Bay hàng ngàn tỷ vì đầu tư tiền ảo: Mua sắm hoàn tiền biến tướng, đa cấp
Thanh Xuân - Mai Phương -
18/08/2020 06:43 (GMT+7)
Cam kết mua sắm hoàn tiền nhưng lại trả bằng điểm thưởng, coin (tiền ảo); giới thiệu người tham gia được sẽ được hưởng hoa hồng... là cách mà hàng loạt ứng dụng mua sắm hoàn tiền sử dụng mô hình đa cấp móc túi người nhẹ dạ.
Ứng dụng hoàn tiền đa cấp
Mới đây, anh N.T (quận Bình Tân, TP. HCM) được một người quen giới thiệu cho nhiều ứng dụng (app) kiếm tiền online, mua sắm hoàn tiền để gia tăng thu nhập trong mùa dịch Covid-19.
Một trong số những ứng dụng được giới thiệu là Ola City (tên cũ là Ola Network), được quảng cáo là có liên kết với nhiều trang thương mại điện tử và hàng ngàn cửa hàng, khi người dùng mua sắm sẽ được hoàn tiền từ 3 - 50% tùy sản phẩm. Người giới thiệu nhấn mạnh dự án Ola City là hoàn toàn miễn phí, không bắt buộc phải đầu tư nên rủi ro không có.
Thế nhưng, hoàn tiền chỉ là cách chiêu dụ. Việc rút tiền thưởng, tiền hoa hồng từ Ola City chỉ được thực hiện về ví VNDC - một sàn giao dịch tiền ảo - cũng chỉ vừa ra mắt tại Việt Nam và cũng đang chiêu mộ người dùng bằng cách tặng ngay 25.000 VNDC = 25.000 đồng cho người tham gia.
Đặc biệt, Ola City cũng “lòi đuôi” đa cấp ngay lập tức khi lôi kéo người tham gia thông qua việc trả thưởng hoa hồng theo hệ thống 3 tầng từ 20 - 100 triệu đồng… Cụ thể, khi người dùng giới thiệu bạn bè tham gia sẽ được nhận thưởng 3% trên tổng doanh số của tất cả các thành viên trong hệ thống 7 tầng của mình. Ví dụ giới thiệu được 110 người, cứ 1 người kiếm được từ Ola City 1 triệu đồng/tháng thì người dùng sẽ có được tổng cộng khoản thưởng là 110 x 1 triệu x 3% = 3,3 triệu đồng.
Thậm chí, một số cá nhân còn đưa ra mô hình 10 tầng. Với mỗi thành viên tham gia người giới thiệu sẽ nhận được 2.500 đồng và sẽ nhận được 5% thu nhập hằng tháng của họ.
App “Giật đơn hàng, kiếm tiền triệu” có tên Tailoc888 đang được lan truyền với tốc độ nhanh trên mạng xã hội. Theo nick Facebook H.N, Tailoc888 là nơi chi phối đơn hàng thông minh thu về hàng ngàn tỷ đồng từ các sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee, Amazon... tạo thu nhập ổn định cho hàng triệu người đang thất nghiệp. Qua tìm hiểu, Tailoc888 được giới thiệu là app “quét” đơn mua hàng hộ cho khách hàng tại Shopee, Lazada, Tiki, Amazon.
Để có thể mua hàng hộ khách, người tham gia phải có tiền trong tài khoản ATM đăng ký dịch vụ chuyển tiền, đăng ký tài khoản kiếm tiền trên Tailoc888.com. Trong các clip quảng cáo, người giới thiệu đưa ra tỷ lệ hoa hồng đơn hàng trên Tiki 0,25%, còn Shopee hưởng 0,3%, Lazada giảm 0,35% khi người chơi đặt hộ đơn hàng thành công. Tùy theo số tiền chuyển vào hệ thống, người tham gia sẽ được quét các đơn hàng có giá trị dưới mức này.
Sau khi quét đơn hàng thành công, tiền hàng và hoa hồng giật đơn sẽ về tài khoản để người tham gia có thể giật các đơn khác. Hội viên thường của Tailoc888 được đặt tối đa 30 đơn hàng/ngày, hoa hồng 0,25%, mỗi lần rút tiền trong ngày tối đa 30 triệu đồng. Để giật đơn hàng lên 40, 50, 60 đơn mỗi ngày, nhà đầu tư phải nâng cấp lên hội viên cao hơn.
