Bộ trưởng Công thương lo cho EVN khi DN được mua bán điện trực tiếp
(VNF) - Đó là nỗi lo của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trước thời điểm triển khai Nghị định 80 năm 2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Nghị định 80 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 3/7. Đây là một cơ chế, chính sách quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy, thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, và góp phần đáp ứng tiêu chuẩn xanh của các doanh nghiệp…
Tạo đột phá cho thị trường điện cạnh tranh
Ông Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, để ban hành được cơ chế DPPA là cả quãng đường dài từ khi nghiên cứu đến lúc được ban hành, Bộ Công thương đã nghiên cứu rất kỹ kinh nghiệm quốc tế, đánh giá và phân tích đặc điểm, điều kiện của Việt Nam. Đồng thời tham khảo ý kiến của nhiều bộ, ngành, và nhiều chuyên gia, tổ chức, cơ quan trong vàgoài nước.
Đây là cơ chế đầu tiên cho phép các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo được lựa chọn bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện bên cạnh bán điện cho các tổng công ty điện lực, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, đây là bước rất quan trọng để chúng ta có thể thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh Việt Nam.
"Hiện EVN đã tổ chức rà soát các quy trình nội bộ, trong tháng 7 này EVN sẽ hoàn thiện để làm sao phù hợp với các quy định của nghị định cũng như các pháp luật liên quan, để trong nội bộ tập đoàn, các đơn vị thành viên tổng công ty, các tổng công ty mua bán điện sẽ có triển khai được ngay", ông Võ Quang Lâm cho hay.
Tại hội nghị, nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng dành nhiều lời khen dành cho Bộ Công thương và Chính phủ Việt Nam khi đã ban hành nghị định này theo quy trình rút gọn. Song, DN cũng bày tỏ, để thực hiện được nghị định này thì còn rất nhiều điều cần phải bàn.
Theo đó, những vướng mắc chính được nêu ra là một quy đinh mới cần được cập nhập trong Luật Điện lực, cần có cơ chế giá điện hai thành phần…
Giá điện 2 thành phần là bắt buộc
Trước khi giải đáp những thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, cơ chế này hiện nay mới có ở Việt Nam nhưng đã có ở trên thế giới. Tuy nhiên, việc xây dựng phụ thuộc vào điều kiện ở Việt Nam, nên không phải giống nhau tuyệt đối ở mọi quốc gia. Cho nên quá trình hình thành và phát triển cũng sẽ có lộ trình cụ thể.
Ông Diên cho biết, Luật Điện lực sẽ được trình Quốc hội vào kì họp tháng 10 tới đây, thảo luận phiên đầu tiên.
"Nếu đạt được thống nhất, rất có thể thảo luận và quyết định ngay trong kì họp này, còn nếu không đạt được, thì cố gắng mục tiêu vào năm 2025 luật sẽ được ban hành", ông Diên nói và bày tỏ, những cái mới đang diễn ra trên thế giới có thể áp dụng vào Việt Nam đều có thể được cập nhật trong những luật sửa đổi.
Còn về giá điện hai thành phần (giá điện theo điện năng và giá điện theo công suất), theo lãnh đạo Bộ Công thương, cơ chế này bắt buộc phải được ban hành đồng thời với cơ chế mua bán điện trực tiếp hoặc cơ chế điện mặt trời áp mái.
"Sáng nay (5/7) đã có thông báo thành lập ban biên soạn chính thức xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần và dự kiến trong tháng 8 này sẽ hoàn thành... Lúc bấy giờ, chúng ta sẽ có điều kiện thu hút đầu tư, điều kiện phát triển điện cạnh tranh một cách linh hoạt", ông Diên nói.
Đưa ra lời giải thích cho việc phải có cơ chế giá điện hai thành phần khi thực hiện nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp, ông Diên cho rằng, đó là điều bắt buộc khi tỷ lệ nguồn điện năng lượng tái tạo ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện, đồng nghĩa với việc nguồn điện nền cũng phải tăng lên khi các nguồn điện tái tạo "đỏng đảnh" theo thời tiết.
"Hệ thống điện nền sẽ phải chạy không tải (không hoạt động để nhường công suất cho điện tái tạo cũng phải trả chi phí vận hành, nhân công, khấu hao…) trong thời gian có điện mặt trời, trong khi đó, khi không có gió, mặt trời thì phải dùng hệ thống năng lượng quốc gia", lý do này Bộ trưởng Công thương cho rằng, không có cơ chế giá điện hai thành phần thì các doanh nghiệp sản xuất điện nền không thể tồn tại, lúc bấy giờ bất công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất điện nên, hay nói cách khác "EVN sẽ rất bị tổn hư".
Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp quy định, những khách hàng sử dụng điện lớn có mức sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh/tháng mong muốn sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được mua điện "trực tiếp" từ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo với hai chính sách qua đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia.
Riêng với trường hợp mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo được tham gia cơ chế là đơn vị phát điện từ điện gió hoặc điện mặt trời với công suất từ 10 MW trở lên đấu nối vào hệ thống điện quốc gia trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Còn trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng sẽ không có giới hạn về công suất và loại hình năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà được cấp giấy phép hoạt động điện lực hoặc được miễn trừ giấy phép đối với lĩnh vực phát điện theo quy định.
Chính thức cho phép mua bán trực tiếp điện gió, điện mặt trời không qua EVN
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.