Bán lẻ thế hệ mới trên thị trường trăm tỷ USD ở Việt Nam

Thùy Dung - 13/08/2023 13:20 (GMT+7)

(VNF) - Thói quen và sở thích mua sắm đang thay đổi không ngừng. Với quy mô trăm tỷ USD, thị trường bán lẻ Việt Nam đang buộc doanh nghiệp phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên tất cả các kênh. Tích hợp đa kênh được xem là một thế hệ bán lẻ mới mà các DN theo đuổi để cạnh tranh hút khách.

VNF
Ngành kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam đang rất sôi động, kể cả thương mại truyền thống lẫn giao dịch điện tử

Tích hợp đa kênh mua sắm

Theo đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, với sự tham gia đông đảo của cả doanh nghiệp sản xuất trong nước và các nhà bán lẻ nước ngoài, bán lẻ tại Việt Nam đang rất sôi động, kể cả thương mại truyền thống lẫn giao dịch điện tử.

TS Alrence S. Halibas, Giảng viên cấp cao ngành Digital Marketing - Đại học RMIT nhận xét, việc thu hút và giữ chân người tiêu dùng đa kênh (tức người mua sắm trên nhiều kênh trực tuyến và trực tiếp khác nhau) càng ngày càng khó do thói quen và sở thích của người tiêu dùng thay đổi không ngừng, cũng như tính phức tạp của việc tích hợp các kênh khác nhau như cửa hàng thực tế, trang web, ứng dụng mua sắm trên thiết bị di động và mạng xã hội.

Nghiên cứu gần đây cho thấy, có hai hành vi dẫu đối lập nhưng lại bổ trợ lẫn nhau đang lên ngôi, đó là showrooming (tìm kiếm tại cửa hàng thực tế rồi mua trực tuyến) và webrooming (tìm kiếm trực tuyến rồi mua tại cửa hàng thực tế).

Với showrooming, người tiêu dùng ghé thăm một cửa hàng truyền thống thực tế để xem tận mắt và so sánh các sản phẩm, nhưng sau đó sẽ mua sản phẩm trên nền tảng trực tuyến từ một nhà bán lẻ với mức giá thấp hơn. Mặc dù showrooming có lợi cho người tiêu dùng, nó có thể gây bất lợi cho nhà bán lẻ.

Webrooming đối lập với showrooming ở chỗ khách hàng nghiên cứu sản phẩm trực tuyến nhưng sau đó mua hàng ở một cửa hàng thực tế.

Tại Việt Nam, các báo cáo chỉ ra rằng xu hướng mua sắm đa kênh tăng mạnh suốt thời kỳ đại dịch, đặc biệt trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Khi người tiêu dùng Việt dần quen với bán lẻ đa kênh, hình thức này cũng dần trở thành chuẩn mực và xu hướng mới trong ngành bán lẻ.

Các nhà bán lẻ phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên tất cả các kênh. Điều này có nghĩa họ cần cung cấp trải nghiệm mua sắm nhất quán và gắn kết bằng sử dụng các kênh khác nhau, cho phép người tiêu dùng lựa chọn kênh họ yêu thích để nghiên cứu sản phẩm, mua hàng và nhận hàng.

Chẳng hạn, người tiêu dùng ưa chuộng webrooming nên có lựa chọn mua hàng trực tuyến mà không phải chờ giao hàng. Thay vào đó, họ có thể nhận hàng đã mua từ bất kỳ chi nhánh nào gần đó (còn được gọi là click-and-collect hay BOPIS – mua trực tuyến và nhận tại cửa hàng).

Tương tự, nên có lựa chọn trả lại hàng hóa trong cửa hàng thực tế của nhà bán lẻ ngay cả khi sản phẩm được mua trực tuyến (còn gọi là BORIS – mua trực tuyến và trả lại tại cửa hàng). Các nhà bán lẻ có thể tận dụng hành động trả sản phẩm tại cửa hàng để “cứu vãn” đơn hàng (bằng cách đề xuất các sản phẩm tương tự) và tăng lượng người ghé qua cửa hàng thực tế cũng như tăng tương tác trực tiếp với khách hàng.

Hơn nữa, với tính phổ biến ngày càng tăng của thương mại trên mạng xã hội (social commerce) – tức xu hướng các mạng xã hội trở thành nền tảng để bán sản phẩm và dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng – các nhà bán lẻ cũng nên hướng tới cung cấp trải nghiệm mua hàng liền mạch ở các kênh mạng xã hội.

