Với việc ban hành các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Chính phủ Việt Nam sẽ đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư năng lượng mặt trời ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các dự án điện mặt trời của Việt Nam hiện đang thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các định chế tài chính quốc tế.
Tính đến nay, Việt Nam đã có trên 80 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia, chiếm khoảng 8,28% tổng sản lượng điện cả nước. Ngoài ra, hiện cũng có khoảng 13 dự án đang được hoàn thành với tổng công suất 630 MW, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong thời gian tới.
Các dự án điện mặt trời của Việt Nam hiện đang thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các định chế tài chính quốc tế. Mới đây nhất, Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) đã ký hợp đồng cho vay trị giá 37,8 triệu USD với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển năng lượng TTC (TTC Energy) nhằm tài trợ vốn cho dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam.
Trong đó, 7,6 triệu USD sẽ được cho vay dưới dạng vốn vay ưu đãi không song song từ Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân Châu Á (LEAP) có sự góp vốn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án sẽ xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời có công suất 50 MW và các cơ sở hạ tầng đi kèm tại tỉnh Tây Ninh, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng tại các tỉnh thành khu vực phía Nam cũng như thực hiện mục tiêu phát triển và đa dạng hóa các nguồn năng lượng.
Theo ông Konaka Tetsuo - Trưởng đại diện JICA, khoản vay này nhằm cải thiện khả năng thanh toán cũng như khả năng tài chính của dự án, đồng thời tạo điều kiện để những nhà cho vay khác cung cấp nguồn vốn dài hạn để phát triển dự án. Dự án phù hợp với “Sáng kiến về cho vay và đầu tư hải ngoại cho khu vực ASEAN”, được tuyên bố trong Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 11/2019, nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng có chất lượng và đầu tư xanh cho các quốc gia khu vực ASEAN.
Một dự án điện mặt trời khác là Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) cũng đã được ADB và các đối tác tài chính cho vay 37 triệu USD để làm dự án điện mặt trời nổi đầu tiên tại Việt Nam. Đây cũng là dự án điện mặt trời nổi đầu tiên ở Việt Nam, dùng công nghệ mới và khoản vay này không có bảo lãnh Chính phủ cho một công ty. Với công suất 47 MWp, dự án điện mặt trời nổi trên hồ Đa Mi có tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng. Theo thiết kế và vận hành, nhà máy hoạt động trong thời gian 25 năm và sẽ hoàn vốn sau 13,5 năm.
Tập trung vốn đầu tư vào các dự án năng lượng sạch, trước đó JICA đã phê duyệt khoản vốn trị giá 1,5 tỷ USD tài trợ cho khu vực tư nhân thông qua Quỹ LEAP. Đến nay, Quỹ LEAP tài trợ cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng bền vững được thực hiện bởi khu vực tư nhân tại các quốc gia thành viên ADB vùng Châu Á - Thái Bình Dương và tập trung vào các lĩnh vực như giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng...
Việt Nam cũng đang trở thành điểm đến tiềm năng cho các DN nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời. Cụ thể như Tập đoàn Quadran International (Pháp) và đối tác Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, cũng đã hợp tác phát triển dự án nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp, khởi công từ tháng 9/2018, có quy mô công suất 50 MWp, đặt tại tỉnh Bình Định. Sản lượng điện năng dự kiến của dự án vào khoảng 76.500 MWh mỗi năm.
Ngoài ra, Quadran International cũng đang triển khai 2 dự án năng lượng mặt trời tại các tỉnh Bình Định và Khánh Hòa, với tổng công suất 85 MW và dự kiến tiếp tục đầu tư xây dựng từ 100- 200 MW mỗi năm. Và còn có hàng loạt các dự án đến từ các nhà đầu tư nước ngoài như: Nhà máy Tata Power công suất 300 MW tại Hà Tĩnh, Nhà máy Hanwha công suất 100-200 MW tại Thừa Thiên Huế, Nhà máy GT & Associates và Mashall & Street Ltd công suất 150 MW tại Quảng Nam...
Như vậy, các dự án đầu tư vào điện mặt trời góp phần giải bài toán vốn phát triển nguồn năng lượng sạch tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mà không cần bảo lãnh của Chính phủ, phía Việt Nam cần xem xét kỹ Luật Đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư đang được soạn thảo theo hướng đưa ra các quy định gần với chuẩn mực quốc tế, nhằm phát huy được công nghệ mới và nguồn lực gia tăng từ đóng góp của khu vực tư nhân.
Ông Konaka Tetsuo chia sẻ - JICA sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tể để đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng có chất lượng và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội tại các quốc gia và khu vực đang phát triển dựa trên cơ sở các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong đó phát triển năng lượng sạch là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone