Thị trường

Bản quyền World Cup 2018: HTV muốn ‘song kiếm hợp bích’ với VTV

(VNF) - Theo nguồn tin từ Đài truyền hình TP. HCM (HTV), hôm nay (7/6), Tổng giám đốc HTV Dương Thanh Tùng sẽ ký văn bản gửi Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) về việc sẵn sàng chia sẻ, hợp tác để mua bản quyền truyền hình World Cup 2018.

Bản quyền World Cup 2018: HTV muốn ‘song kiếm hợp bích’ với VTV

HTV muốn hợp tác với VTV mua bản quyền World Cup 2018

VTV từng “bắt tay” HTV mua bản quyền World Cup

Nguồn tin từ một cán bộ HTV cho biết, năm 2006, VTV đã chủ động mời HTV cùng tham gia chia sẻ bản quyền truyền hình World Cup diễn ra tại Đức với tỷ lệ 2:1. Do VTV có lượng người xem nhiều hơn nên đã gánh 2/3 chi phí mua bản quyền và HTV chịu 1/3.

Tuy nhiên, những mùa World Cup tiếp theo, VTV đã không tiếp tục hợp tác với đài HTV để mua bản quyền. Cũng theo vị cán bộ này, cùng với VTV, HTV hiện nay các đơn vị kinh doanh truyền hình như VTVCab, K+ (của VTV), FPT... đã phát triển nên không có lí nào lại để lỡ World Cup 2018.

NÓNG: VTV ĐÃ MUA BẢN QUYỀN PHÁT SÓNG WORLD CUP GIÁ HƠN 10 TRIỆU USD

Trước câu hỏi “nếu có được bản quyền nhà đài có kịp khai thác quảng cáo để bù vào chi phí bỏ ra hay không?”, vị cán bộ HTV này cũng cho biết là "rất khó".

“Bởi chỉ còn 8 ngày nữa World Cup 2018 sẽ chính thức khởi tranh, trong khi đó các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo cũng cần thời gian để cân đối ngân sách khi quảng bá sản phẩm”, vị cán bộ nói.

Tuy nhiên, vị cán bộ HTV cũng cho biết quan điểm của HTV là bây giờ thà chịu lỗ một chút cũng được để đạt mục tiêu cao hơn là phục vụ khán giả nhằm gầy dựng niềm tin, thương hiệu.

>>> Xem thêm: Xem trực tiếp World Cup 2018 trên kênh nào, ở đâu nếu VTV không có bản quyền?

Nhiều nhà đài trên thế giới cũng “chung chi” mua bản quyền World Cup 2018

Ở các nước láng giềng như Thái Lan hay Singapore, các đài truyền hình cũng hợp tác với nhau để chung chi tiền bản quyền World Cup 2018.

Theo thông tin từ FIFA và báo chí khu vực, hiện chỉ còn Việt Nam là quốc gia duy nhất của Đông Nam Á chưa sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2018.

Mới đây, Chính phủ Myanmar thông báo đã sở hữu gói phát sóng trực tiếp toàn bộ 64 trận đấu ở World Cup 2018 trên kênh truyền hình Sky Net. Ngoài ra, nhà đài Ooredoo còn hợp tác cung cấp gói xem livestream các trận đấu trên app điện thoại cho người dân Myanmar.

Nhiều nhà đài trên thế giới cũng “chung chi” mua bản quyền World Cup 2018.

Trước đó, tháng 4, Thái Lan và Singapore cũng đã đạt được thỏa thuận về bản quyền truyền hình World Cup 2018.

Ở Thái Lan, 9 doanh nghiệp địa phương gồm King Power Group, CP, Thai Beverage, Kasikorn Bank, Bangkok Mass Transit System (BTS), Gulf Energy Development, PTT Global Chemical (PTTGC), Bangchak Corporation và Carabao Dang đã chung tay chi ra 1,4 tỷ baht (khoảng 44 triệu USD) để sở hữu bản quyền phát sóng World Cup 2018.

Nhờ vậy, người dân Thái Lan sẽ được xem trực tiếp toàn bộ các trận đấu ở World Cup 2018 trên 2 kênh truyền hình True Vision và Amarin TV hoàn toàn miễn phí.

Còn ở Singapore, 3 tập đoàn truyền thông Singtel, Starhub và Mediacorp lần đầu tiên bắt tay với nhau để cùng sở hữu gói bản quyền truyền hình World Cup 2018.

Tuy nhiên, người dân Singapore chỉ được xem miễn phí 9 trận đấu ở World Cup 2018 trước khi phải bỏ tiền mua trọn gói phát sóng với giá 84 USD (ở World Cup 2014, người dân Singapore được xem miễn phí 4 trận).

Tại Indonesia, có 3 đài truyền hình cùng chia sẻ bản quyền phát sóng World Cup 2018.

>>> Xem thêm: Lịch thi đấu World Cup 2018 mới nhất, chi tiết nhất của 32 đội tuyển

Bản quyền truyền hình World Cup là một trong những mặt hàng tăng giá “phi mã” trong 3 kỳ gần đây.  Cụ thể, giá bản quyền World Cup năm 2006 do FPT mua là 2 triệu USD, World Cup 2010 là 2,7 triệu USD và số tiền VTV phải trả cho World Cup 2014 là 7 triệu USD.

 

Tin mới lên