Bà Cao Thị Ngọc Dung: Người đàn bà 'học' và trách nhiệm truyền lửa ở PNJ
(VNF) - Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance khi doanh nghiệp do mình lãnh đạo đã có mức doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) nhìn nhận: “PNJ chưa phải là tập đoàn lớn. Theo lộ trình, đến giai đoạn 2027- 2030, PNJ sẽ hoàn thành bức tranh đa ngành đúng nghĩa”.
Khát vọng tập đoàn đa ngành
Bà Cao Thị Ngọc Dung khẳng định PNJ đã, đang và sẽ luôn hướng đến cái đẹp. Công ty xuất phát một đơn vị sản xuất trang sức, tiếp đến trở thành doanh nghiệp bán lẻ để bán hàng mình làm ra. Hàng chục năm qua, PNJ đã xây nền móng, tạo dựng uy tín, niềm tin với người tiêu dùng để khẳng định vị trí hàng đầu trong ngành bán lẻ trang sức. Hiện nay và tương lai, PNJ vẫn tiếp tục quan tâm đến sản phẩm làm đẹp. “Mục tiêu của đội ngũ chúng tôi hiện nay là phát triển PNJ thành tập đoàn về sản phẩm dịch vụ làm đẹp cho con người và cuộc sống (bao gồm tất cả cái đẹp liên quan đến lifestyle)”, bà Dung khẳng định.
Với tầm nhìn trở thành công ty hàng đầu châu Á về chế tác trang sức và bán lẻ sản phẩm tôn vinh vẻ đẹp, vươn tầm thế giới, PNJ chọn sứ mệnh không ngừng sáng tạo để mang lại những sản phẩm tinh tế với giá trị thật nhằm tôn vinh vẻ đẹp cho con người và cuộc sống. Bà Dung nói rõ hơn, PNJ sẽ không giới hạn trong sản phẩm trang sức, mà mở sản phẩm ra tất cả những gì liên quan đến “đẹp”, đó là tầm nhìn dài hạn về tâm hồn, về giáo dục, về y tế…
Quá trình tăng trưởng của PNJ thời gian qua theo cách “đi chậm và chắc, huấn luyện đội ngũ nền tảng” một cách bài bản. Trong hành trình đã qua, bà Dung chia sẻ, “trước chưa hiểu rõ về bán lẻ, bán lẻ không phải là bán sản phẩm, bán lẻ phải hiểu rộng là cung ứng trực tiếp đến người tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu của họ”. Ngay ở nấc thang năm 2024 này, PNJ đã và tiếp tục quy tụ đội ngũ nhân sự trẻ, giỏi từ các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn, nhằm hình thành nguồn nhân lực đa dạng hơn.
Bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết, “PNJ đã đi từ đơn vị kinh doanh nhỏ, đến vừa vừa, nhưng hiện nay dù doanh thu lên đến vài chục nghìn tỷ đồng thì vẫn chưa đủ lớn”. Nhiều người gọi PNJ là tập đoàn, thực tế PNJ chưa coi mình là tập đoàn, mà vẫn là đang trong tiến trình xây dựng. “Một tập đoàn, cần đa ngành hơn, đa ngành trong cái đẹp của phong cách sống (lifestyle)”.
Trong quá khứ, PNJ đã từng phát triển đa ngành (gồm có trang sức, bất động sản, năng lượng, sản xuất thực phẩm, xe). Hiện tại và tương lai, việc đa ngành của PNJ chỉ phát triển trong định hướng phục vụ cái đẹp. Theo lộ trình, đến giai đoạn 2027- 2030 PNJ sẽ hoàn thành bức tranh đa ngành đúng nghĩa.
Khởi đầu nan
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, là biểu tượng xuất sắc của ngành trang sức Việt Nam. Bà cũng được vinh danh trong top 40 biểu tượng kim hoàn thế giới.
Sinh năm 1957 tại Quảng Ngãi, bà Cao Thị Ngọc Dung thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế TP. HCM năm 1979. Tới năm 1982, bà tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế thương nghiệp tại đây, sau đó chính thức bắt đầu công việc đầu tiên tại Công ty Thương nghiệp tổng hợp Phú Nhuận. Trong những năm tháng làm việc, bằng sự nhanh nhẹn, nhạy bén và sẵn sàng đổi mới bản thân, bà được cấp trên và đồng nghiệp tin tưởng, liên tục được tiến cử, đề bạt với nhiều vị trí khác nhau.
Hành trình dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý của bà Dung bắt đầu từ năm 1988, khi ấy bà đang là trưởng phòng kế hoạch Công ty Nông sản – Thực phẩm quận Phú Nhuận. Bà được bổ nhiệm làm giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận với vỏn vẹn 20 người và tài sản bằng 7,4 lượng vàng.
