Tiêu điểm

'Bữa sáng thường trực' và kỷ lục cấp phép đầu tư

(VNF) - Ngày 1/1/2024, tỉnh Hậu Giang khởi công dự án Trường Phổ thông liên cấp FPT Hậu Giang. Đây là sự kiện kỳ vọng sẽ mở ra một năm mới rộn ràng trong thu hút đầu tư của Hậu Giang sau thành tích top 2 cả nước về tăng trưởng GDP trong 2023.

'Bữa sáng thường trực' và kỷ lục cấp phép đầu tư

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Tốc độ kỷ lục

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, đây là dự án kỷ lục, được cấp phép đầu tư và khởi công nhanh chưa từng có. Chỉ mất có 3 tuần từ ngày có chủ trương rồi hoàn thiện thủ tục và giải phóng mặt bằng đến lúc khởi công dự án. Đáp lại tốc độ kỷ lục đó của Hậu Giang, ông Bình hứa FPT sẽ triển khai dự án với tốc độ kỷ lục. Cất nóc sau 75 ngày và hoàn thành dự án sau 4 tháng để 6 sau tháng đi vào vận hành kịp đón năm học mới.

Ba tuần cho việc hoàn thành thủ tục, cấp phép đầu tư đã là một kỷ lục hiếm nhưng cũng chỉ 3 tuần để GPMB xong cho dự án là điều khó tin.

Trước nhiều câu hỏi về điều này, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khẳng định, tất cả đều phải làm đúng quy trình thủ tục. Vấn đề là cách làm để đạt được kết quả cao nhất cho tỉnh và hiệu quả cho doanh nghiệp.

Theo ông Thành, thực tế, nếu theo tuần tự thì sau khi có đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch tỉnh sẽ giao cho Phó chủ tịch phụ trách; rồi đề xuất đó của doanh nghiệp được chuyển tới các sở ngành và qua các cấp phòng ban nghiên cứu, làm báo cáo; sau đó Ủy ban nhân dân tỉnh mới họp để thống nhất sau đó báo cáo qua tỉnh ủy thống nhất chủ trương, từ đó mới cho làm các thủ tục cấp phép đầu tư. Đi hết quy trình đó thì phải đi mất khoảng 3 tháng nếu mọi việc thuận lợi nhất, nếu không sẽ 6 tháng, chưa tính thời gian làm thủ tục đất đai và giải phóng mặt bằng.

Vậy làm sao Hậu Giang có thể rút ngắn quy trình đó đảm bảo đúng quy trình? Ông Thành tiết lộ, “cơ chế” riêng ở Hậu Giang đó là những bữa sáng và cafe của các đồng chí thường trựctỉnh ủy hàng ngày. Mỗi sáng, từ 6h30 các đồng chí lãnh đạo thường trựctỉnh ủy đều có bữa ăn sáng, cafe và hội ý các công việc quan trọng trước khi bước ngày làm việc. Khi có vấn đề lớn cần thống nhất và tham mưu thì mời luôn các đồng chí phó chủ tịch hay giám đốc sở liên quan lên tham gia trao đổi cùng.

“Khi doanh nghiệp có đề xuất, ngay trong bữa sáng đầu tiên nhận được văn bản đồng chí thường trựctỉnh ủy đã trực tiếp trao đổi công khai. Cùng với đó, mời đồng chí Phó chủ tịch phụ trách, Giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư, Giám đốc Tài nguyên – Môi trường tham gia ý kiến. Nếu có đầy đủ thông tin về nhà đầu tư tốt, dự án tốt mà địa phương đang cần thì lãnh đạo cùng trao đổi và thống nhất.

Đồng thời, khi hội ý, Phó chủ tịch và các giám đốc Sở nắm được thông tin, quan điểm đã được trao đổi công khai và thống nhất, về lập tức chuẩn bị, triển khai hồ sơ để khi nhận được chỉ đạo chính thức có thể trình ngay. Nay hội ý thống nhất, mai trình và ngày kia họp để ra quyết định… chứ không thể kéo dài 3 tháng. Các bước sẽ triển khai liên tục và gần như đồng loạt để đi đến quyết định nhanh nhất”, ông Thành nói.

