(VNF) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang tiến hành điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) và các đơn vị có liên quan.
Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, căn cứ Điều 25, 26 Bộ luật Tố tụng hình sự, C46 đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương phối hợp cung cấp số liệu về tình hình biến động, các lần điều chỉnh tăng giảm giá nhiên liệu (xăng, dầu diesel) tỷ lệ tăng giảm theo năm và tăng giảm từ năm 2010 – 2017.
C46 sẽ cử điều tra viên có giấy giới thiệu trực tiếp đến làm việc và tiếp nhận kết quả trả lời.
Trước đó, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có kết luận về việc thanh tra 20 công ty trực thuộc VICEM.
Theo Kết luận, các khoản công nợ phải thu của 20 đơn vị trực thuộc VICEM lên tới hơn 4.000 tỷ đồng, gồm các khoản thuế nợ ngân sách nhà nước 326 tỷ đồng và các khoản công nợ phải thu khác trên 3.121 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm 31/12/2015, số công nợ phải thu của 20 đơn vị này vẫn còn hơn 937 tỷ đồng.
Kết luận cũng cho biết riêng các khoản công nợ đến hạn và khó đòi tại Công ty Cổ phần Vicem thương mại Xi măng (đơn vị thành viên của Vicem) đến nay đã hơn 36 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% vốn điều lệ, tiềm ẩn khả năng thâm hụt vốn nhà nước đã đầu tư vào công ty này.
Quá trình thanh tra cũng cho thấy, các khoản phải thu tại 12 công ty thành viên ngày càng tăng, 5 công ty không bảo đảm khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, 10 công ty có tốc độ gia tăng vốn năm 2015 thấp hơn năm 2014.
Bên cạnh đó, nhiều công ty thuộc Vicem như Công ty vận tải Hải Phòng, Công ty vận tải Hoàng Thạch... không hoàn thành chỉ tiêu về lợi nhuận nhưng vẫn trả thù lao cho Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, vi phạm quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Ngoài ra, có 2 công ty đến 31/12/2015 vẫn còn lỗ luỹ kế lớn như Công ty Xi măng Hải Phòng, Công ty Vật liệu xây dựng Đà Nẵng (lỗ lũy kế 4.000 tỷ đồng). Công ty mẹ Vicem còn vi phạm nghiêm trọng trong tăng vốn điều lệ khi chưa có quyết định của Bộ Xây dựng...
Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem đang được VICEM chuyển nhượng vì đầu tư không hiệu quả
Được biết mới đây, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đã có kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại VICEM.
Theo Kết luận, VICEM có 6 dự án đầu tư chưa phù hợp với thực tế và ngành nghề kinh doanh, dẫn đến phải dừng thực hiện để chuyển nhượng, thoái vốn. Điển hình là dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (đường Phạm Hùng, Hà Nội).
Dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.952 tỷ đồng, nhưng sau đó được điều chỉnh tăng lên 2.743 tỷ đồng (tăng thêm gần 800 tỷ đồng). Dù xây dựng đã 6 năm nhưng đến nay dự án vẫn chưa được hoàn thành.
Hồi năm 2015, VICEM đã có kế hoạch bán dự án này cho đối tác khác. Theo lý giải của VICEM, việc bán dự án là do trong khi lập, phê duyệt dự án đã không đánh giá đúng giá cho thuê văn phòng thị trường Hà Nội (giá thuê lập 45-50 USD/tháng nhưng giá tham khảo cùng thời điểm chỉ 28 USD/tháng) do đó nếu dự án tiếp tục thực hiện sẽ không đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Một dự án khác cũng đang tạm dừng triển khai là dự án Khu tổng hợp Vĩnh Tuy. Tính đến 30/6/2016, giá trị khối lượng nghiệm thu của dự án là hơn 67 tỷ đồng. Song đáng nói là đến tháng 7/2017, VICEM vẫn chưa được UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án.
Đây cũng là trường hợp của dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Nhà máy xi măng Bình Phước. Dự án đã được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt thu hồi 400ha đất, ra quyết định phê duyệt giá trị đề bù giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo khả thi và chưa được phê duyệt. Với 1 dự án dang dở như vậy nhưng VICEM đã "ném" vào đây hơn 200 tỷ đồng trong giai đoạn 2010 – 2016.
Cũng theo Kết luận của Bộ Tài chính, tính đến 30/6/2017, VICEM và các đơn vị được thanh tra có 15 dự án, với tổng mức đầu tư lần đầu là hơn 14.600 tỷ đồng. Sau đó, số vốn này được điều chỉnh lên hơn 17.300 tỷ đồng.
Đáng chú ý, có 3 dự án chậm triển khai dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư số tiền là gần 1.500 tỷ đồng gồm: Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (điều chỉnh tăng thêm hơn 792 tỷ đồng), dự án dây chuyền xi măng Hà Tiên 2.2 (điều chỉnh tăng thêm 646 tỷ đồng), dự án mỏ đá vôi Áng Rong (điều chỉnh tăng thêm 55 tỷ đồng).
Theo báo cáo của VICEM, tổng mức đầu tư tăng nguyên nhân chủ yếu là do quá trình thực hiện triển khai dự án còn chậm dẫn đến đơn giá nhân công, vật tư, thiết bị trượt giá và chi phí thuê đất tăng phải điều chỉnh và phải bổ sung thêm khối lượng do tính thiếu theo thiết kế kỹ thuật được duyệt. Các chi phí thay đổi theo tỷ lệ dẫn đến cũng thay đổi theo, từ đó phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư.
Ngoài ra, VICEM có 8 dự án chậm tiến độ từ 1 năm đến 6 năm, dẫn đến chưa phát huy hiệu quả sử dụng vốn.
Trả lời báo chí hồi tháng 3/2017 – sau khi Thủ tướng có yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm tra, làm rõ việc VICEM sai phạm, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng – ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐQT VICEM, nói: "Tôi thừa nhận có những cái phải rút kinh nghiệm, nhưng kết luận trên chưa diễn tả hết cái nào là ý thức, cái nào là thất thoát, cái nào là không".
Theo ông Khải, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, VICEM không phải là một công ty đơn lẻ, chưa kể các công ty trên gia công bên nọ, bên kia nên phải vay phải nợ. Khi nào bán được sản phẩm thì các đơn vị đó mới trả tiền. Do vậy, nếu cộng giá trị tạm thời trong hoạt động của các bên thì nó lên tới mấy trăm tỷ, nhưng số tiền đó không phải bị mất.
"Nếu cho rằng đó là sai phạm lớn hay thế nọ thế kia thì chắc là Bộ Xây dựng đã không để yên. Tôi cho rằng kết luận thanh tra trên có ý nghĩa nhắc nhở các đơn vị làm cho tốt và nói về các năm trước chứ vài năm trở lại đây, chúng tôi đều có lãi", ông Khải nói.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.