Tại Hoa Kỳ, thị trường giải pháp bán lẻ đa kênh của quốc gia này được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 13,6% trong giai đoạn 2022-2030. Nên có thể khẳng định rằng trong thời kỳ hậu đại dịch, bán lẻ đa kênh vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. Kỳ vọng nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục đổ tiền đầu tư vào các dự án đa kênh để đáp ứng nhu cầu, sở thích và kỳ vọng đang thay đổi của người tiêu dùng.

Công nghệ thay đổi hành vi người tiêu dùng

Theo TS Alrence S. Halibas, “Trong tương lai, các nhà bán lẻ và tiếp thị nên triển khai chiến lược bán lẻ đa kênh tích hợp các kênh truyền thống và kỹ thuật số để mang lại trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng”.

RMIT
TS Alrence S. Halibas, Giảng viên cấp cao ngành Digital Marketing - Đại học RMIT

Đầu tiên, nên nghiên cứu trải nghiệm khách hàng trên tất cả các kênh và điểm chạm, đồng thời xây dựng chiến lược marketing mang lại trải nghiệm khác biệt cho khách hàng. Các nhà bán lẻ cần thể hiện tính linh hoạt và nắm bắt các công nghệ mới nổi để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng.

Chẳng hạn, cung cấp trải nghiệm mua sắm phong phú trên nền tảng di động bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến như thực tế ảo hay thực tế tăng cường, nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID), mã QR, phân tích dự liệu từ hành vi mua sắm trong cửa hàng, metaverse, v.v.

Qua đó, có thể theo dõi chặt chẽ hành trình của người tiêu dùng và quản lý hiệu quả các hành vi showrooming và webrooming.

Ví dụ, chuỗi cửa hàng tạp hóa Hema của Alibaba kết hợp hoạt động bán lẻ trực tiếp và trực tuyến, đồng thời kiêm nhiệm thêm chức năng trung tâm phân phối vi mô hoặc trung tâm giải quyết đơn hàng. Khách hàng có thể sử dụng mã vạch để tìm hiểu thông tin sản phẩm. Họ còn có thể thanh toán trực tuyến bằng hệ thống thanh toán của Alibaba hoặc trực tiếp tại các ki-ốt nhận diện khuôn mặt.

Một ví dụ khác là Trải nghiệm bán lẻ kỹ thuật số của Nike – kết hợp liền mạch giữa cửa hàng bán lẻ thực tế, thương mại điện tử và hành trình của khách hàng trên thiết bị di động.

Sự pha trộn giữa thực tế và kỹ thuật số tạo ra trải nghiệm khách hàng toàn diện và chân thực hơn. Cụ thể, các cửa hàng được trang bị những thiết bị cảm ứng đa điểm cho phép nhiều người dùng một lúc có thể tìm kiếm thông tin sản phẩm và các lựa chọn mua hàng trực tuyến. Trải nghiệm này cũng tích hợp ứng dụng dành cho thiết bị di động để hỗ trợ hành trình của khách hàng, màn hình tương tác thông minh để so sánh sản phẩm và kiểm tra số lượng hàng sẵn có, cũng như các ki-ốt kỹ thuật số nơi khách hàng có thể tùy chỉnh và đặt sản phẩm.

Có thể kỳ vọng rằng các cửa hàng bán lẻ ứng dụng công nghệ cao sẽ xuất hiện tại Việt Nam trong vài năm tới hoặc thậm chí sớm hơn.

Hai là, các nhà bán lẻ nên xem xét triển khai chiến lược đa kênh dài hạn để duy trì sự ưa chuộng của người tiêu dùng và không bị tụt hậu so với đối thủ.

Theo các chuyên gia trong ngành, chiến lược marketing đa kênh không khó - nó chỉ cần mang tính chiến lược và tập trung vào đối tượng người tiêu dùng. Chiến lược đa kênh nên tính đến việc lấy người tiêu dùng làm trung tâm, đồng thời trang bị mạng lưới logistics và chuỗi cung ứng mạnh mẽ cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các kênh.

Báo cáo đầu năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường khoảng 142 tỷ USD và dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP.

 

Cùng chuyên mục
Proparco nâng mức tài trợ cho HDBank lên 100 triệu USD

Proparco nâng mức tài trợ cho HDBank lên 100 triệu USD

(VNF) - Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank - HoSE: HDB) và Proparco (Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp) ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 50 triệu USD.

