Đồng Rúp lao dốc, kinh tế bấp bênh: Nước Nga bất ổn từ bên trong?
(VNF) - Đồng nội tệ của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm so với đồng USD sau các lệnh trừng phạt mới và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Đồng rúp giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm
Đồng rúp của Nga tiếp tục suy yếu so với USD vào ngày 25/11, giao dịch ở mức 104 rúp đổi 1 USD. Đồng tiền này hiện đang ở mức yếu nhất so với đồng USD kể từ tháng 3/2022, khi Nga bắt đầu đưa quân tới Ukraine.
Các nhà đầu tư đã hoang mang sau khi Mỹ áp đặt các hạn chế mới đối với Gazprombank của Nga vào cuối tuần trước. Trước quyết định này, Gazprombank vốn là ngân hàng lớn cuối cùng của Nga chưa bị Mỹ đưa vào danh sách đen.
Những hạn chế mới này hạn chế khả năng tham gia vào hoạt động thương mại tài chính toàn cầu của Gazprombank và cũng ngăn cản ngân hàng này xử lý các giao dịch liên quan đến thương mại năng lượng, nghĩa là khách hàng châu Âu không thể thanh toán cho khí đốt của Nga.
Những hạn chế mới nhất đang làm tăng thêm mối lo ngại về nền kinh tế suy yếu của Moscow, vốn đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tại Ukraine.
Doanh thu năng lượng của Nga đã giảm gần 1/4 vào năm ngoái, một phần là do các hạn chế thương mại của phương Tây bao gồm mức giá trần 60 USD một thùng đối với dầu của Nga.
Sự sụt giảm của đồng rúp cũng được thúc đẩy bởi việc Nga bắn một tên lửa siêu thanh mới vào Ukraine vào ngày 21/11, một biện pháp trả đũa sau khi Ukraine bắn các tên lửa do Mỹ và Anh sản xuất vào Nga vào đầu tuần.
Các nhà nghiên cứu quân sự cho biết tên lửa mới của Nga, được Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi là "Oreshnik", đang làm gia tăng nỗi lo ngại về địa chính trị ở nước ngoài, vì tên lửa này có thể được sử dụng để phát đi tín hiệu đe dọa hạt nhân.
Tỷ giá hối đoái rúp - USD đã giảm 14% trong năm nay, một phần là do danh sách dài các mối quan ngại về kinh tế của Nga. Bất chấp lãi suất cao, thường thúc đẩy giá trị đồng tiền của một quốc gia, lạm phát vẫn tiếp tục tăng vọt ở Moscow, trong khi triển vọng tăng trưởng dài hạn có vẻ yếu.
Kinh tế bấp bênh
Một số nhà kinh tế dự đoán rằng Nga có thể đang trên đà bước vào giai đoạn đình lạm, một tình huống mà lạm phát vẫn ở mức cao và tăng trưởng trì trệ.
Nền kinh tế từng phục hồi mạnh mẽ trước đây được thúc đẩy bởi sản xuất thời chiến và chi tiêu của chính phủ, giờ đây đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
Kể từ cuối tháng 2/2022, Nga đã ưu tiên chi tiêu quân sự, tập trung nguồn lực vào sản xuất xe tăng, tên lửa và quân phục...
Chi tiêu quân sự đã tăng lên mức chưa từng thấy kể từ thời Liên Xô, nhằm tăng cường cỗ máy sản xuất vũ khí và trả lương hậu hĩnh cho hàng trăm nghìn binh sĩ ở tiền tuyến. Điều này đã thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, mặt trái của sự huy động này là một hiện tượng được gọi là "nền kinh tế quá nóng" trong đó lạm phát tràn lan.
Ngoài ra, lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Trung ương tăng lên mức cao nhất trong 20 năm là 21%, chi phí đi vay đang gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tình trạng phá sản của các công ty đang trở thành mối lo ngại thực sự khi các công ty phải đối mặt với thị trường lao động thu hẹp và tiền lương tăng cao trong khi phải vật lộn để duy trì khả năng cạnh tranh.
Những khó khăn của ngành bất động sản cũng làm nổi bật lên tình trạng bấp bênh của nền kinh tế Nga. Khi lãi suất thế chấp tăng vọt, thị trường nhà ở đã thực sự bị đóng băng.
Lãi suất cao cũng ngăn cản đầu tư của doanh nghiệp. Ông Sergei Chemezov, người đứng đầu tập đoàn nhà nước Rostec, đã cảnh báo rằng những chính sách như vậy có nguy cơ kìm hãm tăng trưởng công nghiệp, trong khi các giám đốc điều hành khác cũng cảnh báo về tình trạng đình lạm.
Nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Nga sẽ chậm lại đáng kể vào năm 2025, kết hợp với khả năng suy giảm đầu tư. Trong khi Ngân hàng Trung ương khẳng định lạm phát sẽ giảm trong những tháng tới, một số nhà phân tích tin rằng tình trạng phá sản và "đau đớn kinh tế" tiếp theo là điều không thể tránh khỏi.
Tình trạng thiếu hụt lao động, nợ tăng cao và lòng tin của doanh nghiệp suy yếu tạo nên bức tranh ảm đạm cho quỹ đạo kinh tế của Nga.
Cuộc chiến đã gây ra các lệnh trừng phạt toàn diện của phương Tây, cắt đứt Nga khỏi các thị trường quốc tế quan trọng và hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến, vốn rất cần thiết cho các lĩnh vực như năng lượng và sản xuất.
Chính phủ Anh mới đây cũng đã công bố lệnh trừng phạt đối với 30 tàu trong đội tàu ngầm của Nga mà họ cho là chịu trách nhiệm vận chuyển hàng tỷ USD dầu và các sản phẩm từ dầu trong năm ngoái.
‘Nền kinh tế thời chiến của Nga chạm điểm giới hạn nhưng hoà bình có thể còn tệ hơn’
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.