Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch tới Phố Nối có tổng mức đầu tư 23.000 tỷ đồng, gồm 4 dự án thành phần vừa được đưa vào QHĐ VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023.
Cuối tháng 10/2023, dự án đường dây 500kV mạch 3 đồng loạt được triển khai xây dựng.
Để đảm bảo đóng điện dự án theo đúng tiến độ được Thủ tướng giao (muộn nhất là ngày 30/6/2024), Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đang đôn đốc các nhà thầu xây dựng tập trung nhân lực, máy móc thi công sớm để hoàn thành móng cột và lắp dựng cột, căng rải dây theo đúng tiến độ cam kết.
Tuy nhiên, hiện tại, các đơn vị đang gặp một số khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, khó khăn về công tác cung cấp vật tư thiết bị… Đáng chú ý, đã xuất hiện các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ so với hợp đồng, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án, nhất là về việc cung cấp cột thép.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện nay có 5 nhà thầu đang chậm tiến độ so với hợp đồng cung cấp cột thép. Trong đó có nhà thầu Công ty cổ phần Sông Đà 11.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Sông Đà 11 có địa chỉ đăng ký đóng tại tầng 7, tòa Nhà hỗn Hợp Sông Đà - Hà Đông, Hà Nội. Sông Đà 11 thành lập vào năm 2004 với lĩnh vực hoạch động chính là xây dựng công trình thủy do ông Lê Anh Trình, làm Tổng giám đốc công ty.
Trong quá trình hoạt động phát triển xây lắp những năm gần đây, Sông Đà đã tham gia dự thầu 175 gói thầu, trong đó trúng 56 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu đạt hơn 4.764 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Sông Đà 11 cũng là nhà thầu quen thuộc khi tham gia dự thầu và trúng nhiều gói thầu từ các Ban quản lý dự án (Ban QLDA). Đơn cử, tại Ban QLDA các công trình điện Miền Bắc – Chi nhánh Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (trúng thầu 17 gói thầu); Ban QLDA các công trình điện Miền Trung – Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia (trúng thầu 8 gói thầu); Ban QLDA các công trình điện miền Trung (trúng thầu 2 gói thầu).
Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2024, Sông Đà 11 cùng liên danh đã trúng tới 18 gói thầu trong lĩnh vực xây lắp, cung cấp cột thép cho các dự án đường dây 500kV, với tổng giá trị trúng hơn 1.380 tỷ đồng.
Có thể kể tới như: Gói thầu số 71 – Cung cấp và vận chuyển cột thép thanh cái ống từ VT48 đến VT105, thuộc dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu. Liên danh Sông Đà 11 – CTCP Truyền thông và công nghệ HDC trúng thầu với giá trúng thầu hơn 60,5 tỷ đồng; giá dự toán gói thầu hơn 67,3 tỷ đồng; Gói thầu số 38 – Xây lắp đường dây từ VT373 đến VT390, thuộc dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu (giá trúng thầu hơn 113,5 tỷ đồng);…
Tiếp đó là Gói thầu số 12 – Xây lắp đường dây từ VT50-VT59, thuộc dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hoá (giá trúng thầu hơn 74,4 tỷ đồng; giá dự toán gói thầu hơn 77,6 tỷ đồng); Gói thầu số 09- Xây lắp đường dây từ VT17 đến VT30, thuộc dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hoá (giá trúng thầu hơn 87,8 tỷ đồng; giá dự toán hơn 88,8 tỷ đồng); hay Gói thầu 15- Cung cấp và vận chuyển cột thép hình đoạn tuyến từ VT190A đến VT196, thuộc dự án đường dây 500kV Nam Định I – Phố Nối (giá trúng thầu hơn 47,2 tỷ đồng; giá dự toán gói thầu hơn 49,2 tỷ đồng),…
Sông Đà 11 đang kinh doanh ra sao?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2023, doanh thu của Sông Đà 11 đạt hơn 380,4 tỷ đồng; giảm gần 27% so với cùng kỳ. Đóng góp lớn nhất cho công ty là doanh thu hợp đồng xây dựng hơn 356,3 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2022 lên mức 31 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 65,1 tỷ đồng, tăng 41,2% so với cùng kỳ. Nhờ kiểm soát tốt chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp giúp Sông Đà 11 ghi nhận khoản lãi sau thuế hơn 56,7 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ.
Năm 2024, Sông Đà 11 đặt mục tiêu doanh thu (không bao gồm doanh thu tài chính) ở mức 2.224 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với thực hiện năm 2023. Lợi nhuận trước thuế dự kiến gần 165 tỷ đồng, tăng 66%. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu kỷ lục của công ty từ trước đến nay.
Tại ngày 31/12/2023, tổng cộng tài sản của Sông Đà 11 là hơn 1.052 tỷ đồng, tăng 7,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn hơn 461,3 tỷ đồng và tài sản dài hạn hơn 591,1 tỷ đồng. Hiện Sông Đà 11 có hơn 1,3 tỷ đồng tiền mặt; hơn 40,5 tỷ đồng đang gửi ngân hàng và hơn 11,2 tỷ đồng các khoản tiền tương đương khác.
Tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của Sông Đà 11 hơn 375,9 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Trong đó, công ty hiện còn 139,8 tỷ đồng nợ vay tài chính, bao gồm hơn 125,6 đồng nợ vay tài chính ngắn hạn và 14,2 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Vốn chủ sở hữu của công ty tại ngày 31/12/2023 là hơn 676,4 tỷ đồng.
Trên bảng lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Sông Đà 11 trong năm 2023 đạt gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 âm tới 37,8 tỷ đồng. Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn hơn 75,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ đạt 24,6 tỷ đồng, tăng gấp 20,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.