Công nghệ

'Bộ ngành cấp giấy khai sinh cho các mô hình mới là thị trường cho chuyển đổi số'

(VNF) - Nhấn mạnh cái doanh nghiệp công nghệ số cần nhất chính là thị trường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh việc các bộ ngành cấp giấy khai sinh cho các mô hình mới chính là thị trường cho chuyển đổi số. Có thị trường thì sẽ có đầu tư, có công nghệ và có con người.

'Bộ ngành cấp giấy khai sinh cho các mô hình mới là thị trường cho chuyển đổi số'

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: Tuấn Mark)

Chiều 8/7, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã phát động cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Việt Nam - Viet Solutions 2020".

Viet Solutions 2020 là sự kết nối, cộng hưởng giữa các bên (cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp lớn và các nhóm/tổ chức/doanh nghiệp có các sản phẩm/giải pháp sáng tạo), cùng nhau tìm kiến các giải pháp sáng tạo, giúp giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Các lĩnh vực mà Viet Solutions 2020 tìm kiếm sản phẩm/ứng dụng sáng tạo, bao gồm sản phẩm/giải pháp ứng dụng trên di động như lĩnh vực nội dung game, nhạc, video, tin tức, multimedia và tiện ích; các sản phẩm OTT, mạng xã hội; giải pháp/ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên môi trường, sản xuất công nghiệp...

Đây là cuộc thi dành cho mọi đối tượng, đến từ tất cả các quốc gia trên thế giới. Những thí sinh tham dự ngoài việc được tạo một môi trường kết nối với các đối tác tiềm năng, còn được tham gia các khoá huấn luyện của những người hướng dẫn là chuyên gia công nghệ giàu kinh nghiệm, đi kèm với các cam kết hợp tác kinh doanh.

Đội về nhất sẽ nhận được giải thưởng tiền mặt là 200 triệu đồng. Đội về nhì và ba sẽ nhận được khoản tiền mặt lần lượt là 100 triệu đồng và 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, các đội thắng cuộc cũng có cơ hội ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Viettel và hưởng phần chia lợi nhuận lên đến 75% từ hợp đồng này.

Viettel cam kết tài trợ 100% chi phí cho 3 đội thắng cuộc tham dự cuộc thi Cup C1  Start-up tại Mỹ với tổng giá trị giải thưởng 50.000 USD hoặc tham dự Hội nghị di động thế giới (MWC) 2021 tại Barcelona (tùy theo tình hình dịch bệnh Covid-19 để áp dụng quyền lợi này).

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, khẳng định cam kết sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ có sản phẩm được lựa chọn thông qua cuộc thi này.

"Không chỉ hợp tác kinh doanh, Viettel sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoàn thiện sản phẩm thông qua các chuẩn mực quốc tế, các bài toán rõ ràng. Viettel cũng sẵn sàng mời chủ nhân giải pháp xuất sắc tham gia các diễn đàn công nghệ thế giới, các triển lãm công nghệ toàn cầu như Mobile World Congress được tổ chức hàng năm tại Barcelona để có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới”, ông Dũng nói.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Covid-19 là cơ hội và "cú hích trăm năm" để đẩy nhanh và toàn diện chuyển đổi số trên bình diện toàn bộ quốc gia, bao gồm cả kinh tế, cả xã hội, cả nhà nước, cả doanh nghiệp, cả cộng đồng, cả người dân.

Việt Nam có lợi thế là có nhiều doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin mạnh và đây là lúc phát huy để đất nước bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. 

Nhấn mạnh cái doanh nghiệp công nghệ số cần nhất chính là thị trường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh việc các bộ ngành cấp giấy khai sinh cho các mô hình mới chính là thị trường cho chuyển đổi số. Có thị trường thì sẽ có đầu tư, có công nghệ và có con người.

