Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh có nên là đại biểu Quốc hội?

Đinh Duy Hoa - 11/11/2019 07:16 (GMT+7)

Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh có nên là ĐBQH và đại biểu chuyên trách còn có ý kiến khác nhau. Tây thế nào và ta nên như thế nào là một số điểm cần làm rõ thêm.

VNF
Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh có nên là đại biểu Quốc hội?

Thảo luận tại Quốc hội về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội ngày 29/10 vừa qua, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, đã đến lúc xem lại số lượng ĐB chuyên trách. Băn khoăn "Phải chăng cứ bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải là ĐBQH", ông cũng bày tỏ muốn chuyển ghế QH cho ĐB chuyên trách để QH tăng số ĐB chuyên trách không chỉ lên 35% mà 50-60%. 

Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh có nên là đại biểu Quốc hội?

Giải thích rõ hơn với báo chí sau đó, Bộ trưởng cho rằng: “Như tôi là Bộ trưởng không nhất thiết là ĐBQH mà vẫn có thể đảm đương trách nhiệm thuộc thẩm quyền từ trước đến nay”.

Trong thực tế, từ nhiều năm nay, QH là một trong các cơ quan nhà nước có nhiều thay đổi tích cực về tổ chức và hoạt động nằm trong tiến trình đổi mới chung của đất nước.

Đáng chú ý là những thay đổi về tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, giảm số lượng thành viên Chính phủ đồng thời là ĐBQH, tăng số lượng ĐB không phải là đảng viên, tăng các cơ quan, tổ chức giúp việc, tăng cường hiệu quả của công tác giám sát tối cao…

Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh có nên là ĐBQH và ĐB chuyên trách có vẻ như là một số ít vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Vậy thực chất ra sao, tây thế nào và ta nên như thế nào là một số điểm cần làm rõ thêm.

Hai hệ thống

Đối với đa phần các nước, đây lại là vấn đề đơn giản, ăn theo tính chất của hệ thống tổ chức nhà nước. Về nguyên tắc, trên thế giới chỉ có 2 hệ thống, đó là hệ thống tổng thống chế và hệ thống đại nghị chế.

Trong hệ thống tổng thống chế mà điển hình là Mỹ, các nước áp dụng theo như Hàn Quốc, Brazil, Philippines… thì có sự tách bạch rõ giữa 2 nhánh quyền lực nhà nước là lập pháp và hành pháp. Vận dụng vào vấn đề nhân sự có nghĩa là người của hành pháp như bộ trưởng không thể là nghị sỹ được.

Như vậy, trong hệ thống này, tổng thống, bộ trưởng không tham gia nghị viện, không là nghị sỹ. Những dự án luật, chính sách do chính phủ trình nghị viện sẽ được các nghị sỹ thuộc đảng của tổng thống thuyết minh, giải trình và bảo vệ để cố gắng được thông qua.

Trong khi đó, hệ thống đại nghị chế mà điển hình là Anh, Đức, Nhật áp dụng theo… lại có sự kết hợp chặt chẽ giữa lập pháp và hành pháp. Thủ tướng và đa số bộ trưởng đồng thời là nghị sỹ.

Thậm chí, nhiều bộ liên bang ví dụ của CHLB Đức không chỉ bộ trưởng là nghị sỹ, mà còn có 1 hoặc 2 quốc vụ khanh nghị viện, tức 2 thứ trưởng của bộ chịu trách nhiệm thay bộ trưởng thường xuyên quan hệ với nghị viện và đương nhiên 2 vị này cũng là nghị sỹ. Hệ thống này có phần thuận hơn so với hệ thống tổng thống chế khi nghị viện thông qua luật và các chính sách khác vì đa số nghị sỹ là đảng viên của đảng hoặc liên minh đảng cầm quyền.

Cả 2 hệ thống này đều giống nhau ở việc tổ chức ra các nhóm nghị sỹ theo đảng phái. Có bao nhiêu đảng có đại diện là nghị sỹ trong nghị viện thì về cơ bản sẽ có bấy nhiêu nhóm đảng phái trong nghị viện.

Tại nghị trường các nước, chủ yếu tổ chức theo đảng phái, đó là nhóm các nghị sỹ của cùng một đảng. Gần như đã có sự phân công trong nội bộ từng nhóm này: ai phụ trách mảng nội dung gì, lúc cần phát biểu ra sao… Cho nên, có những phiên họp nghị viện rất vắng vì tại phiên đó không có sự tranh luận giữa các nhóm nghị sỹ về những nội dung nhất định và đặc biệt là không có sự biểu quyết thông qua luật hoặc chính sách.

