Bắc Ninh: Xây 2 bệnh viện huyện, một đội vốn 3 lần, một đội vốn 6 lần

Lê Nguyễn - 25/05/2020 12:23 (GMT+7)

(VNF) – Hai dự án đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa ở tỉnh Bắc Ninh đều được điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, dẫn đến tổng mức đầu tư tăng vọt.

VNF
Bắc Ninh: Xây 2 bệnh viện huyện, một đội vốn 3 lần, một đội vốn 6 lần

Theo Kiểm toán Nhà nước, dự án đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) đã trải qua 5 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, khiến dự án bị đội vốn gấp 6 lần, từ 21,3 tỷ đồng lên 132 tỷ đồng.

Đây cũng là tình trạng của dự án đầu tư xây dựng công trình bệnh viện đa khoa huyện Yên Phong khi dự án này bị điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 lần, khiến số vốn đầu tư bị đội lên gần 3 lần, từ 55,4 tỷ đồng lên 153,5 tỷ đồng.

Tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư không phải chỉ có ở riêng Bắc Ninh. Theo Kiểm toán Nhà nước, thực trạng này còn diễn ra ở Thái Bình, Tây Ninh. Chẳng hạn như dự án nhà làm việc các cơ quan huyện uỷ - HĐND - UBND huyện Tiền Hải (Thái Bình) bị đội vốn hơn 40 tỷ đồng, từ 65,2 tỷ đồng lên 109,5 tỷ đồng) hay dự án trạm bơm Long Phước A (Tây Ninh), tổng mức đầu tư tăng từ 28,3 tỷ đồng lên 60,3 tỷ đồng.

Ngoài việc đội vốn, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số dự án khác ở một số tỉnh xác định tổng mức đầu tư thiếu chính xác. Cụ thể, dự án xây dựng Trung tâm vì sự phát triển phụ nữ khu vực Bắc Trung Bộ tăng 15,9 tỷ đồng, dự án nhà thể chất Học viện Phụ nữ Việt Nam tăng 3,8 tỷ đồng, dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tăng 30,5 tỷ đồng…

Một số dự án khác bị chỉ rõ là lập chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư thiếu cơ sở, không phù hợp, ví dụ dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tạm tính chi phí dự phòng trượt giá chưa căn cứ quy định làm tăng tổng mức đầu tư 29,4 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư trong năm 2018 tồn tại rất nhiều vi phạm, thiếu sót. Có thể kể đến như: phê duyệt chủ trương đầu tư khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, xác định cơ cấu nguồn vốn không đúng quy định; phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai dự án có diện tích chuyên trồng lúa nước trên 10ha khi chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí phê duyệt chủ trương đầu tư chưa phù hợp với quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

Lập, trình thẩm định, phê duyệt dự án khi chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa đầy đủ thủ tục, không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, không phù hợp với quy hoạch, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt  hoặc không đúng quy định; không lựa chọn phương án tối ưu theo đề xuất của tư vấn thiết kế, thiếu thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng;

Thiết kế bản vẽ thi công chưa tuân thủ thiết kế cơ sở hoặc chưa điều chỉnh thiết kế cơ sở kịp thời; thiết kế chưa hợp lý, chưa tiết kiệm vốn đầu tư, chưa tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật; dự toán duyệt còn sai sót, điều chỉnh dự toán vượt tổng mức đầu tư được duyệt; tình trạng hồ sơ thiết kế chưa chi tiết, đầy đủ, tính toán sai khối lượng, dự toán áp dụng sai đơn giá, thiết kế chưa sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh còn xảy ra tại hầu hết dự án được kiểm toán…

Cùng chuyên mục
Tin khác