Bên bờ vực phá sản, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị lập tổ đánh giá lại Nghị định 95

Kỳ Thư - 15/05/2023 19:24 (GMT+7)

(VNF) - Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng lập tổ đánh giá lại Nghị định 95, đồng thời mong muốn được tham gia góp ý, sửa đổi Nghị định.

VNF
Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng lập tổ đánh giá lại Nghị định 95.

Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vừa có đơn gửi Thủ tướng yêu cầu sớm ban hành Nghị định về xăng dầu. Nhóm này cho biết hầu hết doanh nghiệp đang rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng, việc kinh doanh bấp bênh kéo dài vì những bất cập tại Nghị định 95/2021.

Cụ thể, các chủ cây xăng cho rằng Nghị định 95 được xây dựng trên cơ sở có lợi cho doanh nghiệp đầu mối. Trong quá trình xây dựng Nghị định, doanh nghiệp bán lẻ không được mời tham gia góp ý dù họ là thành phần rất lớn tham gia thị trường, đồng thời doanh nghiệp bán lẻ bị coi nằm trong hệ thống của doanh nghiệp đầu mối.

"Từ đó dẫn đến rất nhiều sai lầm và gây ra hệ lụy về thao túng nguồn hàng, chặn không cho doanh nghiệp bán lẻ mua hàng khi điều chỉnh giá có lợi để hưởng chênh lệch giá và xả hàng khi giá có xu hướng giảm", trong đơn có đoạn.

Doanh nghiệp bán lẻ dẫn chứng, đợt giảm giá ngày 11/5 vừa qua, giá xăng giảm 1.300 đồng/lít thì trước đó, doanh nghiệp đầu mối tăng chiết khấu lên 1.000-1.200 đồng/lít để xả hàng giảm lỗ và gọi điện kêu mua hàng để giảm lỗ. Khi giá có xu hướng điều chỉnh tăng thì họ giảm chiết khấu xuống xấp xỉ 0 đồng và tiến hành bán hạn chế, bán theo tiến độ, thậm chí thông báo hết hàng. Nhưng ngay sau khi điều chỉnh tăng giá xong, được hưởng chênh lệch thì báo có hàng và bán tự do.

Theo doanh nghiệp bán lẻ, điều này khiến cho họ thua thiệt và luôn ở thế bị động về nguồn hàng, về lợi ích, từ đó liên tục xảy ra xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán lẻ không nhận được chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức đáng được hưởng, vì trong Nghị định 95 quy định không rõ ràng, không ghi cụ thể tỷ lệ phân chia.

Một bất cập nữa là Nghị định cho phép nhà cung cấp (thương nhân phân phối) lấy hàng nhiều nơi đổ cùng một bồn để bán nhằm quản lý được chất lượng, trong khi doanh nghiệp bán lẻ không được phép lấy hàng từ nhiều nguồn vì sợ không đảm bảo chất lượng.

Từ những lý do trên, các doanh nghiệp bán lẻ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng lập tổ đánh giá lại Nghị định 95, đồng thời việc sửa đổi Nghị định phải được lấy ý kiến của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp bán lẻ. Nhóm này mong muốn Thủ tướng sớm ban hành Nghị định về xăng dầu không trễ hơn quý II.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, cho biết hơn một năm qua, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh. Cứ nghĩ rằng việc này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng không ngờ nó diễn ra hơn một năm qua, khiến cho doanh nghiệp bán lẻ lỗ nặng, bị kiệt quệ về tài chính. Thậm chí có doanh nghiệp phải bán cả ruộng vườn, đất đai, cầm cố tài sản để bù lỗ.

Trong khi đó, khi quyết toán năm tài chính (trọn 1 năm) doanh nghiệp trích 20% nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân chia các quỹ khen thưởng, phúc lợi, bù lỗ các năm trước còn lỗ, nên doanh nghiệp bán lẻ cũng không còn nguồn lực tài chính để gánh lỗ kéo dài hơn 1 chu kỳ kinh doanh.

Được biết, liên quan đến chi phí kinh doanh xăng dầu, mới đây, Văn phòng Chính phủ cho biết đã nhận được đơn yêu cầu xem xét khẩn cấp của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề ngày 10/3 gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp và việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Cùng chuyên mục
Tin khác