Ngân hàng

Bước ngoặt trong tái cơ cấu ngân hàng yếu kém

(VNF) - Việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt đã có bước tiến quan trọng. Những quyết định chính thức về số phận các ngân hàng trong danh sách đặc biệt sẽ sớm được hé lộ.

Bước ngoặt trong tái cơ cấu ngân hàng yếu kém

Ảnh minh hoạ

Rõ dần bước đi của kế hoạch lớn

Trong báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện nghị quyết chất vấn, giám sát từ đầu nhiệm kỳ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: “Ngân hàng Nhà nước đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB, để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại ngân hàng này theo quy định”, báo cáo cho biết.

SCB là ngân hàng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng có tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt. Ngay sau đó, việc tái cơ cấu SCB đã được Chính phủ nhiều lần thúc đẩy và đặt ra yêu cầu phải bảo đảm minh bạch, không thất thoát tài sản, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, an toàn cho hoạt động của SCB cũng như toàn hệ thống.

Chỉ sau gần một năm được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, chủ trương tái cơ cấu SCB đã được cơ quan quản lý “chốt”, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. So với các trường hợp trước đây, mà cụ thể là 4 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt trong gần 1 thập kỷ qua thì đây là trường hợp có tốc độ xử lý nhanh. Nguyên do có thể là quy mô của SCB thuộc hàng lớn trong hệ thống cũng như tính chất đặc thù của ngân hàng này trong mối liên hệ với hoạt động bất động sản khá lớn của các cổ đông.

Đây là lần thứ 2, SCB được tái cơ cấu. Trước đó vào 2011, vụ hợp nhất 3 ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn để SCB ra đời với quy mô tổng tài sản hơn 150.000 tỷ đồng đã là trường hợp đầu tiên hợp nhất tự nguyện trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, mở đầu cho một đợt tái cơ cấu với nhiều vụ hợp nhất, sáp nhập, mua lại 0 đồng… hiếm có trong lịch sử.

Báo cáo từ NHNN cũng cho biết, với 4 ngân hàng kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank), việc tái cơ cấu cũng đã có bước tiến quan trọng.

Cụ thể, NHNN đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng. Đến nay, Chính phủ đã ban hành nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng mua bắt buộc.

NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng này. Trong khi đó, NHNN cũng đang hoàn thiện phương án, trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng mua bắt buộc còn lại.

Như vậy, sau 10 năm nằm trong diện kiểm soát đặc biệt, 2 năm nhấp nhổm với định hướng chuyển giao bắt buộc, 4 ngân hàng này cũng đã có hướng mở cho số phần của mình. Bước tiến này càng trở nên thực tế khi lãnh đạo VPBank cho biết, nhà băng này đã sẵn sàng nguồn lực để tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc. Mặc dù không tiết lộ tên ngân hàng được chuyển giao nhưng thị trường đã có nhiều thông tin về việc VPBank tiếp cận GP Bank để khởi động quá trình chuyển giao từ nhiều tháng trước.

Trong khi đó, những đối tác của CBBank, OceanBank, DongABank cũng đã dần lộ diện khi kế hoạch tiếp nhận chuyển giao bắt buộc đã được Vietcombank, MBBank, HBBank bàn thảo công khai trong các đại hội đồng cổ đông 2 năm qua.

Những việc tiếp theo

Tái cơ cấu các ngân hàng nhỏ hay yếu kém gần đây có nhiều diễn biến tích cực và có không khí thuận chiều với kết quả khả quan từ PGBank và Eximbank

PGBank không phải là ngân hàng yếu kém nhưng quy mô nhỏ và phải tự tái cơ cấu khi cổ đông lớn nhà nước Petrolimex buộc phải thoái vốn. Cuối tháng 10/2023, PGBank sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông nhằm bầu HĐQT với các nhà đầu tư mới, ra mắt ban điều hành… đánh dấu quá trình chuyển giao thuận lợi. Đây là tín hiệu hiệu lộ trình tiếp theo sẽ thuận lợi cho PGBank.

Còn ở Eximbank, sau khi các nhóm cổ đông đã đạt được thoả thuận, một dàn lãnh đạo mới dần nắm quyền để đưa ngân hàng tốp đầu một thời quy trở lại với quỹ đạo phát triển. Kết quả kinh doanh của Eximbank bắt đầu tốt lên từ nửa cuối 2022 cho thấy hướng đi đúng và sẽ được đẩy nhanh tốc độ trong thời gian tới.

Đối với 4 ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc, các bước tiếp theo sau quyết định về chủ trương chuyển giao dù chỉ về mặt trình tự, thủ tục để hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc trình Chính phủ ra quyết định chính thức cũng khá phức tạp.

Theo NHNN, các ngân hàng phải thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi các tổ chức tư vấn định giá phát hành chứng thư thẩm định giá, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá doanh nghiệp của 3 ngân hàng mua bắt buộc. Hiện Kiểm toán Nhà nước đang làm việc với NHNN, 3 ngân hàng mua bắt buộc, đơn vị tư vấn để đối chiếu số liệu kiểm toán trước khi gửi NHNN báo cáo kết quả kiểm toán theo quy định.

Đây là một công việc rất chi tiết với hàng núi số liệu của các ngân hàng từ cả chục năm qua liên quan đến nhiều vấn đề hoạt động kinh doanh nên khó mà nhanh được. Chưa kể, việc này còn phải tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan… mà ở đâu cũng có nguy cơ kéo dài vì “phức tạp, chưa có tiền lệ”.

Tuy nhiên, theo tiết lộ từ các ngân hàng nhận chuyển giao, đó chỉ là khởi đầu, chưa thực sự nan giải và đau đầu nhất. Thực chất của tái cơ cấu sẽ bắt đầu sau khi phương án chuyển giao được phê duyệt. Đó là lúc đi vào xử lý “hậu quả” với nhiều vấn đề: thua lỗ hàng chục nghìn tỷ, xử lý nợ và tài sản đảm bảo, tổ chức lại hệ thống và đạo tạo nhân lực, công nghệ và sản phẩm… và trên hết là phải thiết lập được 1 chiến lược cho ngân hàng “con” yếu ớt này.

Đặc biệt, điều mà các cổ đông các ngân hàng nhận chuyên giao lo ngại và cho là chưa thể lường hết được là ảnh hưởng của ngân hàng được chuyển giao đối với kết quả kinh doanh của ngân hàng nhận chuyển giao sẽ ở mức độ nào. “Đó thực sự là một ẩn số. Một ngân hàng đã thua lỗ âm vốn, buộc mua lại 0 đồng và tiếp tục tồn tại với tất cả các vấn đề gần như chưa được giải quyết dứt điểm và ngày có xu hướng càng trầm trọng hơn trong suốt 10 năm qua sẽ ở mức độ như thế nào?”, lãnh đạo một ngân hàng nhận chuyển giao nói.

Trong khi đó, một chuyên gia sau khi được tham vấn đã bày tỏ: “Với tốc độ phát triển của ngân hàng trong 10 năm qua, thì các nền tảng, hệ thống của ngân hàng yếu kém này đều đã ở thế hệ cũ, khó mà vận dụng được nữa, chỉ còn lại nợ phải xử lý là hiển hiện trước mắt, nhưng sau nợ là tài sản rất lớn. Vấn đề là xử lý sao cho có lợi nhất”.

Từ khoá: SCB, CBBank, OceanBank, GP Bank, DongABank,
Tin mới lên