Bancassurance khủng hoảng, bán bảo hiểm không còn 'gà đẻ trứng vàng' cho ngân hàng
Minh Dũng -
17/08/2023 10:03 (GMT+7)
(VNF) - Bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) từng được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của các nhà băng khi đem về khoản lãi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, doanh thu từ hoạt động này sụt giảm mạnh, có ngân hàng giảm tới 80-90%.
Doanh thu bán bảo hiểm của nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh
Vài năm gần đây, hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) là một nguồn thu lớn của các nhà băng. Một số ngân hàng thu về hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm từ hoạt động này. Chẳng hạn, MB từng đạt doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng từ bảo hiểm vào năm 2022, chiếm khoảng 72% tổng thu nhập mảng dịch vụ tại ngân hàng này.
Song loạt lùm xùm liên quan đến bancassurance gần đây đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam.
Hệ quả từ cuộc khủng hoảng niềm tin trong ngành bảo hiểm được phản ánh rõ nét trong thu nhập từ bảo hiểm của một số ngân hàng nửa đầu năm 2023.
Trong số 29 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023, chỉ có 8 ngân hàng đưa ra thông tin chi tiết về khoản mục thu nhập từ hoạt động bảo hiểm nằm trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Trong đó, có đến 7 ngân hàng ghi nhận hoạt động này giảm sau 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, MB là ngân hàng liên tục dẫn đầu trong danh sách về hoạt động bảo hiểm trực tiếp sở hữu 2 công ty bảo hiểm là MIC và MB Ageas Life trong cả hai phân khúc nhân thọ và phi nhân thọ đã đóng góp một phần quan trọng vào lợi nhuận ngân hàng này mỗi năm. Doanh thu từ bảo hiểm của MB tăng rất nhanh trong giai đoạn 2019-2022 và giảm tốc trong 6 tháng đầu năm nay.
Báo cáo tài chính quý II của MB đã ghi nhận khoản thu nhập từ hoạt động bán bảo hiểm giảm 17,1% xuống còn gần 4.200 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Nếu trừ đi khoản chi phí cho hoạt động này là 2.600 tỷ đồng, MB lãi được hơn 1.500 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2023, giảm 23%. Cùng kỳ năm ngoái, MB kiếm được gần 5.100 tỷ đồng, trong khi chi phí hơn 3.100 tỷ đồng, thu về lãi thuần từ hoạt động bảo hiểm gần 2.000 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí tiếp theo về doanh thu bảo hiểm là VPBank. Trong nửa đầu năm, VPBank thu về 1.385 tỷ đồng từ dịch vụ bảo hiểm, giảm 8% so với cùng kỳ. VPBank đã ký hợp tác chiến lược lâu dài với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam).
Ba ngân hàng có doanh thu bảo hiểm cao trong hệ thống còn có VIB, Techcombank và TPBank.
Trong nửa đầu năm nay, doanh thu từ bảo hiểm tại VIB, Techcombank và TPBank lần lượt là 315 tỷ đồng, 290 tỷ đồng và 223 tỷ đồng, giảm tương ứng 46%, 53% và 55% so với cùng kỳ.
Hiện VIB hợp tác với Prudential Việt Nam; TPBank đang phân phối bảo hiểm của Manulife và Sun Life; Techcombank ký kết hợp tác chiến lược lâu dài với Công ty Bảo hiểm Manulife.
SeABank và KienlongBank cũng ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm sụt giảm mạnh. Theo đó, SeABank ghi nhận khoản thu 46 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ, còn KienlongBank thu được 11 tỷ đồng, giảm 63%.
PG Bank là ngân hàng duy nhất trong số 8 ngân hàng ghi nhận sự khởi sắc từ doanh thu bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm nay. Theo đó, doanh thu từ dịch vụ bảo hiểm của PG Bank đã tăng từ 5 tỷ đồng lên 11 tỷ đồng.
Tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ bảo hiểm của 8 nhà băng này trong 6 tháng đầu năm nay đạt khoảng 6.443 tỷ đồng, giảm 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động dịch vụ của 29 nhà băng đã báo cáo vẫn tăng khoảng 8,8%. Trong khi 8 ngân hàng có số liệu thu từ bảo hiểm, doanh thu từ hoạt động dịch vụ vẫn tăng khoảng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cần tách bạch nghiệp vụ giữa bảo hiểm và ngân hàng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2023 lần đầu ghi nhận tăng trưởng âm, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng hai con số.
Nửa đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt khoảng 117.000 tỷ đồng, giảm 1,62% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ qua kênh đại lý cá nhân, kênh đại lý tổ chức - bán qua ngân hàng... ước đạt 81.400 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sau giai đoạn tăng nóng và việc có nhiều sai phạm trong kinh doanh bảo hiểm cộng với khả năng tài chính của khách hàng cũng giảm so với trước đây thì sự sụt giảm thu nhập từ dịch vụ bảo hiểm là không thể tránh khỏi.
Để chấn chỉnh sai phạm của hoạt động bancassurance, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho rằng, điều quan trọng là phải giải quyết tận gốc vấn đề. Trên thực tế, vẫn tồn tại tình trạng ngân hàng đứng "chiếu trên", có vị thế mạnh hơn nhiều so với người đi vay nên mới phát sinh việc ép mua bảo hiểm mới giải ngân.
Do đó, cần kiểm soát hoạt động cho vay tại tất cả ngân hàng. Những hồ sơ đáp ứng đủ các điều kiện ràng buộc về mặt tín dụng, phải cho người dân, doanh nghiệp vay một cách đơn giản, thuận tiện. Khi cửa vay vốn rộng mở cho người đủ điều kiện, cửa ép mua bảo hiểm nhân thọ để được giải ngân khoản vay sẽ bị hẹp lại.
Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia về tài chính - ngân hàng, đưa ra quan điểm: không nên để ngân hàng làm đại lý bảo hiểm như hiện nay. Ông cho rằng cần tách bạch nghiệp vụ giữa hai đơn vị. Việc bán bảo hiểm thì nên để cho hãng bảo hiểm có nghiệp vụ bán, cũng như ngân hàng thì nên chú trọng các nghiệp vụ tài chính ngân hàng.
Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trong các năm sau, doanh thu từ bancassurance có thể sẽ được cải thiện nếu như niềm tin của khách hàng phục hồi và củng cố.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, để khôi phục lại niềm tin của khách hàng vào các sản phẩm bảo hiểm, các đơn vị phải tư vấn để khách hàng có thể hiểu rõ, đúng và đầy đủ về sản phẩm bảo hiểm mà họ tham gia. Ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm cần kiểm tra, rà soát lại từ khâu tư vấn, phải đảm bảo nhân viên tư vấn hiểu rõ được sản phẩm rồi mới tư vấn cho khách hàng, tư vấn minh bạch, rõ ràng thông tin…
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.