Nhưng chỉ trong vòng bốn năm, bà đã biến nguồn vốn ít ỏi này trở thành một công ty vàng trang sức có tiếng trên toàn quốc. Năm 2006, bà là người đầu tiên ở Việt Nam mời Richard Moore - Giám đốc sáng tạo của Công ty Richard Moore Asociate (Mỹ) về Việt Nam giúp PNJ xây dựng thương hiệu nữ trang cao cấp CAO Fine Jewellery. Hiện PNJ có hơn 7.000 nhân viên với hơn 450 chi nhánh trên toàn quốc, giá trị vốn hóa ước tính hơn 26.000 tỷ đồng.
Nhớ lại thời điểm cuối những năm 80, bà Dung cho hay, khi ấy, hầu hết các công ty vàng bạc của thành phố và quận huyện ra đời đều đi theo mô hình hợp tác với tư nhân, nhưng bà thì hoàn toàn ngược lại. Công ty của bà không hề đi theo số đông, dù có ý kiến cho rằng quyết định này của bà có thể đem đến tổn thất lớn cho công ty.
Mặc những lời ra tiếng vào tiêu cực, bà vẫn dắt dẫn con thuyền PNJ năm ấy theo đúng quyết sách bản thân đã hoạch định và tới năm 1992, khi nhà nước chính thức cho tư nhân kinh doanh vàng, trong bối cảnh làn sóng các nhà buôn bỏ đi kinh doanh riêng, mô hình của công ty mà bà Dung táo bạo thực hiện đã chứng minh được tầm nhìn đúng đắn của bà. Trong bối cảnh các doanh nghiệp nhà nước chật vật, điêu đứng thì PNJ vẫn trụ vững, thậm chí còn nổi lên như một ngôi sao bởi không hề bị phụ thuộc. Bên cạnh việc có xí nghiệp kim hoàn riêng, công ty còn có được đội ngũ thợ chế tác kim hoàn đã đồng hành, sát cánh từ những ngày đầu tiên.
Dấu mốc năm 1992 không chỉ là năm bà chứng tỏ được tầm nhìn của bản thân mà đây còn là một năm đầy thách thức khi thành phố giới thiệu cho công ty của bà một đối tác tại Úc với mục đích thành lập công ty liên doanh sản xuất trang sức theo hướng công nghiệp hóa.
Với bản tính cẩn thận và cầu toàn, bà Dung đã chủ động đề nghị lãnh đạo quận Phú Nhuận sang nước bạn để tận mắt chứng kiến người thật việc thật xem họ kinh doanh thế nào mới quyết định có liên doanh hay không. Sau khi học hỏi mô hình tại nước bạn, bà càng chắc chắn, cương quyết hơn với việc thế giới làm được thì bà cũng sẽ làm được, do đó nữ doanh nhân không đồng ý việc liên doanh với doanh nghiệp ngoại quốc.
Nữ giám đốc này đã cho nhập máy móc để có những sản phẩm công nghiệp đầu tiên cho ngành kim hoàn Việt Nam. Có thể nói đây là giai đoạn hết sức khó khăn với bà và toàn thể cán bộ, công nhân viên của công ty. Khó từ khâu sản xuất, khó từ những ý tưởng chưa từng có ai làm và khó cả từ áp lực để chứng tỏ được vị thế của ngành kim hoàn Việt Nam trước những hoài nghi của biết bao con người. Nhưng cuối cùng bằng sự đồng sức, đồng lòng, bà và công ty đã vượt qua sóng gió. Đây được coi là bước đệm lớn đưa tên tuổi của PNJ rực sáng hơn.
Kiên cường, vượt qua chính mình, PNJ ra đời trong lúc nền kinh tế khó khăn như vậy mà từ một cửa hàng, tiến lên một công ty chỉ trong vòng 4 năm (từ 1988 đến 1992) đã có tiếng tăm trên cả nước. Đây là nền tảng để đến giai đoạn khó khăn của cả nền kinh tế, đợt suy thoái năm 1997, PNJ không những trụ vững mà còn vươn lên thành công ty vàng trang sức đứng đầu cả nước.
Những năm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2011, PNJ tiếp tục cho thấy bản lĩnh khi cổ phần hóa và tăng trưởng gấp nhiều lần. Trong các năm 2015 – 2017, PNJ đều tăng trưởng ở mức trên 20%. Sức sống mạnh mẽ của doanh nghiệp thể hiện rõ nét trong giai đoạn Covid-19 khi hầu hết các công ty đều cắt giảm lương, cắt giảm lao động thì PNJ lại tăng lương, tăng số lượng cửa hàng và tăng trưởng gần 20%, đặc biệt năm 2022 tăng trưởng tới 70%.
