Bất động sản lao dốc, danh hiệu nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đổi chủ
Quỳnh Anh -
05/09/2022 07:22 (GMT+7)
(VNF) - Nắm giữ vị trí người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc trong một thời gian dài, Dương Huệ Nghiên, đồng chủ tịch của tập đoàn bất động sản lớn nhất đất nước Country Garden, mới đây đã chính thức mất vị trí này vào tay tỷ phú Phạm Hồng Vệ (Fan Hongwei), chủ tịch của công ty hoá dầu Hengli Petrochemical.
Tài chính Sina đưa tin ngày 4/9, danh hiệu nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc giờ đây đã thuộc về bà Phạm Hồng Vệ, chủ tịch công ty hoá dầu Hengli Petrochemical. Với khối tài sản lên tới 15 tỷ USD, bà Phạm Hồng Vệ hiện xếp hạng 111 trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes.
Trong khi đó, người nắm giữ vị trí này trong nhiều năm, bà Dương Huệ Nghiên của tập đoàn bất động sản Country Garden, đã chứng kiến khối tài sản 23,7 tỷ USD giảm xuống còn 8,9 tỷ USD chỉ từ đầu năm đến nay do ngành bất động sản Trung Quốc chạm “đáy”, hiện chỉ là tỷ phú thứ 221 trên thế giới.
Theo chỉ số tỷ phú của Forbes, sự thay đổi đã bắt đầu từ ngày 30/8, khi gia đình bà Phạm được xếp hạng người giàu thứ 118 trên thế giới với khối tài sản 15,1 tỷ USD, vượt qua gia đình bà Dương.
Trước đó, trong danh sách người giàu toàn cầu năm 2022 của Hurun, bà Phạm Hồng Vệ và chồng là tỷ phú Trần Kiến Hoa, cũng xếp thứ 48, vượt qua Dương Huệ Nghiên, người xếp thứ 55.
Trên thực tế, bà Phạm là người thường xuyên có mặt trong danh sách của Forbes. Trong danh sách tỷ phú toàn cầu Forbes năm 2022, khối tài sản của bà là 18,2 tỷ USD, đứng thứ 88, chỉ sau bà Dương trong số những người giàu nhất Trung Quốc và là người phụ nữ giàu thứ hai ở Trung Quốc.
Ngoài ra, chủ tịch Hengli Petrochemical còn đứng thứ 13 trong Danh sách CEO xuất sắc nhất Trung Quốc năm 2022 và thứ 7 trong Danh sách Nữ doanh nhân xuất sắc nhất Trung Quốc năm 2022 của Forbes.
Từ kế toán viên tới Giám đốc điều hành xuất sắc nhất của Forbes
Theo những thông tin từ truyền thông Trung Quốc, bà Phạm Hồng Vệ và chồng là những tỷ phú tự thân.
Khi còn trẻ, bà Phạm là nhân viên kế toán của một nhà máy dệt ở Tô Châu, trong khi ông Trần Kiến Hoa từng là công nhân xây dựng cho tới khi gặp tai nạn lao động gãy 2 chân khiến ông buộc phải chuyển hướng sang kinh doanh sợi hóa học và lụa thô. Cặp vợ chồng chuyển hướng sang kinh doanh sau khi kết hôn.
Vào những năm 1990, xưởng dệt quốc doanh ở thị trấn Nanma, Tô Châu đứng trước bờ vực phá sản. Năm 1994, vợ chồng bà Phạm “đánh liều” vay 3,69 triệu NDT (534.782 USD) để mua lại nhà máy này và đổi tên thành Nhà máy dệt sợi hóa học Wujiang.
Điều mà không ai nghĩ tới là chính nhà máy nhỏ từng đối mặt với phá sản này lại trở thành "tiền thân" của Hengli Group, doanh nghiệp tư nhân lớn nhất tỉnh Giang Tô sau này.
Sau khi tiếp quản nhà máy, vợ chồng bà đã thực hiện một loạt biện pháp để mở rộng sản xuất, loại bỏ máy dệt thoi và đưa vào sử dụng mạng lưới 1.200 trục chính. Năm 1995, Wujiang bắt đầu phát triển sản xuất bằng cách bán nguyên liệu thô và gửi khung dệt, các loại khung dệt gia đình của nhà máy này đã lan rộng khắp Giang Tô và Chiết Giang.
Năm 2002, Công ty TNHH sợi hóa học Hengli Giang Tô chính thức được thành lập, với tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu của dự án là 2,2 tỷ NDT (318,8 triệu USD).