"Với thị trường 100 triệu dân, đây là tài nguyên lớn nhất của Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hãy coi thị trường trong nước là cái nôi để từ đây mà lớn lên, trưởng thành và đi ra toàn cầu. Giải pháp để đẩy nhanh chuyển đổi số là phát triển các nền tảng, nhất là các nền tảng của Việt Nam và cuộc thi lần này chính là để tìm kiếm các nền tảng chuyển đổi số cho Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh chuyển đổi số là cái nôi để sinh ra các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Từ đây, các doanh nghiệp, các sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số Việt Nam sẽ đi ra nước ngoài, làm rạng danh Việt Nam.

"Việc nào khó với người này thì không khó với một ai đấy. Bởi vậy, việc của các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân là đẩy các vấn đề của mình ra khỏi nhà của mình, cho nhiều người nhìn thấy. Càng nhiều người nhìn thấy thì cơ hội tìm được lời giải càng dễ hơn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đối tượng dự thi: Các cá nhân, nhóm, doanh nghiệp đang sinh sống, học tập và làm việc ở các quốc gia trên thế giới có sản phẩm/ứng dụng/dịch vụ công nghệ sáng tạo đã hoàn thiện và phù hợp với chủ đề cuộc thi.

Hình thức thi theo cá nhân hoặc đội, nhóm, tổ chức, công ty. Tất cả các thành viên cá nhân/trong đội thi phải đủ 18 tuổi và ít nhất một thành viên có thể trình bày ý tưởng bằng Tiếng Anh, trừ trường hợp được sự chấp thuận của Ban Tổ chức.

Số lượng sản phẩm/giải pháp dự thi là không giới hạn. Tuy nhiên, các ý tưởng, chưa hình thành sản phẩm/giải pháp hoàn chỉnh sẽ không đủ tiêu chuẩn dự thi.

Các sản phẩm/giải pháp đã và đang hợp tác với Viettel tại tất cả các thị trường; Sản phẩm/giải pháp đã lọt vào vòng chung kết của Viettel Advance Solutions Track 2019 sẽ không được tham gia dự thi Viet Solutions 2020.

Các sản phẩm/giải pháp đã đăng ký hoặc thuộc quyền sở hữu của một doanh nghiệp buộc phải đăng ký tham gia ở Nhóm Doanh nghiệp khởi nghiệp. Mọi sai phạm khi phát hiện, Ban tổ chức được phép hủy quyền dự thi của ứng viên.

Sản phẩm/giải pháp đạt giải Vô địch VietChallenge các mùa giải sẽ không được lựa chọn tham dự vòng chung kết quốc tế C1 - Startup tại Mỹ.

Bài dự thi sẽ được gửi online qua website: http://vietsolutions.net.vn/. Vòng sơ khảo sẽ bắt đầu từ 8/7 – 20/9/2020. 10 đội có điểm thi cao nhất sẽ được chọn tham dự vòng chung kết.

Từ ngày 21/9 – 10/10, 10 đội tham gia vòng chung kết sẽ được đào tạo các kỹ năng cần có cho một start-up bởi các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đến từ các trường đại học kinh tế hàng đầu như Harvard, Quỹ đầu tư thiên thần quốc tế và các CEO danh tiếng. Những đội này sẽ thuyết trình trực tiếp về giải pháp, sản phẩm trong buổi thi cuối.

Một bộ hồ sơ dự thi bắt buộc gồm: Bản đề án dưới dạng slide thuyết trình. Bản đề án sẽ tập trung vào những câu hỏi: Thị trường mục tiêu. Quy mô thị trường; Vấn đề hiện hữu tại thị trường này. Các giải pháp của đội; mô hình kinh doanh của đội, cách vận hành mô hình; giải thích sự ưu việt của giải pháp này so với các giải pháp đang được áp dụng; đội đã có sản phẩm mẫu, chạy thử hoặc có khách hàng chưa? liệt kê tên và vai trò của tất cả các đồng sáng lập doanh nghiệp trong đội, nêu ngắn gọn kinh nghiệm và quá trình học tập của mỗi nhà đồng sáng lập.

Ngoài ra còn đoạn video từ 1-3 phút trình bày về ý tưởng kinh doanh sản phẩm của đội.

Tin mới lên