Giật đơn hàng chỉ là một trong những cách kiếm tiền trong kênh này, nhà đầu tư tham gia phát triển mạng lưới để kiếm được lợi nhuận 10 triệu đồng/tháng. Cụ thể, nhà đầu tư mời được 5 thành viên tham gia, bỏ vào tài khoản 10 triệu đồng/người, lúc này người chia sẻ sẽ được hoa hồng 0,6%, giật được 60 đơn mỗi ngày, kiếm được 670.000 đồng/ngày.
Hệ thống có 3 tầng nên ai phát triển càng nhiều thành viên bên dưới, hoa hồng nhận được càng cao. Số tiền hoa hồng từ giật đơn hàng, phát triển hệ thống có thể lên 1,07 triệu đồng/ngày, tính ra một tháng có thể thu về hơn 30 triệu đồng. Có lẽ những lời “có cánh” đã thu hút nhiều người tham gia nên mấy ngày qua hệ thống này thông báo “đóng cửa nâng cấp”.
Dấu hiệu lừa đảo
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cuối tuần qua đã đưa ra cảnh báo về việc người tiêu dùng không nên tham gia đầu tư, phát triển hệ thống tại những trang web hoặc ứng dụng thương mại điện tử có tên “Tiêu dùng hoàn tiền”, “Mua sắm hoàn tiền” (cashback) để tránh bị lừa đảo do có nhiều dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép.
Theo phân tích của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, khi người sử dụng tham gia các trang thương mại điện tử, ứng dụng được quảng cáo theo mô hình cashback được “vẽ” luôn có lợi với giá trị hoàn tiền hay chiết khấu cho mỗi giao dịch được quảng cáo rất hấp dẫn, từ 80 - 100%, thậm chí cao hơn dành cho cả bên bán và bên mua.
Tuy nhiên thực tế, việc “hoàn tiền” với giá trị phần trăm cao như vậy chỉ được thể hiện ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì chỉ theo các tỷ lệ phần trăm rất nhỏ, không đáng kể (thường chỉ khoảng từ 0,05 - 0,1%/ngày).
Hoặc có trường hợp việc tích điểm trên hệ thống nội bộ của những website và ứng dụng này có liên quan tới một hoặc một số loại tiền ảo, ví điện tử (ví dụ như Gem, CBP, Silling, USDT, ETH, ONE, VNDC…). Chưa kể, ngoài việc giao dịch mua sắm tiêu dùng, hệ thống còn cho phép các tài khoản của người tham gia có thể đầu tư, mua bán và trao đổi các điểm số nội bộ trên hệ thống tương ứng với các loại tiền ảo tự lưu hành trên.
Trong khi đó, các loại tiền ảo, ví điện tử này chỉ có giá trị nội bộ trong hệ thống, không được pháp luật công nhận là trung gian để thanh toán. Thậm chí, có nơi còn sử dụng việc giới thiệu từ người tham gia để đăng ký vào hệ thống mà các tài khoản người tham gia trong hệ thống sẽ được kết nối, sắp xếp theo tầng, cấp, nhánh.
Khi đó, hệ thống thường đưa ra các hình thức để huy động vốn hoặc mời gọi người tham gia nộp thêm tiền để nâng cấp tài khoản lên các mức cao hơn để được hưởng hoa hồng, quyền lợi hấp dẫn theo tỷ lệ phần trăm số tiền của những người tham gia tuyến dưới, nhánh dưới nộp vào để tham gia và nâng cấp tài khoản trên hệ thống.
App Ola City, Tailoc888 chỉ là một số trong “rừng” app kiếm tiền online đang bùng phát thời gian gần đây. Sau chiến dịch thu hút nhiều người tham gia, các app này tự khắc sẽ “bùng”, mất tích. Chẳng hạn như một số người tham gia đóng 250.000 đồng để kích hoạt tài khoản trên trang tienvientienve.com, ngồi nhà xem video là có tiền. Nhưng đóng tiền xong thì trang web này “sập”, không rút được tiền, điện thoại cũng không liên lạc được.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.