Biểu tượng hàng không Mỹ chìm sâu trong khủng hoảng
(VNF) - Từng là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực hàng không vũ trụ với vốn hóa thị trường gần 240 tỷ USD, Boeing hiện đã “tụt dốc không phanh” với mức vốn hoá giảm một nửa còn 104 tỷ USD. Một loạt sai lầm về mặt chiến lược, sự bất ổn trong quản lý và những thay đổi về văn hóa khiến Boeing phải trả giá không chỉ về mặt tài chính mà còn cả danh tiếng.
Đình công kết thúc, sa thải bắt đầu
Vào giữa tháng 11, Boeing thông báo kế hoạch sa thải hơn 2.500 công nhân trên khắp nước Mỹ. Trong đó, gần 2.200 thông báo sa thải đã được gửi đến công nhân ở Washington và 220 thông báo khác ở Nam Carolina, hai tiểu bang nơi Boeing sản xuất máy bay thương mại.
Đây là một phần trong hàng nghìn đợt cắt giảm được lên kế hoạch khi công ty đang phải vật lộn để phục hồi sau khó khăn về tài chính và quy định cũng như cuộc đình công kéo dài 8 tuần của 33.000 công nhân của liên đoàn thợ máy. Boeing cũng sẽ hướng tới việc tuyển dụng có chọn lọc và bán các công ty con để cắt giảm lực lượng lao động.
Trước đó, hãng sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ đã công bố rằng họ có kế hoạch cắt giảm 10% lực lượng lao động, khoảng 17.000 việc làm, trong những tháng tới. Giám đốc điều hành mới của Boeing, ông Kelly Ortberg, đã nói với các nhân viên rằng công ty phải "thiết lập lại bộ máy lao động của mình để phù hợp với thực tế tài chính".
Việc sa thải diễn ra khi các công nhân của liên đoàn thợ máy đã chấp thuận một hợp đồng mới bao gồm mức tăng lương 38% trong bốn năm và các cải tiến khác để quay trở lại làm việc sau khi cuộc đình công kéo dài khiến sản lượng của hầu hết các nhà máy của Boeing bị đình trệ.
Các vấn đề lớn tại Boeing bắt đầu bùng nổ vào tháng 1, khi một cánh cửa của chiếc Boeing 737 MAX 9 thuộc hãng Alaska Airlines bị bung ra ở độ cao 4,88km. Máy bay sau đó phải hạ cánh khẩn cấp và may mắn không có hành khách nào thiệt mạng. Nhưng hoạt động sản xuất của Boeing đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ đó, dẫn đến các vấn đề về lao động và sa thải mà công ty đang phải đối mặt hiện nay.
Đầu tháng 11, Boeing cho biết họ đã lỗ gần 6,2 tỷ USD trong quý III vừa qua. Dù cuộc đình công đã kết thúc, nhưng CEO Kelly Ortberg vẫn còn một danh sách dài những việc cần khắc phục để có thể chấm dứt tình trạng thâm hụt ngân sách.
Những công nhân đình công cuối cùng sẽ trở lại làm việc, nhưng phải mất nhiều tuần nữa máy bay mới bắt đầu lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất, công ty cho biết vào đầu tháng 11. Và sẽ còn lâu hơn nữa để các nhà máy khôi phục lại mức sản xuất trước cuộc đình công.
"Đây không phải là thứ chỉ cần một công tắc đèn là có thể bật lên. Chúng ta có thể đối mặt chặng đường gập ghềnh phía trước", CEO Boeing đã cảnh báo các nhà đầu tư vào tháng trước, thậm chí trước khi các thành viên công đoàn thợ máy đồng ý với thỏa thuận và quay lại làm việc.
Những vấn đề mới ở Trung Quốc
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà Boeing phải đối mặt là lời hứa áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Boeing là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, do đó bất kể cuộc chiến thương mại nào cũng có thể ảnh hưởng tới hãng sản xuất máy bay này. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất về mua máy bay mới. Các chuyên gia của Boeing ước tính các hãng hàng không Trung Quốc sẽ cần tổng cộng 8.830 máy bay thương mại mới từ nay đến năm 2043.
Trong hơn 50 năm qua, máy bay Boeing là trụ cột của hệ thống vận chuyển hành khách và hàng hóa dân dụng của Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của Boeing sang Trung Quốc gần như dừng hẳn vào năm 2017 khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Đơn đặt hàng từ người mua Trung Quốc đã giảm từ 64 vào năm 2016 xuống 51 vào năm 2017 và bằng 0 vào cả năm 2018 và 2019. Các nhà kinh tế dự đoán rằng một sự sụt giảm tương tự có thể xảy ra nếu một cuộc chiến thương mại mới nổ ra.
“Chúng tôi thực sự không biết ông Trump sẽ làm gì với thuế quan của Trung Quốc. Nhưng nếu ông ấy áp thuế 60% đối với tất cả hàng hóa của Trung Quốc, cách nhanh nhất để Trung Quốc trả đũa là chuyển sang đối thủ của Boeing là Airbus để đáp ứng 100% nhu cầu của mình”, ông Richard Aboulafia, giám đốc điều hành tại AeroDynamic Advisory, một công ty tư vấn trong ngành, cho biết.
