'Đầu tư tư nhân đang mất đà, tăng trưởng rất thấp 10 năm qua'

Kỳ Thư - 04/02/2024 06:51 (GMT+7)

(VNF) -Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ lo ngại, đầu tư tư nhân trong nước đang mất đà và có tốc độ tăng trưởng rất thấp trong 10 năm qua.

VNF
‘Phần lớn các khó khăn thách thức của 2023 sẽ kéo dài sang 2024, chưa có thay đổi đáng kể’.

Thách thức của năm 2023 sẽ kéo dài sang 2024

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho đến nay khi đã nhìn thấy rõ toàn cảnh bức tranh của nền kinh tế 2023, tuy có những điểm sáng nhưng phần lớn vẫn phản ánh một bối cảnh khó khăn. Về căn bản những gì còn tồn tại, thách thức của năm 2023 sẽ kéo dài sang 2024, chưa có nhiều thay đổi đáng kể.

TS Nguyễn Đình Cung.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của các quốc gia là “bạn hàng” của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện, kéo theo nhu cầu nhập khẩu có thể chưa hẳn đã tốt hơn 2023. Xuất khẩu 2024 có thể vẫn gặp khó khăn mà đây là một trong những động lực tăng trưởng của chúng ta trong nhiều năm qua.

Một khi xuất khẩu khó khăn thì sản xuất công nghiệp cũng chưa có bứt phá, vì sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu là nằm ở khu vực đầu tư nước ngoài và gắn chặt với xuất khẩu.

Môi trường vĩ mô tuy vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng không còn nhiều dư địa để có thể tiếp tục hạ lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng. Lãi suất cho vay phụ thuộc nhiều vào quyết định của các ngân hàng thương mại và quyết định giảm lãi suất cho vay đối với họ là điều không dễ dàng. Thị trường chứng khoán cũng trồi sụt, có đi lên những không bứt phá, trái phiếu doanh nghiệp khó cải thiện, bất động sản vẫn còn đóng băng.

Đặc biệt, điều chuyên gia lo ngại nhất chính là đầu tư tư nhân, những năm gần đây, đặc biệt là 2023 các thị trường trong nước sụt giảm niềm tin, mọi chỉ số đều giảm sút. Trong điều kiện như vậy, dường như đầu tư công không có tác dụng đáng kể trong việc kéo đầu tư tư nhân, dẫn đến đầu tư tư nhân trong nước đang mất đà và có tốc độ tăng trưởng rất thấp trong 10 năm qua.

“Vì vậy, điều tôi quan tâm nhất là liệu môi trường kinh doanh có cải thiện không. Bởi nếu môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện sẽ phần nào bù đắp được những khó khăn do bối cảnh bên ngoài. Môi trường kinh doanh được cải thiện sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nước, hiện đang chiếm hơn 60% tổng đầu tư xã hội”, ông Cung bày tỏ.

Nghị quyết 02: Điểm tựa niềm tin cho doanh nghiệp

Vừa qua, sau một năm gộp vào Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 về điều hành kinh tế-xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP quy định riêng về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Theo đánh giả của TS. Nguyễn Đình Cung, Nghị quyết 02 cho thấy Chính phủ nhấn mạnh và ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 nhưng không xem nhẹ ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhiều thách thức của năm 2023 chưa có thay đổi gì đáng kể.

Theo đó, việc ban hành riêng Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh năm 2024 mạnh mẽ sẽ giúp môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể. Đây là điều mà cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ, là động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và ít tốn kém nhất, khích lệ đầu tư tư nhân. Điểm mới, quan trọng của Nghị quyết 02/2021/NQ-CP là nhiệm vụ không dừng lại ở các kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh như giai đoạn trước mà là tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển tới của nền kinh tế như chuyển đổi số, kinh tế số với các kế hoạch dài hơi. 

Chính phủ xác định rõ, có những chỉ tiêu khó cải thiện trong giai đoạn ngắn, cần có chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn và lộ trình thực hiện như các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều… hay xây dựng cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững. Đặc biệt, yêu cầu phối hợp giữa các Bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ được đặt thành mục riêng.

Như vậy, yêu cầu cải cách đang được đặt mạnh hơn, đòi hỏi các Bộ, ngành vào cuộc thực chất với tâm thế là phải thay đổi. Như vậy, dư địa cải cách đang mở rộng với nhiệm kỳ Chính phủ mới, bắt đầu ngay từ các công việc hiện tại.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề xuất, từ Chính phủ tới các bộ, ngành và địa phương cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, thường xuyên đối thoại, trao đổi, nắm rõ những điểm nghẽn từ phản ánh của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ. Đặc biệt, phải đề cao vai trò của người đứng đầu trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, coi doanh nghiệp là trung tâm cải cách để việc cải cách đi vào thực chất.

Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm thuế VAT, giãn, hoãn các loại thuế phí, giảm lãi suất cho vay cần tiếp tục duy trì, thậm chí bổ sung thêm chính sách hỗ trợ mới. Đây là việc làm cần thiết và cần làm ngay để tạo “bệ đỡ” cho doanh nghiệp khi thị trường đang có những tín hiệu phục hồi, cũng như giúp cho cộng đồng doanh nghiệp có được một môi trường kinh doanh an toàn, bền vững.

Nếu không tiếp tục cải cách hoặc cải cách không đủ mạnh thì khiến doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với khó khăn, làm giảm bớt niềm tin, khí thế kinh doanh, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội đã đề ra.

Cùng chuyên mục
Tin khác