Giai đoạn 2008 - 2009, vợ chồng bà Phạm liên tục mở rộng các dự án sợi hoá học, đưa Hengli Group trở thành nhà sản xuất sợi siêu sáng và sợi công nghiệp lớn nhất thế giới. Cũng từ đây, tập đoàn này được gọi là "gã khổng lồ sợi hóa học của Trung Quốc" để đánh dấu những thành tựu xuất sắc trong ngành sợi hóa học.
Hiện tại, ba công ty niêm yết dưới trướng Hengli Group đều do bà Phạm Hồng Vệ và chồng kiểm soát. Ông Trần Kiến Hoa là chủ tịch và tổng giám đốc của Hengli Group; trong khi bà Phạm Hồng Vệ là chủ tịch và tổng giám đốc của công ty niêm yết quan trọng nhất, Hengli Petrochemical. Đồng thời, bà Phạm cũng là giám đốc của doanh nghiệp du lịch Tongli Tourism.
Danh hiệu là “ảo”, nợ là thật
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên nhất không phải quá trình làm giàu đáng kinh ngạc đưa bà Phạm tiến tới danh hiệu nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, mà là số nợ hiện có của Hengli Petrochemical.
Theo báo cáo bán niên của Hengli Petrochemical, khoản nợ ngắn hạn của công ty đã lên tới 70 tỷ NDT (10,1 tỷ USD), và số tiền bảo lãnh cho các công ty con lên tới 166,377 tỷ NDT (24,1 tỷ USD).
Bắt đầu từ năm 2021, do giá nguyên liệu thô như dầu thô và khí tự nhiên liên tục tăng cao và biến động, sự tăng trưởng chậm lại của các ngành hạ nguồn như bất động sản, dệt may và vật liệu xây dựng, chi phí cao và cung không đủ cầu, việc sản xuất và vận hành của Hengli Petrochemical và các công ty liên quan khác đã phải đối mặt với áp lực đáng kể.
Trong nửa đầu năm 2022, Hengli Petrochemical đã bàn giao báo cáo bán niên tăng doanh thu nhưng không tăng lợi nhuận. Từ tháng 1 - 6/2022, doanh thu của Hengli Petrochemical là 119,155 tỷ NDT, tăng 13,94% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận ròng cho công ty mẹ là 8,026 tỷ NDT, giảm 7,13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến nửa đầu năm 2022, số lượng công ty con của Hengli đã tăng lên 76 công ty. Số lượng công ty con ngày càng nhiều có thể mở rộng quy mô của công ty, nhưng cũng tạo thêm áp lực.
Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng số tiền bảo lãnh của công ty là 166,377 tỷ NDT, tất cả đều dành cho các công ty con, và tổng số tiền bảo lãnh chiếm 281% tài sản ròng.
Ngoài ra, áp lực nợ tự thân của Hengli Petrochemical cũng rất lớn, đặc biệt là áp lực nợ ngắn hạn. Trong nửa đầu năm 2022, tỷ lệ tài sản - nợ phải trả của Hengli Petrochemical là 74,96%, hệ số thanh toán hiện hành là 0,68 và hệ số thanh toán nhanh là 0,27.
Trong số đó, các khoản vay ngắn hạn lên tới 68,255 tỷ NDT, và các khoản nợ dài hạn đến hạn trong vòng một năm là 7,101 tỷ NDT, tổng trị giá hơn 75 tỷ NDT. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/6/2022, quỹ tiền tệ chỉ còn 25,578 tỷ NDT, không đủ trả nợ ngắn hạn.
Để mở rộng các kênh tài trợ, Hengli Petrochemical cũng đã phát hành 2 tỷ NDT tín phiếu tài trợ ngắn hạn trong nửa đầu năm 2022. Hiện tại, áp lực trả nợ đã ảnh hưởng đến thu nhập của công ty, trong nửa đầu năm 2022, chi phí tài chính của công ty là 3.060 tỷ NDT, trong đó chi phí lãi vay lên tới 2.719 tỷ NDT.
Trong nửa đầu năm nay, giá cổ phiếu công ty giảm 12,8%. Tính đến cuối ngày 2/9, cổ phiếu công ty ghi nhận ở mức 19,15 NDT, giảm 0.31%.
Theo đánh giá của Sina, áp lực nợ doanh nghiệp là rất lớn, và rất khó để bà Phạm Hồng Vệ có thể đảm bảo được “chiếc ghế” người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc trong thời gian dài.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone