Bảo hiểm tiền gửi ‘rót’ 42.500 tỷ tiền nhàn rỗi mua trái phiếu, thu về hàng nghìn tỷ mỗi năm

Thanh Long - 16/08/2018 08:38 (GMT+7)

(VNF) – 6 tháng đầu năm 2018, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thu về 1.272 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu. Tính đến ngày 30/6/2018, số dư trái phiếu tại Bảo hiểm tiền gửi lên đến trên 42.500 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở kỳ hạn 5 năm.

VNF
6 tháng đầu năm 2018, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thu về 1.272 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vừa lần đầu công khai thông tin, mở màn là báo cáo tài chính quý II/2018.

Theo báo cáo, tính đến hết ngày 30/6/2018, Bảo hiểm tiền gửi hiện đã rót tới 42.528 tỷ đồng mua trái phiếu chính phủ. Nhiều nhất là kỳ hạn 5 năm với 19.768 tỷ đồng, theo sau là kỳ hạn 20 năm với 6.840 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm với 5.803 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm với 3.582 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm với 3.349 tỷ đồng và kỳ hạn 3 năm với 1.284 tỷ đồng.

Lượng trái phiếu khổng lồ này đem về cho Bảo hiểm tiền gửi 1.272 tỷ đồng tiền lãi trong 6 tháng đầu năm 2018. Cùng kỳ năm ngoái, con số này là 1.112 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi chi phí hoạt động đầu tư khoảng gần 70 tỷ đồng, chênh lệch thu thi từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Bảo hiểm tiền gửi đạt 1.205 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018 (tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái).

Cơ quan này trích 952 tỷ đồng trích vào quỹ dự phòng nghiệp vụ, còn lại 253 tỷ đồng trích vào hoạt động kinh doanh mà cụ thể là thu hoạt động tài chính. Sau khi trừ đi chi phí quản lý doanh nghiệp 143 tỷ đồng, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 ghi nhận ở mức 115 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái).

Được thành lập từ năm 1999 và đi vào hoạt động năm 2000, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ.

Hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có đã có Trụ sở chính tại Thủ đô Hà Nội và 8 chi nhánh tại các khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước: Chi nhánh Hà Nội trụ sở tại thành phố Hà Nội, Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, Chi nhánh Đà Nẵng trụ sở tại thành phố Đà Nẵng, Chi nhánh khu vực Đông Bắc Bộ trụ sở tại thành phố Hải Phòng.

Cùng với đó là Chi nhánh khu vực Tây Bắc bộ trụ sở tại thành phố Việt Trì, Chi nhánh khu vực Bắc Trung Bộ trụ sở tại thành phố Vinh - Nghệ An, Chi nhánh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trụ sở tại thành phố Cần thơ, Chi nhánh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên trụ sở tại thành phố Nha Trang- Khánh Hòa.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao phó thì cơ quan này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì mục tiêu “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng”.

Theo quy định hiện hành, Bảo hiểm tiền gửi chỉ được phép chi tối đa 75 triệu đồng để “đền bù” cho người gửi tiền trong trường hợp phá sản ngân hàng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.