Booking, Agoda: Cẩu thả bảo mật và nghi án trốn thuế

Hà Tâm - 06/02/2018 19:29 (GMT+7)

Ngay sau khi một khách hàng của Agoda và Booking "tố" các đơn vị này làm lộ thông tin thẻ tín dụng, nhiều khách hàng khác cũng cho biết đã bị bốc hơi tiền trong tài khoản sau khi đặt phòng tại Booking. Không chỉ cẩu thả về bảo mật, Agoda, Booking còn dính nghi án trốn thuế.

VNF
Booking, Agoda: Cẩu thả bảo mật và nghi án trốn thuế.

Đẩy toàn bộ lỗi cho đối tác

Mới đây, một khách hàng của Agoda là ông Hiền Vũ tố cáo, ông đặt phòng khách sạn trên trang Agoda.com, nhưng sau đó, thông tin đặt phòng được Agoda chuyển sang cho Booking.com (đều trực thuộc công ty mẹ là Priceline Group). Đáng lo là, toàn bộ thông tin thẻ tín dụng của ông Vũ được Booking.com chuyển chi tiết cho nhân viên khách sạn mà không hề được mã hóa. Nếu các thông tin thẻ bị lộ này rơi vào tay kẻ xấu, ông Hiền Vũ có nguy cơ bị mất số tiền lớn.

Ngay sau khi ông Hiền Vũ lên tiếng về trường hợp của mình, một khách hàng tên là N.M cho biết, năm ngoái, sau khi đặt phòng booking.com xong, mấy ngày sau, tài khoản Visa của anh đã bị "bốc hơi" gần 7 triệu đồng cho Paypal mà không biết lý do, sau đó, anh M đã phải đóng tài khoản Visa này.

Không chỉ khách hàng đặt phòng trên Agoda hay Booking.com bức xúc, mà ngay cả đối tác của họ là các khách sạn cũng rất đau đầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, giám đốc một khách sạn tại Đà Nẵng cho biết: "Cả Agoda và Booking đều rất tệ. Trước đây, sau khi lấy chiết khấu 20%, họ chuyển cho chúng tôi số tiền còn lại, song giờ họ bắt chúng tôi phải tự rút tiền trong thẻ của khách hàng, gây mất thời gian và đẩy trách nhiệm bảo mật hoàn toàn cho phía khách sạn".

Thực tế, ngay sau khi ông Hiền Vũ tố cáo, phía Booking đã lên tiếng phủi tay, đẩy toàn bộ trách nhiệm bảo mật thông tin thẻ cho khách sạn. Hành động này của Booking càng khiến người dùng thêm lo ngại. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, xuất hiện rất nhiều cảnh báo người tiêu dùng nên khóa thẻ tín dụng của mình nếu đã từng đặt phòng tại Agoda hoặc Booking và phải cực kỳ cẩn trọng khi đặt phòng tại hai trang web này.

Nghi vấn trốn thuế, phạm luật

Theo phân tích của các luật sư, Booking và Agoda có đội ngũ tư vấn luật sừng sỏ, việc họ chuyển thẳng thông tin thẻ tín dụng của khách hàng cho khách sạn là không phạm luật, vì điều này đã được cài cắm trong điều khoản bảo mật của Booking và Agoda mà khách hàng ít khi đọc.

Trường hợp trên, rõ ràng, khách sạn thiếu chuyên nghiệp trong bảo mật thông tin thẻ của khách hàng. Tuy vậy, sự việc cũng cho thấy, Booking rất cẩu thả trong bảo mật. Đáng lẽ cung cấp cho khách sạn thông tin tín dụng của khách hàng dạng "thẻ ảo", thanh toán một lần, thì Booking lại cung cấp toàn bộ thông tin trực tiếp về thẻ tín dụng của khách hàng cho khách sạn.

Liên quan vấn đề Agoda, Booking không nhận tiền của khách rồi chuyển cho khách sạn, mà đẩy toàn bộ thông tin thẻ của khách cho phía khách sạn tự rút tiền trong thẻ của khách, giới chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng, Agoda và Booking làm như vậy là để giảm doanh thu, nhằm trốn thuế.

Hiện nay, các đơn vị kinh doanh dịch vụ đặt phòng trực tuyến nước ngoài như Agoda, Traveloka, Booking, Expedia... đang chiếm gần như toàn bộ thị phần đặt phòng trực tuyến tại Việt Nam, với doanh thu khủng, song hầu như không nộp thuế.

Đầu năm 2017, Bộ Tài chính đã ban hành công văn yêu cầu các đơn vị này phải thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp là 5% tổng doanh thu. Dù vậy, Bộ cũng thừa nhận, đây là vấn đề mới mà Bộ đang phải tiếp tục nghiên cứu.

Việc các công ty du lịch trực tuyến nước ngoài hoạt động rầm rộ tại Việt Nam, hớt váng thị trường, trong khi không đóng thuế, khiến các doanh nghiệp lữ hành trong nước nhiều lần bày tỏ bức xúc.

Lãnh đạo Vntrip.vn từng tố cáo Agoda trốn thuế. Theo Vntrip.vn, đến năm 2020, riêng doanh thu đặt phòng từ các trang web online lên tới 10,5 tỷ USD. Chỉ cần 50% doanh thu đến từ lượng khách nội địa, thì doanh số đã lên tới trên 5 tỷ USD. Trong số này, các công ty cung cấp dịch vụ môi giới như Agoda, Booking… được hưởng doanh số khoảng 1,25 tỷ USD (tính theo hoa hồng 20%). Vì thế, Nhà nước có thể thất thu hàng ngàn tỷ đồng, nếu không thu thuế được các trang web như Booking, Agoda.

Về vấn đề này, ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng cho biết, dịch vụ đặt phòng qua các trang web như Booking.com, Agoda... phát triển rất mạnh tại Việt Nam trong những năm gần đây, thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn tại Việt Nam và thu hoa hồng rất lớn, nhưng không nộp thuế.

Không chỉ tại Việt Nam, Booking.com đã từng bị cơ quan thuế của Pháp cáo buộc hành vi trốn thuế lên tới 400 triệu USD.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác