Thị trường

Amazon hé lộ mục đích thực sự khi đến Việt Nam

(VNF) - Đại diện Amazon cho biết công ty này đang tìm kiếm các nhà sản xuất, các nhà xuất khẩu tại chỗ ở Việt Nam, chứ chưa có kế hoạch hiện diện ở Việt Nam.

Amazon hé lộ mục đích thực sự khi đến Việt Nam

Amazon vẫn chưa đến Việt Nam.

Sau khi tấn công thị trường Singapore vào năm ngoái, Việt Nam là đích đến tiếp theo của "ông trùm" bán lẻ Amazon tại thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á. Đã có thông tin cho rằng, ngày hôm nay (14/3), tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2018), Amazon sẽ chính thức "trình làng" bằng việc chia sẻ chiến lược cụ thể phát triển mảng bán hàng của Amazon tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình tại VOBF, ông Gijae Seong (Giám đốc bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore) chỉ đề cập đến việc hãng này đang tìm kiếm các nhà sản xuất, các nhà xuất khẩu tại chỗ ở Việt Nam, chứ chưa hé lộ kế hoạch hiện diện ở Việt Nam.

Vị đại diện này cho hay, Amazon sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam bán hàng trên Amazon thông qua dịch vụ Fulfillment by Amazon (FBA). Theo đó, khi có đơn hàng, Amazon sẽ đóng gói, vận chuyển cho khách. Các doanh nghiệp, người bán chỉ cần gửi hàng sang kho cho Amazon. Nhà sản xuất Việt chỉ cần tập trung sản xuất, tìm kiếm khách hàng, về kho lưu trữ hay vận chuyển, Amazon sẽ đảm trách.

Cũng theo chia sẻ từ đại diện Amazon, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận với khách hàng thế giới, ngay sau sự kiện VOBF 2018, Amazon sẽ hợp tác với Hiệp hội thương mại điện tử (VECOM) tổ chức đào tạo về cách bán hàng cho các doanh nghiệp, cá nhân đang kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam.

Đồng thời, nhà bán lẻ trực tuyến này xây dựng đội ngũ ngũ viên hỗ trợ tại Đông Nam Á để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trên nền tảng Amazon.

Trả lời báo chí bên lề chương trình, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cũng khẳng định, Amazon không về Việt Nam như mọi người vẫn nghĩ. Thực tế, Amazon chỉ thông qua VECOM để hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên Amazon bằng cách cung cấp các công cụ, kiến thức và chuyên gia trong ngành.

"Bản thân Hiệp hội cũng đã khẩn trương đính chính thông tin này để mọi người không bị hiểu nhầm", ông Dũng cho hay.

Trước đó, một số thông tin cho biết Amazon sẽ vào kinh doanh tại Việt Nam khiến nhiều người cảm thấy hào hứng, vì đây là hãng thương mại điện tử lớn nhất hành tinh.

Nhiều thông tin cũng cho rằng việc hãng bán lẻ trực tuyến của Mỹ Amazon gia nhập thị trường Việt Nam là "đòn tấn công trực diện" tới hãng bán lẻ Trung Quốc Alibaba trong cuộc cạnh tranh mảng thương mại điện tử.

Alibaba đã chính thức đổ bộ vào Việt Nam từ năm 2017, thu hút hàng chục nghìn doanh nghiệp Việt Nam là thành viên chỉ trong nửa năm, trong đó có hàng nghìn thành viên vàng. Trong khi đó, theo khảo sát mới nhất, chỉ có khoảng 200 công ty Việt Nam đang rao bán các sản phẩm của họ trên nền tảng Amazon.

Các nhà phân tích của tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật Bản) mới đây cũng nhận định, việc thâm nhập thị trường Việt Nam cho thấy Đông Nam Á đang là trọng tâm trong các kế hoạch mở rộng của Amazon.

Bằng chứng là việc Amazon đặt chân vào cả Singapore và Việt Nam trong một thời gian khá ngắn. Điều này cho thấy, Amazon đã có kế hoạch lớn với Đông Nam Á - khu vực có doanh số giao dịch thương mại điện tử tăng trưởng ngoạn mục hiện nay, với dự kiến đạt 88 tỷ USD vào năm 2025, so với mức 11 tỷ USD năm 2017.

Tin mới lên