Hồ sơ VNF

Báo cáo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

(VNF) - Bước vào giai đoạn 2021-2025, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn cho giai đoạn phát triển 2021-2030, và xa hơn đến năm 2045, tạo sức ép buộc phải tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế nhanh và sâu rộng hơn ngay từ giai đoạn 2021-2025.

Báo cáo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Diễn biến phức tạp và tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Việt Nam.

Theo báo cáo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã đưa ra 7 thách thức cụ thể, gồm: thứ nhất, mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt yêu cầu, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và khả năng tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn là thách thức rõ nét nhất. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Môi trường kinh doanh ở một số lĩnh vực, địa phương còn hạn chế, chưa thực sự thông thoáng.

Thứ hai, các đột phá chiến lược chưa có sự bứt phá. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả.

Thứ ba, độ mở của nền kinh tế lớn khiến các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước nhanh và mạnh hơn. Tính tự chủ của nền kinh tế thấp, phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ biến động hoạt động sản xuất của khu vực đầu tư nước ngoài. Mức độ tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực còn hạn chế, chủ yếu tham gia ở các công đoạn giản đơn, chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước, … nhằm nâng cao NSLĐ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ tư, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào sự gia tăng đầu tư, trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, nguồn vốn nhà nước, vốn ưu đãi và viện trợ đều có xu hướng giảm.

Thứ năm, Việt Nam là một trong năm quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Giai đoạn tới, xu hướng BĐKH sẽ ngày càng diễn ra phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp liên quan đến người lao động. Chính vì vậy, cơ cấu lại ngành nông nghiệp cần được đẩy nhanh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết.

Thứ sáu, vấn đề già hóa dân số cùng với sự gia tăng của chi phí lao động đang đặt ra nhiều thách thức cơ cấu lại đối với các ngành sản xuất - kinh doanh dựa vào lao động kỹ năng thấp trong dài hạn đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tận dụng thời gian còn lại của giai đoạn dân số vàng.

Thứ bảy, trong năm 2021, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư ở Việt Nam đã tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, ảnh hưởng lớn đến quá trình cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và các chủ thể. Doanh nghiệp trong nhiều ngành bị ảnh hưởng nặng nề, đòi hỏi phải được hỗ trợ kịp thời để tồn tại, trước khi phục hồi và phát triển. Dịch bệnh tạo thêm những khó khăn, thách thức trong cơ cấu lại NSNN, tổ chức tín dụng, đặc biệt vấn đề nợ xấu. Dịch bệnh cũng bộc lộ thêm những điểm yếu về cơ cấu như quy mô lớn và kết nối về thông tin về khu vực kinh tế phi chính thức, phối hợp xử lý các vấn đề liên vùng, …

Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng cho thấy sức mạnh của công nghệ số, kết nối thông tin và yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, tạo tiền đề cho chuyển biến về chất lượng và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tóm lại, diễn biến phức tạp và tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần tập trung cho những giải pháp ngắn hạn, cấp bách, hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

Bối cảnh trong nước và quốc tế cho thấy Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội phát triển. Cả cơ hội và thách thức đều đòi hỏi Việt Nam cần đẩy nhanh và thực hiện quyết liệt, có kết quả rõ ràng hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 để có thể vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ, phát huy được tiềm năng, phục hồi nhanh, bền vững hơn và đạt được các mục tiêu phát triển.

Quý độc giả quan tâm có xem toàn văn Báo cáo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 tại đây.

Tin mới lên