Không họp trong trường hợp này cũng không nghiêm trọng. Nhưng sẽ khác hẳn khi tại phiên họp có biểu quyết. Lúc này là lúc đảng cần sự có mặt của nghị sỹ đảng mình và biểu quyết theo phương án đảng đã đưa ra từ trước. Cho nên, ở nghị viện các nước, nghị sỹ nào đó không phát biểu cũng không sao.

Thậm chí cứ cố phát biểu mà lại mâu thuẫn với đường lối của đảng mình là có chuyện. Thường trong trường hợp này sẽ có câu chuyện tuyên bố rời khỏi đảng mà mình là đảng viên, để trở thành nghị sỹ độc lập.

Hệ thống đặc thù

So sánh với ta thì xem ra ta không giống hệ thống nào, không phải tổng thống chế, cũng chẳng phải đại nghị chế, mà có lẽ là hệ thống đặc thù, tức “đặc thù Việt Nam". Đã đặc thù như vậy thì cũng thấy ngay mọi thứ liên quan tới câu chuyện ĐBQH nước ta là rất đặc thù.

Đặc thù thứ nhất là người làm việc ở bộ máy TƯ về địa phương để được bầu là ĐBQH của địa phương đó. Tính chất đại diện cho cử tri địa phương và đại diện cho cử tri cả nước đã có sự khác nhau khá rõ ở điểm này.

Tiếp đến là sự đặc thù về đoàn ĐBQH theo tỉnh. Dấu ấn đoàn ĐB theo tỉnh hằn rất rõ trong tổ chức và hoạt động của QH. Họp theo đoàn, bàn bạc để thống nhất nhiều vấn đề theo đoàn, phát biểu tại nghị trường… Và chỗ này lộ ra có những vị ĐB trong suốt 5 năm chưa một lần phát biểu ở hội trường. Đây cũng là điểm khác căn bản giữa đại biểu của ta so với nghị sỹ các nước.

ĐB chuyên trách nên như thế nào là phù hợp?

Chuyển sang vấn đề khác là đại biểu chuyên trách nên như thế nào là phù hợp. Hiện tại ĐB chuyên trách chiếm khoảng gần 35% tổng số ĐBQH và dự kiến nâng lên 40%.

Thực ra 40% vẫn còn hơi ít so với nhu cầu công việc của QH và các cơ quan của QH. Mặt khác, câu chuyện chất lượng của ĐB cũng cần được lưu ý để bảo đảm hiệu quả hoạt động của QH.

Cuối cùng là vấn đề bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh có nên là ĐBQH hay không. Không nên máy móc cho rằng nếu thành viên Chính phủ đồng thời là ĐBQH thì có sự xung đột lợi ích, anh vừa là hành pháp lại vừa là lập pháp, tức là có hiện tượng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Nếu vậy rất nhiều nước theo hệ thống đại nghị chế sẽ có sự xung đột lớn vì đa phần thành viên chính phủ đồng thời là nghị sỹ.

Mấy khóa QH gần đây, đã có sự giảm liên tục số lượng bộ trưởng đồng thời là ĐBQH. Giả sử, giảm đến mức tuyệt đối số lượng thành viên Chính phủ tham gia QH, tức là chỉ còn mình người đứng đầu Chính phủ là ĐBQH, thì kịch bản nào sẽ xảy ra khi QH thảo luận để thông qua luật và quyết định các chính sách quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?

Chúng ta cũng giống như các nước, đa phần các dự án luật, chính sách do Chính phủ trình QH xem xét, do đó khi thảo luận tại nghị trường, tại đoàn thì tiếng nói trực tiếp của thành viên Chính phủ với tư cách là ĐBQH là hết sức cần thiết.

Hơn nữa, sự gắn bó giữa hoạch định thể chế, chính sách với thực tiễn sẽ được bảo đảm hơn khi có sự hiện diện của hành pháp, thậm chí của đại diện hành chính địa phương tại QH. Mặt khác, hết sức quan trọng là tiếng nói của ĐB chuyên trách sẽ được hỗ trợ, làm rõ hơn qua tiếng nói từ thực tiễn của đại biểu từ Chính phủ hoặc từ cấp hành chính cấp tỉnh.

Theo Infonet
Cùng chuyên mục
Tin khác