Kết quả gần đây nhất, năm 2023, doanh thu thuần của PNJ đạt 33.137 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.971 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm trước. Đây là kết quả của việc không ngừng chiếm lĩnh thêm thị phần, gia tăng khách hàng mới, mở rộng mạng lưới, tung ra sản phẩm đa dạng và tiếp cận khách hàng bằng nhiều sáng kiến kinh doanh tiếp thị.
Không phải bỗng chốc nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung có được một cơ ngơi đồ sộ như ngày hôm nay. “Người đàn bà thép” của ngành kim hoàn Việt đã từng trải qua giai đoạn thăng trầm với biết bao sóng gió. Thời điểm cuối năm 2000, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, bà Dung được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Những tưởng sẽ suy sụp, tuyệt vọng như bao người bệnh khác, nhưng bà có phần bình tĩnh và lạc quan hơn. Bằng nghị lực sống và niềm lạc quan của bản thân, cùng tâm thái an nhiên, tích cực phối hợp điều trị, bà Dung đã vượt qua căn bệnh quái ác này.
Năm 2015, sự kiện Ngân hàng Đông Á nổ ra, nhiều người đã nghĩ rằng chắc chắn PNJ phải gặp khó khăn lớn do liên quan đến cá nhân lãnh đạo và PNJ cũng là cổ đông lớn của ngân hàng này. Song, bằng bản lĩnh thương trường, bằng sự mạnh mẽ, bình tĩnh được tôi luyện suốt bao năm tháng của một người lãnh đạo, nữ doanh nhân vẫn vững tay chèo cầm lái con thuyền PNJ vượt giống bão, tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong sân chơi vàng bạc trang sức.
Tính đến nay, cùng với PNJ, bà Cao Thị Ngọc Dung đã có hơn 35 năm liên tục đương đầu với sóng gió, bứt phá vươn lên trước những thăng trầm, vượt qua biến cố lớn trong đời để đưa PNJ hiện thực hóa giấc mơ trở thành doanh nghiệp hàng đầu như bà kỳ vọng.
Người đàn bà “học”
Người đàn bà “học”là cụm từ mà nhà báo Vũ Kim Hạnh và nhiều người khác đã dùng khi viết về doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung. Những năm tháng trên cương vị là người thuyền trưởng, chịu trách nhiệm dẫn dắt cả một con thuyền, bà Dung chưa bao giờ ngưng bồi đắp tri thức. Bà luôn tự học, làm dày thêm những kiến thức về chuyên ngành vàng bạc, đá quý để thấu hiểu hơn về lĩnh vực mà bà đang điều hành. Bà luôn là người lãnh đạo đi đầu, tiên phong trong việc học hỏi công nghệ, kỹ năng từ những nước đang phát triển. Nữ giám đốc luôn sẵn sàng chiêu mộ thêm nhiều chuyên gia tư vấn nước ngoài từ Hội đồng Vàng thế giới về để cùng bà thực hiện hóa việc xây dựng thương hiệu nữ trang cao cấp.
Bà Dung nhìn nhận: “Đúng là tôi thích học thật. Học miệt mài. Nhiều diễn đàn của các bạn trẻ mình cũng chui vô, nhiều khi người ta không mời mình cũng tìm cách đến để mình nghe. Tại vì tôi thấy trong cuộc đời này mình không thể ngừng học được, vì ngừng học là mình tụt lại ngay. Ở tuổi này rồi mọi người thấy mình vẫn sáng suốt, vẫn có thể tiếp cận được với những thứ mới mẻ, lý do không có gì cả, chỉ là vì mình luôn học thôi. Tôi không chỉ học trong sách vở, trong trường lớp. Trrường đại học thực ra chỉ dạy cho mình những kiến thức nền tảng. Tôi cũng từng học một khóa nghiên cứu sinh để làm tiến sĩ, thì cũng chỉ học những điều căn bản nhất”.