Trong hồ sơ công bố cuối năm 2023, Boeing có khoảng 140 máy bay 737 MAX 8 trong kho, trong đó 85 chiếc của các khách hàng Trung Quốc. Gần đây, Boeing đã nối lại một phần hoạt động bán và giao hàng tới Trung Quốc, với 20 đơn hàng vào năm 2021 và 15 đơn hàng vào năm 2023. Tính đến thời điểm hiện tại, hãng đã giao 53 máy bay tới Trung Quốc, tăng so với con số 35 máy bay cộng lại của bốn năm trước đó.
Vật lộn để phục hồi
Boeing đã lỗ tổng cộng 24 tỷ USD từ năm 2019 đến năm 2023 và lỗ thêm 8 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay. Giá cổ phiếu của hãng giảm 67% so với mức cao nhất năm 2018, con số này bao gồm mức giảm 50% trong năm nay.
Tin tốt cho Boeing là hãng sản xuất máy bay này ít có nguy cơ phá sản. Dù đang chìm sâu trong khủng hoảng, Boeing vẫn là một trong hai nhà sản xuất, cùng với đối thủ Airbus, cung ứng máy bay phản lực thương mại cỡ lớn mà ngành hàng không thế giới cần.
Boeing vẫn liên tục nhận được các đơn đặt hàng và nhu cầu đi lại bằng máy bay đủ mạnh để khiến cả Boeing và Airbus bận rộn trong nhiều năm tới. Ngay cả khi cuộc đình công của thợ máy Boeing diễn ra, công ty vẫn nhận được đơn đặt hàng cho 63 máy bay phản lực vào tháng 10.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Boeing “đã thoát nạn”. Hãng đang quay cuồng trong loạt scandal, từ khủng hoảng an toàn bay, sản xuất chậm trễ đến khối nợ lên tới 60 tỷ USD. Việc dừng bay và các vụ tai nạn được cho là đã khiến Boeing phải trả khoản tiền phạt, bồi thường và chi phí pháp lý ước tính là 20 tỷ USD, cũng như mất hơn 1.000 đơn đặt hàng.
Thêm vào đó, Boeing đang chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) kể từ sự cố hồi tháng 1, điều này đã hạn chế số lượng máy bay mà hãng này được phép sản xuất.
Ngay cả khi Boeing tăng cường sản xuất trở lại mức trước tháng 1, công ty vẫn không có lãi. Hãng dự kiến sẽ lỗ trong suốt năm 2025. Để tăng sản lượng, Boeing cần phải cải thiện chất lượng để giành được sự chấp thuận của FAA.
Ngoài ra, công ty đã đồng ý hoạt động dưới sự giám sát của một giám sát viên do tòa án chỉ định để giám sát an toàn và chất lượng. Đó là một phần của thỏa thuận nhận tội mà công ty đã đạt được để giải quyết các cáo buộc hình sự rằng công ty đã cố tình đánh lừa FAA trong quá trình kiểm định chất lượng dòng 737 MAX 8 nhằm che giấu thông tin về lỗi thiết kế.
Việc FAA phê duyệt hai phiên bản mới của 737 Max, Max-7 nhỏ hơn và Max-10 lớn hơn, đã phải dừng lại sau sự cố của Alaska Airlines. Boeing cũng liên tục hoãn lại thời điểm ra mắt dự kiến của máy bay phản lực thân rộng 777X mới của mình. Chiếc máy bay ban đầu được hứa hẹn sẽ giao cho khách hàng vào năm 2020, hiện dự kiến sẽ không được giao hàng cho đến ít nhất là năm 2026, sau nhiều vấn đề trong các chuyến bay thử nghiệm.
Theo các chuyên gia, Boeing cần nhiều hơn là chỉ những phiên bản mới hơn của những chiếc máy bay hiện có như 737 Max và 777. Biểu tượng hàng không Mỹ cần một mẫu máy bay hoàn toàn mới để cạnh tranh với Airbus 321neo. Boeing đã nói về việc phát triển một chiếc máy bay cỡ trung có tầm bay xa hơn trong hơn một thập kỷ, nhưng những nỗ lực đó đã bị trật bánh bởi những vấn đề của 5 năm trở lại đây.
Ông Trump sẽ thúc đẩy xuất khẩu khí đốt, khoan dầu ngay khi nhậm chức
- Ông Putin trấn an ‘không có gì hoảng sợ’ khi đồng rúp lao dốc 29/11/2024 11:30
- Giá cà phê cao nhất 47 năm do thiếu nguồn cung 29/11/2024 10:29
- Châu Á được mua dầu giá rẻ nếu ông Trump giáng đòn thuế quan lên Canada, Mexico 29/11/2024 09:15
Những hình ảnh đầu tiên công viên giải trí khổng lồ trên Đảo tỷ phú ở Hải Phòng
(VNF) - Vinhomes Royal Island cũng là đại đô thị đầu tiên sở hữu riêng một công viên vui chơi giải trí VinWonders với Safari ngay trong nội khu.