Ông Nguyễn Minh Hải từ nhiệm, Vietravel Airlines có CEO mới

Ông Nguyễn Minh Hải từ nhiệm, Vietravel Airlines có CEO mới

(VNF) - Hãng hàng không Vietravel (Vietravel Airlines) vừa bổ nhiệm ông Đào Đức Vũ làm tổng giám đốc sau khi ông Nguyễn Minh Hải từ nhiệm.

PV GAS cung cấp giải pháp năng lượng toàn diện thông qua mô hình kinh doanh tích hợp

PV GAS cung cấp giải pháp năng lượng toàn diện thông qua mô hình kinh doanh tích hợp

(VNF) - Với thành công của chuyến tàu đường sắt vận chuyển LNG Nam – Bắc đầu tiên từ ngày 6-9/9/2024 và bắt đầu cấp LNG cho khách hàng công nghiệp từ ngày 11/9/2024, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết đang tiến đến đích hoàn thiện chuỗi cung cấp giải pháp năng lượng toàn diện thông qua mô hình kinh doanh tích hợp.

Gần 1 tỷ USD tái bảo hiểm chuyển ra nước ngoài

Gần 1 tỷ USD tái bảo hiểm chuyển ra nước ngoài

(VNF) - Doanh thu phí bảo hiểm là rất lớn, nhưng tỷ lệ thuận cũng là rủi ro cao, chính vì vậy để an toàn cho chính mình và tuân thủ các quy định của pháp luật, các DNBH phi nhân thọ, DN tái bảo hiểm đều phải nhượng tái ra nước ngoài lên đến cả tỷ USD

Thuê mặt bằng 1,1 tỷ/tháng, Công ty của Thái Công đang  kinh doanh gì?

Thuê mặt bằng 1,1 tỷ/tháng, Công ty của Thái Công đang kinh doanh gì?

(VNF) - Một số môi giới đăng tin tìm người thuê mặt bằng 66 - 68 Hai Bà Trưng (quận 1) trụ sở công ty của Thái Công với giá 1,1 tỷ đồng/tháng. Đại diện Công ty Thái Công cho biết đây là thông tin sai sự thật.

Người dân chỉ mua vào không bán ra, giá vàng miếng SJC tăng mạnh

Người dân chỉ mua vào không bán ra, giá vàng miếng SJC tăng mạnh

(VNF) - Sau 12 ngày bất động, giá vàng miếng SJC bất ngờ tăng 1,5 triệu đồng/lượng, lên 82 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, theo quan sát, hiện nhiều nhà vàng gần như tạm ngừng giao dịch vàng miếng SJC vì không đủ nguồn cung.

Tác động tiềm tàng từ 'cú đánh' lãi suất của Fed

Tác động tiềm tàng từ 'cú đánh' lãi suất của Fed

(VNF) - Cuộc họp chính sách thường kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 17-18/9 sẽ trở thành tâm điểm chú ý của thị trường toàn cầu, khi nhà đầu tư đang trông đợi vào quyết định giảm lãi suất từ ngân hàng trung ương Mỹ.

Cầu Phong Châu bị sập: Bộ Xây dựng yêu cầu Phú Thọ giải quyết sự cố

Cầu Phong Châu bị sập: Bộ Xây dựng yêu cầu Phú Thọ giải quyết sự cố

(VNF) - Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND tỉnh Phú Thọ về việc giải quyết sự cố công trình cầu Phong Châu.

 Cục Thuế chỉ rõ loạt hành vi gian lận, trốn thuế... của Coinco 703

Cục Thuế chỉ rõ loạt hành vi gian lận, trốn thuế... của Coinco 703

(VNF) - Công ty Đầu tư & Xây dựng 703 là nhà thầu giao thông có tiếng vừa bị điểm tên chậm đóng BHXH, gian lận, trốn thuế, khai sai.

Ngư dân Quảng Ninh rơi nước mắt tìm vớt gia tài tiền tỷ tan nát vì siêu bão

Ngư dân Quảng Ninh rơi nước mắt tìm vớt gia tài tiền tỷ tan nát vì siêu bão

(VNF) - Đã 1 tuần sau khi cơn bão số 3 (Yagi) tàn phá tại Quảng Ninh, nhưng đến giờ nhiều ngư dân nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long vẫn chưa thể khắc phục được ngay hậu quả nặng nề. Nhiều người dân mất trắng hàng tỷ đồng.