Câu chuyện này cho thấy nỗ lực của Hậu Giang trong việc tạo chuyển biến nhận thức và tạo hình ảnh mới về phong cách phục vụ doanh nghiệp, thông qua các hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo vệ lợi ích chính đáng cho nhà đầu tư kịp thời bằng những cam kết cụ thể, để nhà đầu tư yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh.

“Hậu Giang có slogan: “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Nhưng muốn vui trước hết phải cải cách hành chính. Hiện Hậu Giang đang tập trung thực hiên có 2 nhanh 3 tốt gồm: Nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh thủ tục đầu tư; cơ hội tốt, chính sách tốt và hạ tầng tốt”, ông Thành nhấn mạnh.

10 năm hiện thực hoá cơ hội vàng

Sau 20 năm tách tỉnh, 2023 là một năm dấu ấn với Hậu Giang khi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ 2 cả nước. Nhưng với các lãnh đạo Hậu Giang đó mới chỉ là bước khởi động cho tỉnh nhà bước vào giai đoạn tăng tốc để tận dụng cơ hội vàng trong 10 năm tới. Hậu Giang đang hội đủ các yếu tố thiên thời – địa lợi - nhân hoá để đột phá, phát triển khi nhiều thời cơ, tiềm năng mới xuất hiện cùng lúc.

Trước hết, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như một làn gió mới thúc đẩy phát triển cả một vùng tiềm năng đã nằm yên đã quá lâu. Trong đó, Hậu Giang có nhiều lợi thế khi là tỉnh trung tâm vùng Nam Sông Hậu, ngay sát đô thị lớn Cần Thơ.

Bên cạnh đó, nếu như từ trước đến nay, Hậu Giang và cả vùng chưa có km cao tốc nào thì từ nay sẽ có 300 km cao tốc. Đặc biệt, có 2 tuyến cao tốc: tuyến Cần Thơ - Cà Mau và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua vào giao nhau ở địa bàn tỉnh Hậu Giang với tổng chiều dài hơn 100km trên địa bàn tỉnh. Có cao tốc sẽ kéo doanh nghiệp đến làm ăn. Đón đầu việc này, trong quy hoạch mới được phê duyệt, Hậu Giang có 2.200 ha đất công nghiệp, lớn thứ 2 đồng bằng Sông Cửu Long.

Cùng với đó, Hậu Giang đang dồn sức phát triển với 3 đột phá về: chất lượng nguồn nhận lực; hoàn thiện thể chế chính sách – cải cách hành chính; hoàn thiện quy hoạch và chú trọng trọng xây dựng cơ sở hạ tầng với tinh thần “đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”. Bí thư Ngiêm Xuân Thành nhấn mạnh: Hậu Giang đặt mục tiêu trước 2030 thành tỉnh công nghiệp phát triển, đạt mức thu nhập khá trong vùng và tự cân đối thu chi ngân sách thì từ nay đến 2025 phải tăng trưởng kinh tế thấp nhất 8% và 2026 – 2030 phải tăng 10 – 12%.

Mới đây, Hậu Giang đã cùng với Đại học Fulbright xây dựng định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, định hướng phát triển xuyên suốt trong quy hoạch là “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm”.

Trong đó, “một tâm” là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn. “Hai tuyến” là tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu. “Ba thành” là phát triển nâng cấp các trung tâm đô thị thành phố Vị Thanh, Thành phố Ngã Bảy và Thị xã Long Mỹ. “Bốn trụ” là phát triển 4 trụ cột gồm công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng. “Năm trọng tâm” là hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

“Cơ hội vàng đang đến nhưng 10 năm tới không được tận dụng được thì cơ hôi sẽ trôi qua và chuyển sang địa phương khác khi cao tốc nối dài và mở rộng qua các vùng đất khác, các địa phương khác cũng nỗ lực cải cách và cạnh tranh phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Thành nói.

Tin mới lên