(VNF) - Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Giám đốc Ban Chăm sóc khách hàng, Khối Tài chính số - EVN Finance tiết lộ, nhờ dữ liệu lớn, số lượng khách hàng của công ty tăng gấp 4 lần, trong khi số lượng nhân sự giảm 40%.
Ngày 10/5 vừa qua, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã tổ chức Tọa đàm ra mắt Đặc san Toàn cảnh Tài chính số. Với sự tham gia của các chuyên gia, luật sư, lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà xây dựng chính sách từ các cơ quan, ban ngành, Tọa đàm là cuộc thảo luận sôi nổi xung quanh những cơ hội và thách thức, lợi ích và rủi ro, đồng thời đề xuất giải pháp tối ưu hoá việc sử dụng dữ liệu cũng như ứng dụng AI vào nền kinh tế trong thời đại số hoá ngày nay.
Trong đó, những thông tin trao đổi tại toạ đàm đã cho thấy, sức mạnh của Big Data đối với các công ty tài chính khi chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở ngành này. Bằng cách ứng dụng công nghệ và Big Data trong việc tự động hóa các tác vụ thường ngày, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực, nâng cao năng suất, từ đó giảm chi phí chung và cải thiện lợi nhuận tổng thể, giành lấy lợi thế cạnh tranh.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, kể từ khi thành lập, EVN Finance luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh mạng. Riêng chuyển đổi số, công ty đã bắt đầu triển khai từ năm 2020. Từ đó đến nay, đây vẫn luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của EVN Finance.
“EVN Finance tự hào là một trong những công ty tài chính đầu tiên thực hiện chuyển đổi số với khởi đầu là dịch vụ cho khách hàng vay trên nền tảng số. Điều này trước hết xuất phát từ trăn trở phải làm sao để khách hàng có được những trải nghiệm tốt nhất. Nếu như trước đây, các công ty tài chính thông thường, khách hàng khi đi vay sẽ phải kê khai thông tin vào bảng biểu, sau đó thông tin này cần chuyển qua nhiều bộ phận chuyên môn khác nhau để xử lý thì tại EVN Fiance, từ năm 2020, chúng tôi đã sử dụng Big Data và kết hợp với các đối tác chuyên môn để thực hiện thẩm định hồ sơ của khách hàng trực tuyến. Với sự thay đổi này, khách hàng của EVN Finance chỉ cần 3-5 phút cho tất cả các khâu từ tải app, kê khai cho đến khi được phê duyệt”, ông Sỹ chia sẻ.
Đại diện EVN Finance chỉ ra rằng, đối với doanh nghiệp, có hai lợi ích khi ứng dụng công nghệ và Big Data.
Thứ nhất, việc ứng dụng công nghệ để phân tích dữ liệu mang lại sự nhanh chóng, tiện lợi cho khách hàng, khi cần có thể rút tiền ngay, tiêu dùng ngay, qua đó nâng cao trải nghiệm khi sử dụng dịch vụ.
Thứ hai, về phía doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở việc giải quyết nhu cầu của khách hàng, đó còn là nâng cao năng suất lao động.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Sỹ đề cập đến câu chuyện thẩm định hồ sơ của khách hàng. Thông thường, tại các công ty tài chính, tổ chức tín dụng, sau khi tiếp nhận thông tin từ admin (trợ lý kinh doanh), bộ phận tín dụng sẽ phải gọi điện cho khách hàng để xác minh thông tin và xác định hồ sơ của khách hàng có đủ điều kiện cấp khoản vay hay không. Tuy nhiên, tại EVN Finance, hiện nay, gần như tất cả các tác vụ thẩm định đều được thực hiện trên cơ sở Big Data.
“Chúng tôi thực hiện phân tích tình hình tài chính của khách hàng trên cơ sở các dữ liệu của họ có trên hệ thống dữ liệu. Ví dụ như khi đánh giá thông tin thu nhập của khách hàng, hệ thống sẽ đối chiếu với thu nhập vùng theo số liệu Tổng cục Thống kê”, ông Sỹ mô tả. “Sự chuyển mình” này của EVN Finance, theo vị lãnh đạo này, đã làm số lượng khách hàng tăng gấp 4 lần. Trong khi đó, số lượng nhân sự giảm 40% mà năng suất lao động vẫn được nâng cao.
“Nếu như trước đây chúng tôi cần 400 nhân sự để quản lý 1 triệu khách hàng thì đến nay chỉ cần khoảng 90 - 100 người cho số lượng khách nhiều gấp 4. Thậm chí, Big Data còn được ứng dụng vào cả khâu chăm sóc khách hàng. Ứng dụng công nghệ giúp năng suất lao động tăng, trải nghiệm khách hàng tăng. Đối với doanh nghiệp, big data chính là tiền”, đại diện EVN Finance nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Sỹ cũng nói thêm về cuộc đua chuyển đổi số của ngành tài chính ngân hàng.
Theo ông Sỹ, một trong những yếu tố đẩy nhanh tốc độ của cuộc đua này là đại dịch Covid. Thời điểm đó, việc phong tỏa xã hội khiến khách hàng không thể rút tiền, không thể mở tài khoản nhưng nhu cầu thì có nhiều. Điều này đã khiến các ngân hàng bắt đầu ứng dụng eKYC (định danh khách hàng điện tử).
Ông Sỹ cho biết, trên thực tế, eKYC đã được EVN Finance triển khai từ trước đó 1 năm. Từ trước Covid tới nay, dịch vụ này vẫn mang lại trải nghiệm tốt. Nhờ đó, lượng khách hàng duy trì tài khoản và khách hàng mới đều tăng.
“Tôi cho rằng, điều “giữ chân” khách hàng là sự tiện ích, giải quyết nhu cầu nhanh chóng”, ông Sỹ khẳng định. Theo đó, việc nâng cao trải nghiệm, cải thiện chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng cũng là một trong những yếu tố khiến cho xu hướng ứng dụng công nghệ và Big Data ngày càng trở nên phổ biến trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.