Australia đa dạng hóa nền kinh tế để đối phó với một Trung Quốc ‘hung hăng’ hơn
Minh Đăng -
06/09/2021 11:57 (GMT+7)
(VNF) - Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg cho biết nước này phải áp dụng một chiến lược quốc gia mới để giúp nền kinh tế và doanh nghiệp kiên cường hơn trước sức ép ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Phát biểu tại một diễn đàn các nhà lãnh đạo tại Đại học Quốc gia Australia ngày 6/9, ông Frydenberg cho biết Trung Quốc thời gian gần đây đang “chĩa mũi nhọn” vào nền kinh tế của Australia.
“Một Trung Quốc hung hăng hơn có nghĩa là Australia phải áp dụng một chiến lược quốc gia mới để giúp nền kinh tế và doanh nghiệp kiên cường hơn trước sức ép ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong một kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới”, ông Frydenberg nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Tài chính Australia cho biết bộ này đang hối thúc các doanh nghiệp trong nước tăng cường khả năng phục hồi kinh tế bằng cách tập trung vào các thị trường xuất khẩu khác ngoài Trung Quốc để "chống chọi với bất kỳ cú sốc nào mà chúng tôi có thể phải đối mặt”.
Cách tiếp cận mới, được gọi là “China-plus”, nhằm đảm bảo sự điều chỉnh lâu dài, trong đó các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, củng cố chuỗi cung ứng, đầu tư vào an ninh mạng và giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
“Dù Trung Quốc gần đây đã tìm cách nhắm mục tiêu vào nền kinh tế của Australia khiến chúng ta phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng nhưng Australia sẽ luôn kiên định trong việc bảo vệ chủ quyền và các giá trị cốt lõi”, ôg Frydenberg khẳng định.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã leo thang căng thẳng từ năm 2018 khi Australia không cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G vì lý do an ninh.
Sang năm 2020, căng thẳng tiếp tục được nâng lên khi Australia thúc đẩy điều tra nguồn gốc Covid-19 và bác yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế suất cao hoặc cấm nhập khẩu ít nhất 13 ngành hàng của Australia gồm lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, du lịch, trường đại học, rượu, lúa mì và len.
Dỳ vậy, bất chấp diễn biến trên, Australia đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 149 tỷ AUD (111 tỷ USD) sang Trung Quốc trong 12 tháng tính đến tháng 3/2021, chỉ giảm 0,6% so với cùng kỳ trước đó.
Ông Frydenberg cũng cho biết các nhà xuất khẩu của nước này đã chứng tỏ "khả năng phục hồi đáng kể" và rằng "bất chấp các hành động trên phạm vi rộng của Trung Quốc, nền kinh tế của chúng ta vẫn tiếp tục hoạt động rất mạnh mẽ".
Theo người đứng đầu Bộ Tài chính Australia, nhiều công ty và ngành hàng nằm trong mục tiêu hạn chế thương mại của Trung Quốc cũng đã thành công trong việc chuyển hướng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác.
Trong quý II, rhặng dư thương mại của Australia đạt mức kỷ lục 28,9 tỷ USD, được thúc đẩy bởi giá hàng hóa kỷ lục bao gồm cả quặng sắt, mặt hàng mà Trung Quốc vẫn là khách hàng số 1.
Không giống như rượu và than đá, Trung Quốc sẽ rất khó tìm được nguồn cung quặng sắt mới trong thời gian ngắn. Điều đó có nghĩa là nguồn thu thương mại lớn nhất của Australia từ xuất khẩu quặng sắt vẫn có thể được đảm bảo.
Nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc tăng lên khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và phục hồi kinh tế kích thích các ngành công nghiệp phát triển.
Ông Frydenberg cũng cho biết tỷ lệ thất nghiệp của Australia đã giảm xuống 4,6% trong tháng 7, mức thấp nhất trong khoảng 13 năm.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.