Bà kể lại, “trong cuộc đời, mình học được vô vàn thứ, học trong cuộc sống hàng ngày, học bạn bè trong công việc. Chính ra, điều mà tôi cảm thấy lý thú nhất là mình học ngay từ đội ngũ cán bộ, công nhân viên của mình, nhất là trong những năm gần đây. Nhiều lúc tôi nói, phải ‘nhũn não’, phải căng ra để học các bạn trẻ. Tất nhiên, các bạn có ưu thế từ những kiến thức mới, công nghệ mới mang từ các trường đại học về nhưng lại thiếu kinh nghiệm, còn mình khi mình nghe các bạn, cộng với kinh nghiệm của mình, chắc chắn mình sẽ nảy sinh ra được một cái gì đó có giá trị cho công việc. Đó là điều rất lý thú. Nhưng không chỉ các khóa học, hội thảo, diễn đàn hay sách vở, tôi còn học qua các chuyến đi, qua việc tiếp xúc với những nông dân. Những câu nói, những suy nghĩ mộc mạc của họ cũng là thứ để mình học. Tôi quan niệm rằng ngày nào mình còn sống, còn làm việc là còn phải đọc, phải học. Thời đại ngày nay, mình chỉ cần lơ là chút xíu, không chịu học hỏi là bị thụt lùi về phía sau ngay”.
Trách nhiệm chuyển giao, truyền lửa
Hiện nay, bà Cao Thị Ngọc Dung đã không tham gia điều hành trực tiếp PNJ. Vai trò chủ tịch chính là người định hướng, quản trị và đào tạo đội ngũ kế thừa. Mà trong đó, điều mà quan tâm nhất là chuyển giao kinh nghiệm cho đội ngũ trẻ, những người đã đủ giỏi về kỹ năng, chuyên môn, kiến thức mới. Bà nói: “Trách nhiệm của tôi giờ đây là giữ gìn và truyền lửa văn hóa doanh nghiệp để thế hệ tiếp theo nối tiếp và phát triển vững chắc”.
Bà Dung cho biết, đến giờ phút này, những người đi đầu, những người sáng lập hầu như không còn, chỉ còn bà và một người nữa trong đội ngũ lãnh đạo. Thế hệ các cửa hàng trưởng cũng nhiều người đến tuổi nghỉ hưu và cũng đã nghỉ rất nhiều. Người ta hay nói chuyển giao thế hệ như vậy sẽ có nhiều xáo động, nhưng ở PNJ rất nhịp nhàng, theo từng bước, F1 - F2.
Ở PNJ, tất cả đóng góp của các bạn bất kể trẻ hay kì cựu thì đều được ghi nhận. Đó cũng là một nét văn hóa của PNJ, văn hóa doanh chủ, tức là mọi sự đóng góp đều được ghi nhận và được tưởng thưởng ngay. Điều này ngược lại cũng sẽ kích thích thế hệ trẻ cống hiến, bởi thế hệ trẻ bây giờ cần sự chia sẻ, sự công nhận rõ ràng, không như thế hệ cũ. Ở PNJ, nhân sự có làm và có hưởng, có tên ngay trên thành quả của mình, đó là động lực để nhân sự cống hiến và sáng tạo.
Bà Dung tin rằng với thế hệ mới, PNJ sẽ còn đột phá hơn nữa. Có thể PNJ sẽ vượt qua lằn ranh chỉ là doanh nghiệp chuyên trang sức để trở thành một công ty về bán lẻ, hướng tới cái đẹp và những giá trị đẹp. Bà nói: “Tôi có niềm tin mãnh liệt với thế hệ kế thừa của PNJ. Với đà tiến này thì có lẽ đến lúc kỷ niệm 40 năm của PNJ sẽ không còn nhắc đến câu chuyện mở đường nữa mà hoàn toàn là một thế hệ mới”.
Trong kế hoạch hàng năm của PNJ, sau kế hoạch kinh doanh bao giờ cũng có các kế hoạch cho cộng đồng. “Triết lý kinh doanh của PNJ là đặt lợi ích của khách hàng, lợi ích xã hội vào trong lợi ích của doanh nghiệp”, bà Dung chia sẻ, “Thứ PNJ có nhiều nhất không phải là tiền, mà là văn hóa chia sẻ, văn hóa cộng đồng. Và tôi tin tất cả những con người ở PNJ đều thấm nhuần văn hóa đó. Vào những thời điểm mà người ta nghĩ rằng PNJ khó khăn nhất, thì cũng là lúc con người PNJ vượt lên, phát huy được sự năng động, sáng tạo và nhất là tính kiên cường, tinh thần tiên phong của mình. Đó chính là văn hóa của PNJ, là tinh thần của con người PNJ”.
Bà Dung nói, PNJ có một “niềm tin không gì là không thể”, trong bất kỳ khó khăn nào cũng có thể tìm ra một con đường để đi.
Mùa cưới tới gần, giá vàng lên cao, cổ phiếu PNJ tăng kịch trần
- Bản sắc Phạm Nhật Vượng 13/10/2024 08:30
- Khát vọng của vua thép Trần Đình Long 13/10/2024 10:00
- Nữ tỷ phú và ước mơ kết nối Việt Nam với thế giới 13/10/2024 11:00
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.