Ông Putin trấn an ‘không có gì hoảng sợ’ khi đồng rúp lao dốc
(VNF) - Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng không cần phải hoảng sợ về việc đồng rúp mất giá và rằng sự biến động của đồng tiền này bị ảnh hưởng bởi các khoản thanh toán ngân sách và sự thay đổi theo mùa.
- Đồng Rúp lao dốc, kinh tế bấp bênh: Nước Nga bất ổn từ bên trong? 27/11/2024 08:30
“Theo tôi, tình hình đã được kiểm soát và hoàn toàn không có lý do gì để hoảng sợ”, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời người đứng đầu Điện Kremlin.
“Về biến động tỷ giá hối đoái, điều này không chỉ liên quan đến quá trình lạm phát, mà còn liên quan đến các khoản thanh toán cho ngân sách, liên quan đến giá dầu. Có nhiều yếu tố mang tính chất theo mùa”, ông Putin nói thêm.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cũng cho rằng sự suy giảm này không mấy nghiêm trọng. Ông nói với một phóng viên ngày 28/11 rằng điều này sẽ không ảnh hưởng đến người dân Nga bình thường.
Đồng rúp Nga đã giảm 8,5% chỉ trong một ngày vào ngày 27/11 và chạm mức 114,5 rúp đổi 1 USD, mức chưa từng thấy kể từ tháng 3. Nhìn chung, đồng tiền này đã giảm 11% trong một tuần.
Trong thông báo mới nhất, Ngân hàng trung ương Nga cho biết họ đã quyết định đình chỉ mua ngoại tệ trên thị trường trong nước từ ngày 28/11 cho đến cuối năm.
"Quyết định được đưa ra để giảm sự biến động của thị trường tài chính", ngân hàng cho biết trong một tuyên bố.
Nguyên nhân trực tiếp của việc đồng rúp tăng giá là làn sóng trừng phạt gần đây của Mỹ. Vào ngày 21/11, Mỹ đã trừng phạt khoảng 50 ngân hàng Nga có kết nối với hệ thống tài chính toàn cầu, bao gồm Gazprombank, ngân hàng phục vụ thanh toán quốc tế cho các hoạt động xuất khẩu khí đốt quan trọng. Điều này đã tạo ra một cơn sốt đồng USD, mặc dù vấn đề này đã tồn tại trong một thời gian.
Đầu tiên, đồng USD đã mạnh lên so với các loại tiền tệ chính và giá dầu đã giảm sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, điều khiến thị trường kỳ vọng vào lời hứa về tăng trưởng tốt hơn của Mỹ và tăng sản lượng dầu.
Thứ hai, chi tiêu của chính phủ Nga tăng trong quý IV, được cho là một hiện tượng bình thường, mặc dù con số của năm nay cao hơn so với những năm trước. Điều này tạo ra sự dư thừa rúp, hay nói cách khác, nguồn cung rúp cao hơn trên thị trường hối đoái.
Sau đó, vào tháng 10, chính phủ Nga cho phép các nhà xuất khẩu hồi hương 1/4 doanh thu ngoại hối của họ. Điều này tạo ra sự sụt giảm dự kiến trong nguồn cung USD.
Hơn nữa, chi phí hoạt động xuyên biên giới liên tục tăng do lệnh trừng phạt đối với các bên trung gian, cả thương mại và tài chính, được thắt chặt. Điều này dẫn đến giá nhập khẩu tăng và doanh thu xuất khẩu giảm, do đó làm cán cân hối đoái nghiêng về đồng rúp yếu hơn.
Và cuối cùng, các lệnh trừng phạt kéo theo nhu cầu về USD ngày càng tăng do lo ngại tình trạng thiếu hụt sẽ còn trầm trọng hơn.
Cầu tăng và cung giảm dẫn đến tỷ giá hối đoái giảm.
Các chuyên gia cho rằng ngân hàng Nga không thể làm được gì nhiều, ngoài việc giảm mua ngoại tệ từ thị trường, theo chính sách tài khóa chuyển thêm doanh thu từ dầu mỏ vào Quỹ Phúc lợi Quốc gia trong những lúc khó khăn.
Họ không thể tăng lãi suất xa quá mức 21% vốn đã rất cao, điều này đang khiến các yếu tố phi quân sự của nền kinh tế chậm lại và đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo các chuyên gia, phương án khả dĩ nhất với Nga lúc này là yêu cầu các nhà xuất khẩu bán một phần doanh thu ngoại tệ của họ để lấy rúp.
Điều này có thể giúp ngăn chặn sự suy giảm, nhưng nó sẽ chuyển vấn đề sang các nhà xuất khẩu. Khi họ chuyển doanh số từ USD/euro sang rúp để tránh rủi ro bị trừng phạt, họ có ít hàng để bán hơn và dù sao cũng cần tiền tệ cho hoạt động của chính họ.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho hay tỷ giá hối đoái yếu sẽ mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế chịu nhiều sức ép. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời, không thể thay thế sự ổn định dài hạn của đồng tiền.
Đồng rúp yếu cũng giúp điện Kremlin tăng cường ngân sách, với nguồn thu lớn đến từ xuất khẩu năng lượng, để chi trả cho hoạt động quân sự ở Ukraine cũng như chi tiêu công.
Theo các nhà phân tích tại Rosbank, xu hướng đồng rúp mất giá có thể kéo dài tới năm 2025 nếu các yếu tố địa chính trị và hạn chế giao thương không được cải thiện.
Đồng rúp giảm sâu, Ngân hàng trung ương Nga can thiệp khẩn cấp
- Giá cà phê cao nhất 47 năm do thiếu nguồn cung 29/11/2024 10:29
- Châu Á được mua dầu giá rẻ nếu ông Trump giáng đòn thuế quan lên Canada, Mexico 29/11/2024 09:15
- Ông Trump sẽ thúc đẩy xuất khẩu khí đốt, khoan dầu ngay khi nhậm chức 28/11/2024 03:15
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.