Tỷ phú Trung Quốc bị ‘cấm tiêu tiền’ mua sắm xa hoa

Thanh Bình - 18/09/2020 09:02 (GMT+7)

Theo New York Times, mới đây tỷ phú Trung Quốc, người đứng đầu tập đoàn tài chính và du lịch HNA Group, Chen Feng, đã bị tòa án “cấm tiêu tiền” phục vụ cho cuộc sống xa hoa vì các khoản nợ của tập đoàn này.

VNF
Tỷ phú Trung Quốc Chen Feng bị "cấm tiêu tiền" cho cuộc sống xa hoa. (Ảnh: Reuters)

Theo New York Times, mới đây tỷ phú Trung Quốc, người đứng đầu tập đoàn tài chính và du lịch HNA Group, Chen Feng, đã bị tòa án “cấm tiêu tiền” phục vụ cho cuộc sống xa hoa vì các khoản nợ của tập đoàn này.

Cụ thể, lệnh cấm này đặc biệt áp dụng cho các chuyến bay hạng thương gia, tàu cao tốc, khách sạn và khu nghỉ dưỡng sang trọng. Ngoài ra, vị doanh nhân này cũng sẽ không thể mua bất động sản hoặc sửa chữa những ngôi nhà của ông. Tất cả các chi phí không cần thiết cho cuộc sống hàng ngày và công việc đều bị cấm.  

South China Morning Post cho biết, để chi những khoản tiền lớn, tỷ phú sẽ phải xin giấy phép đặc biệt từ tòa án.

Được biết, lý do cho các hạn chế này là do HNA vi phạm lệnh tòa án vào tháng 3 được ban hành sau kết quả tố tụng với một trong những nhà đầu tư của nền tảng trực tuyến tài chính Jubaohui (thuộc sở hữu của công ty).

Theo New York Times, vào năm 2018, một người Trung Quốc đã mua hai sản phẩm đầu tư thông qua nền tảng này. Tuy nhiên, khi người này không nhận được những gì theo các điều khoản của thỏa thuận đầu tư và đã đâm đơn kiện công ty. Theo quyết định của thẩm phán, HNA lẽ ra phải trả nợ lãi trong vòng 10 ngày, nhưng công ty đã không thực hiện việc này. Kết quả là đến tháng 9/2020 công ty nợ 50.000 USD.

HNA đã trải qua thời kỳ khó khăn trong những năm gần đây do hậu quả của chính sách mở rộng mạnh mẽ nhưng kém hiệu quả của ban lãnh đạo. Trong những năm qua, HNA đã mua lại bất động sản đắt tiền và cổ phần trong các công ty như chuỗi khách sạn Hilton, Deutsche Bank và Virgin Australia. Tuy nhiên, ban lãnh đạo HNA đã mua chúng bằng nguồn vốn đi vay.

Kết quả là công ty này đã mắc nợ hàng chục tỷ USD và bắt đầu bán tháo tài sản. Điều này làm các nhà đầu tư lo ngại về khả năng trả nợ của HNA, khiến chi phí đi vay quốc tế của HNA tăng vọt. Tình hình trở nên tồi tệ đến mức công ty thậm chí đã cố gắng vay vốn từ chính nhân viên của mình, nhưng không thành công.

Cuộc khủng hoảng năm 2020 do đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến tình hình của HNA thêm thảm hại. HNA sở hữu Hong Kong Airlines, hãng hàng không lớn thứ ba của Trung Quốc. Các hạn chế được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc đi lại bằng đường hàng không, gây thiệt hại lớn cho HNA.

Theo Infonet
Cùng chuyên mục
Tin khác