ 7 vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 20/5/2024, trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các Đại biểu Quốc hội đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cảng Đoạn Xá: Doanh thu tăng gấp 4, không dính nợ nần

Cảng Đoạn Xá: Doanh thu tăng gấp 4, không dính nợ nần

(VNF) - Cảng Đoạn Xá là doanh nghiệp hiếm hoi trên sàn không vay nợ và rủng rỉnh tiền để đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh.

Cảnh sắc Mã Pí Lèng

Cảnh sắc Mã Pí Lèng

(VNF) - Mã Pì Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km đi qua 3 xã thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Từ lâu, nơi đây được coi là đệ nhất danh đèo của Việt Nam, là một trong "tứ đại đỉnh đèo" bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Pha Đin. Cùng ngắm vẻ đẹp hùng vĩ của tuyến đường đèo này qua ống kính của nhiếp ảnh gia Thanh Hải.