Tài chính

Bức tranh đối lập của ngành dệt may qua kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020

(VNF) - Cùng chịu chung tác động của đại dịch Covid-19 nhưng giữa các "ông lớn" ngành dệt may có sự đối lập về kết quả kinh doanh.

Bức tranh đối lập của ngành dệt may qua kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020

Một số doanh nghiệp dệt may đã chuyển hướng thành công.

Tăng trưởng mạnh nhờ đa dạng hóa sản phẩm

Dệt may là một trong những ngành chịu tác động lớn của đại dịch khi cả nguồn nguyên liệu sản xuất và thị trường xuất khẩu đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp dệt may vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2020 nhờ đa dạng hóa sản phẩm.

Báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) công bố mới đây cho thấy doanh thu quý II/2020 tăng trưởng gần 20% đã giúp doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 của doanh nghiệp này chỉ sụt giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Giá vốn hàng bán của TCM giảm mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp nửa đầu năm tăng 10%, đạt 301 tỷ đồng.

Trong 6 tháng, tổng chi phí của TCM tăng đáng kể so với năm trước. Tuy nhiên, hoạt động tài chính đã bớt lỗ nên lợi nhuận sau thuế vẫn đạt hơn 115 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tính riêng quý II/2020, lợi nhuận sau thuế của TCM là 81 tỷ đồng.

CEO May Thành Công, ông Lee Eun Hong, cho biết trong bối cảnh các đơn hàng truyền thống bị thiếu hụt, công ty đã nhanh chóng nghiên cứu và sản xuất vải kháng khuẩn để may khẩu trang và đồ bảo hộ y tế cũng như các đơn hàng vải để xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… Đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh thu xuất khẩu của TCM chỉ giảm 7% so với năm trước.

Bên cạnh đó, TCM cũng đẩy mạnh việc kinh doanh trong nước, thể hiện rõ ràng ở mảng doanh thu nội địa đã tăng 16,5% so với nửa đầu năm 2019, đạt 175,9 tỷ đồng. Tương tự, doanh thu đến từ việc gia công cũng tăng gần gấp đôi, đạt 120 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp dệt may khác có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn này là Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HoSE: GIL).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Gilimex đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.600 tỷ đồng. Tương tự May Thành Công, Gilimex cũng ghi nhận tổng chi phí tăng mạnh trong nửa đầu năm, trong đó chi phí bán hàng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019, đạt hơn 72 tỷ đồng.

Khép lại quý II, GIL báo lãi sau thuế 6 tháng hơn 103 tỷ đồng, tăng 65% so với nửa đầu năm 2019.

Theo mức doanh thu và lợi nhuận mục tiêu năm 2020 cao nhất mà Gilimex đặt ra thì kết quả trên đã hoàn thành 82% kế hoạch doanh thu và 64% kế hoạch lợi nhuận.

Gilimex sản xuất đa dạng các mặt hàng dệt may như sản phẩm trong gia đình, túi xách, balo, đồ dùng ngoài trời, quần áo,... Theo chia sẻ của ban lãnh đạo tại ĐHCĐ thường niên 2020 thì Gilimex đã có đủ đơn hàng cho năm 2020.

Bên cạnh những ngành nghề kinh doanh cốt lõi thì doanh nghiệp này cũng “rộn ràng” với các thương vụ M&A để lấn sân sang lĩnh vực khác. Được biết, ĐHCĐ GIL cuối năm 2019 đã phê duyệt việc đầu tư của Gilimex vào dự án khu công nghiệp Phú Bài 4 với vốn góp là 255 tỷ đồng, tương đương 51% vốn điều lệ.

Ở ĐHCĐ GIL hồi cuối tháng 6 vừa qua, ban lãnh đạo Gilimex cũng nhận định rằng khu công nghiệp Phú Bài 4 là một trong những dự án lớn và trọng điểm của công ty, do đó ĐHCĐ GIL đã thông qua phương án tăng vốn cho dự án này.

Loạt "ông lớn" kinh doanh ảm đạm

Những doanh nghiệp dệt may chịu ảnh hưởng rõ rệt từ đại dịch Covid-19 có thể kể đến là Công ty Cổ phần May Sông Hồng (HoSE: MSH), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) và Công ty Cổ phần May Việt Tiến (UPCoM: VGG)

Theo đó, Vinatex ghi nhận doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2019, đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Lãi gộp giảm gần 18%, nhờ giá vốn hàng bán được cải thiện.

Vinatex đã tiết giảm đáng kể các loại chi phí, nhưng lợi nhuận sau thuế lũy kế nửa đầu năm vẫn sụt giảm tới 20,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 276 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Vinatex cho biết, dưới tác động của dịch Covid-19, hiệu quả sản xuất kinh doanh của hầu hết các đơn vị thành viên trong tập đoàn đều sụt giảm dẫn đến kết quả hợp nhất trong quý II là không khả quan.

Khác với Vinatex, May Sông Hồng và May Việt Tiến là 2 doanh nghiệp có mức giảm giá vốn hàng bán khá ít so với mức giảm của doanh thu, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm sâu.

Cụ thể, doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm của MSH đạt 1.902 tỷ đồng, giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó giá vốn hàng bán chỉ giảm hơn 8% nên lợi nhuận gộp giảm gần 28%, chỉ còn 317 tỷ đồng.

Chi phí tài chính và chi phí bán hàng trong kỳ lần lượt đạt giá trị là 12 tỷ đồng và 61 tỷ đồng, tương ứng giảm 18% và 15% so với năm trước. Riêng chi phí quản lý doanh nghiệp - khoản chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất tăng nhẹ 4% lên gần 120 tỷ đồng.

Kết quý II/2020, lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm của MSH giảm gần một nửa so với quý II/2019, chỉ thu về 122 tỷ đồng.

Mặc dù kiểm soát chi phí có phần tốt hơn May Sông Hồng nhưng kết quả kinh doanh lũy kế 6 tháng đầu năm của May Việt Tiến vẫn không thoát khỏi sự sụt giảm.

Mức giảm giá vốn hàng bán của VGG (12,8%) ít hơn mức giảm của doanh thu (17,2%) khiến lợi nhuận gộp lũy kế nửa đầu năm chỉ đạt 273 tỷ đồng, trong khi doanh thu lũy kế ghi nhận hơn 3.200 tỷ đồng.

Tổng chi phí trong kỳ đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết lại giảm gần 4 lần cùng với khoản lỗ ròng hơn 20 tỷ đồng ở quý I đã kéo lợi nhuận sau thuế lũy kế nửa đầu năm 2020 của VGG giảm gần 82% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ còn vỏn vẹn gần 32 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo VGG cho biết, dịch Covid-19 diễn biến tại những thị trường xuất khẩu chủ yếu của tập đoàn như Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu đã làm đối tác nhập khẩu giảm và hủy số lượng lớn đơn hàng. Bên cạnh đó, sức mua trong nước cũng giảm không ít làm bức tranh sản xuất kinh doanh của May Việt Tiến nửa đầu năm 2020 không thoát khỏi sự u ám.  

Nhìn về nửa cuối năm 2020, Bộ Công Thương cho rằng doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, trên thế giới, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. Theo chu kỳ hằng năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may tại các dịp lễ, tết tăng cao.

Tuy nhiên, tình hình trong nước lại có nhiều diễn biến phức tạp khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam với “tâm dịch” tại Đà Nẵng, đang tạo ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp ngành này trong việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong nửa cuối năm.

Tin mới lên