Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 6 năm thiết lập và triển khai quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ Việt – Mỹ chứng kiến những bước phát triển tích cực, thực chất trên tất cả các lĩnh vực và trên cả bình diện song phương lẫn đa phương.
Kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, VietnamFinance có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan để nhìn nhận rõ hơn về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa 2 quốc gia:
- Thưa bà, nhìn lại 25 năm qua, bà có thể đưa ra đánh giá chung về mối quan hệ giữa 2 quốc gia?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi đánh giá trong 25 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã có bước phát triển vượt bậc.
Nếu như phải mất một thời gian khá dài sau chiến tranh, hai bên mới có thể bình thường hoá quan hệ thì sau khi bình thường hoá, quan hệ 2 bên đã đã có những bước phát triển rất nhanh chóng trên nhiều mặt.
Điều này chứng tỏ tiềm năng quan hệ giữa 2 bên cực kỳ to lớn và 2 bên có rất nhiều lợi ích phù hợp với nhau.
Ngay cả thời điểm bây giờ, nhiều khi nhìn lại, tôi còn không thể tưởng tượng nổi tốc độ phát triển và quy mô phát triển giữa 2 nước lại lớn như hôm nay.
- Trong bối cảnh quan hệ giữa nhiều quốc gia trên thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, thậm chí có những quốc gia rất căng thẳng với nhau, bà có thể đánh giá về triển vọng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ?
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ diễn ra trên rất nhiều mặt. Ví dụ về mặt kinh tế, tôi đánh giá quan hệ thương mại và đầu tư của 2 bên đều rất tốt đẹp.
Cụ thể, thương mại 2 nước đến thời điểm hiện tại đã tăng gấp hàng trăm lần so với trước khi bình thường hoá. Còn về đầu tư, tổng số vốn đầu tư của Mỹ ở Việt Nam cũng là một con số rất lớn.
Điều đáng mừng là những năm gần đây, đầu tư trực tiếp từ các công ty Mỹ sang Việt Nam ngày càng rộng lớn hơn và đi vào những ngành quan trọng hơn như hạ tầng, năng lượng hoặc một số ngành công nghệ cao. Đây là những bước tiến thể hiện tiềm năng và niềm tin giữa 2 bên càng ngày càng lớn hơn.
Kể cả trong điều kiện thương mại toàn cầu đang có những khó khăn và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại trong khu vực thì quan hệ Việt – Mỹ vẫn vượt qua được để tiếp tục phát triển hơn nữa.
Tôi cho rằng từ quan hệ thuần tuý về thương mại hoặc đầu tư thì sau này các nhân tố như trao đổi về con người, trao đổi về công nghệ… sẽ là những điều rất đáng quý.
Bên cạnh mối quan hệ trực tiếp giữa 2 bên, một khía cạnh khác cũng quan trọng không kém là việc Mỹ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam đã thổi một luồng gió mới và tạo động lực mới cho các nước khác sẽ tích cực tham gia đầu tư vào Việt Nam hơn.
Rõ ràng, trước khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, nhiều công ty của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và khối châu Âu… đều rất ngần ngại trong việc làm ăn với Việt Nam, vì sợ vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.
Tuy nhiên khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận và thiết lập bình thường hoá quan hệ thì đây là tín hiệu mở đường cho các công ty ở các quốc gia khác vào Việt Nam.
Ngay cả khi vào Việt Nam, các doanh nghiệp này cũng nhắm tới việc phát triển các mặt hàng để xuất khẩu sang Mỹ. Chúng ta có thể nhìn thấy một loạt các dự án đầu tư như dệt may, da giày… doanh nghiệp không nhằm mục đích khai thác thị trường nội địa Việt mà họ nhắm tới thị trường Mỹ.
Có thể nói, khi Mỹ mở cửa với Việt Nam thì các nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh dạn chọn Việt Nam làm tổ, làm cứ điểm để đầu tư. Cũng chính mối quan hệ này đã tạo động lực, tạo sức hút cho Việt Nam thu hút đầu tư từ các nước khác trên thế giới.
- Với tầm quan trọng như vậy, bà nghĩ sao về triển vọng hai bên nâng cấp mối quan hệ?
Tôi hoàn toàn mong muốn và ủng hộ việc này. Xét về tầm cỡ và tầm quan trọng, tôi cho rằng quan hệ với Mỹ hoàn toàn không thua kém bất kỳ quan hệ với một quốc gia lớn nào khác mà chúng ta đang là đối tác chiến lược. Thậm chí, xét về nhiều mặt, thái độ của Mỹ còn tích cực hơn so với một số nước khác mà Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược.
Chính vì vậy, nếu để phát triển lâu dài, cùng với việc đảm bảo an ninh, quốc phòng của Việt Nam, cũng như để cân bằng quan hệ với các nước lớn trong khu vực cũng như thế giới, đặc biệt và với những nước vốn đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược nhưng thực chất lại rất phức tạp và có những mối đe doạ với Việt Nam thì việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ cần được Việt Nam xem xét.
Khi 2 nước đã trở thành đối tác chiến lược với nhau, tôi tin là dòng đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam sẽ càng mạnh mẽ hơn, nhất là đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm như dầu khí. Bên cạnh đó, niềm tin của các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ được củng cố, họ sẽ yên tâm hơn khi rót tiền vào Việt Nam.
Tóm lại, chúng ta cần xem xét cả về lợi ích kinh tế, cả về lợi ích an ninh, quốc phòng và lợi ích nhiều mặt, nhất là trong mối quan hệ tổng hoà giữa Việt Nam với các đối tác khác nhau trên thế giới.
- Thưa bà, như đã nói ở trên, trong bối cảnh nhiều biến động về kinh tế và chính trị trên thế giới đang xảy ra, Việt Nam nên ứng xử như thế nào trong mối quan hệ với Mỹ và các nước lớn trong việc bảo đảm chủ quyền, hòa bình và thịnh vượng?
Theo tôi, việc quan trọng nhất là Việt Nam phải giữ được mối quan hệ cân bằng giữa các đối tác với nhau, không thiên về bên nào. Bởi trong bất cứ mối quan hệ nào, với quốc gia nào thì ưu tiên hàng đầu vẫn là lợi ích của bản thân Việt Nam.
Chính vì vậy, Việt Nam rất cần giữ quan hệ cân bằng, nhưng cân bằng cũng mang tính chất hỗ trợ được Việt Nam về nhiều mặt, kể cả trong những vấn đề phức tạp và nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.
Chúng ta không nên vì giữ mối quan hệ hữu hảo với những quốc gia thách thức, đe doạ chúng ta về an ninh, quốc phòng… mà nhún nhường với họ, bởi chúng ta càng nhún thì họ càng lấn tới. Đó cũng là lý do chúng ta cần thêm nhiều đối tác khác như Mỹ để giữ sự cân bằng này được tốt hơn. Đây chính là đối trọng giúp Việt Nam đảm bảo an ninh, quốc phòng tốt hơn.
Trong bối cảnh xung đột giữa Mỹ - Trung, Việt Nam không nhất thiết phải chọn bên nào cả, nhưng quan trọng là chúng ta phải bảo đảm được lợi ích, phải tạo ra được sự cân bằng để bảo vệ được chủ quyền để phát triển.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.