Bị phi công Vietnam Airlines dọa kiện, Bộ Giao thông vận tải nói gì?
Lê Ngà -
03/06/2018 09:33 (GMT+7)
(VNF) - Một số phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines từng tuyên bố sẽ khởi kiện hành chính hai văn bản của Bộ Giao thông vận tải là Thông tư 41/2015 và 21/2017 vì cho rằng các văn bản này trái luật.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, báo giới đã đặt câu hỏi: “thời gian vừa qua có một số phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT ngày 12 tháng 08 năm 2015 và Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT ngày 30 tháng 06 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải trái Luật Lao động. Quan điểm của Bộ như thế nào?”
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật cho biết: “Thông tư 41/2015 và sau đó là Thông tư 21/2017 của Bộ GTVT gồm những quy định điều chỉnh người lao động trong lĩnh vực hàng không. Thực chất, lĩnh vực hàng không có nhiều điểm rất đặc biệt, tiêu chí an toàn an ninh hàng không phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn đặc biệt khắt khe. Đào tạo các nhân viên ngành hàng không, đặc biệt là các phi công, rất mất thời gian, quy trình quy định khác nhau".
Theo ông Nhật, Khoản 1, Điều 70 của Luật Hàng không dân dụng 2006 đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về chế độ lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.
Căn cứ quy định này, ngày 12/8/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT (được thay thế bởi Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT) để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng nhân viên hàng không bậc cao, tạo điều kiện cho việc sử dụng nguồn nhân lực một cách hài hòa, không tạo nên những đột biến trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay.
Theo quy định của Thông tư, nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động 120 ngày. Còn tại Điều 37 Bộ luật Lao động, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày.
“Như vậy Điều 37 của Bộ luật Lao động chỉ quy định mức giới hạn tối thiểu mà không quy định mức tối đa”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Mặt khác, theo ông Nhật, tại Khoản 2, Điều 3, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định: “Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Vậy quy định trong Luật này được ưu tiên".
Thứ trưởng Nguyễn Nhật tái khẳng định: "Hàng không là ngành rất đặc biệt nên mọi quy định trong các Thông tư liên quan đều quản lý rất nghiêm ngặt".
Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, một số phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines đã có khiếu nại về mức lương thực nhận. Các phi công cho rằng mức lương họ nhận được là quá thấp và Vietnam Airlines đã khai khống bảng lương, cao hơn 20-25% giá trị thực tế phi công nhận được trước thuế và 40-45% giá trị thực nhận sau thuế.
Các phi công cũng bức xúc vì quy định muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày, thay vì 45 ngày như Luật Lao động quy định. Các phi công khẳng định sẽ tiến hành khởi kiện hành chính hai văn bản của Bộ Giao thông vận tải là Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT ngày 12 tháng 08 năm 2015 và Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT ngày 30 tháng 06 năm 2017. Theo các phi công, những văn bản này là trái luật và ngăn cản nguyện vọng chuyển việc của họ.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone