"Người tiêu dùng ở châu Á và trên toàn cầu đang ở trạng thái hoảng loạn, với các mức độ khác nhau, khi trải qua dịch Covid-19", tờ Nikkei Asia Review bình luận.
Khẩu trang, thực phẩm và giấy vệ sinh "cháy hàng" dù các chính phủ kêu gọi bình tĩnh. Video đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy những quầy kệ trống trơn, thậm chí là ẩu đả để giành hàng hóa. Đến nay, các chính phủ, doanh nghiệp và tài phiệt trong các ngành sản xuất đã hành động để xoa dịu tình hình.
Nhật Bản
Khách hàng mua gom khẩu trang tại một hiệu thuốc khu Akihabara, Tokyo ngày 27/1. Ảnh: AFP
Mỗi sáng, người tiêu dùng Nhật Bản xếp hàng bên ngoài các siêu thị và hiệu thuốc. Sau đó, họ vét sạch khẩu trang và giấy vệ sinh khi được vào. Nguyên nhân là tin đồn trên mạng xã hội rằng nước này phụ thuộc vào giấy vệ sinh nhập khẩu từ Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phải xuất hiện giải thích, khẳng định "hầu hết giấy vệ sinh ở Nhật được sản xuất tại nước này".
Nhật Bản cũng gặp vấn đề nghiêm trọng với các doanh nghiệp và cá nhân đầu cơ khẩu trang, gom hàng và bán lại với giá cắt cổ trên Internet. Chính phủ kỳ vọng việc kết hợp giữa tăng sản xuất và xử phạt sẽ sớm chấm dứt tình trạng hỗn loạn.
Ông Abe cũng đang tăng gấp đôi nguồn cung khẩu trang trên toàn quốc, lên 600 triệu chiếc, bắt đầu từ tháng 3/2020, một phần bằng cách trợ cấp cho các nhà sản xuất. Sự thiếu hụt cũng đã khiến doanh nghiệp ngoài ngành tham gia. Nhà sản xuất điện tử Sharp tuyên bố sẽ bắt đầu làm khẩu trang y tế trong tháng này, với công suất hàng ngày là 150.000 chiếc.
Đối với việc đầu cơ bán lại kiếm chênh lệch, tuần trước, chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ cấm hoạt động này từ giữa tháng 3. Những người vi phạm có thể bị phạt tù 5 năm hoặc tối đa 3 triệu yen (29.000 USD). "Chúng tôi muốn mọi người bình tĩnh khi mua sắm", ông Abe nhấn mạnh.
Hàn Quốc
Hàn Quốc là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhưng lại ít xảy ra hoảng loạn khi mua sắm. Tuy nhiên, việc thiếu khẩu trang đã buộc chính phủ nước này hành động.
Hôm thứ hai (9/3), chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đã tổ chức một hệ thống phân phối khẩn cấp, bán 2 khẩu trang mỗi người một tuần, thông qua các hiệu thuốc, hợp tác xã nông nghiệp và bưu điện. Quyết định được đưa ra sau động thái cấm xuất khẩu khẩu trang vào tuần trước, do người tiêu dùng nước này đang phải xếp hàng nhiều giờ để được mua khẩu trang. Hiện người Hàn Quốc được phép mua khẩu trang chỉ một lần mỗi 5 ngày.
Đài Loan
Đây là nơi đầu tiên hạ lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang y tế, vào hôm 24/1, khi Covid-19 bắt đầu bùng nổ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, quyết định này cũng dẫn đến một cuộc càn quét của du khách Đài Loan đang du lịch Nhật Bản trong dịp Tết Nguyên đán. Họ đã tranh thủ cơ hội gom mua khẩu trang mang về.
Chính quyền Đài Bắc cũng quyết định trực tiếp quản lý thị trường khẩu trang. Họ yêu cầu tất cả các nhà sản xuất phải giao sản phẩm đầu ra cho chính quyền. Sau đó, khẩu trang sẽ được phân phối lại cho các nhà thuốc.
Hệ thống phân phối khẩu trang tại đây cũng quy định người lớn có thẻ y tế công cộng có thể mua 3 chiếc mỗi lần một tuần, trong khi trẻ em có thẻ y tế sẽ được mua 4 chiếc. Năng lực sản xuất khẩu trang của Đài Loan cũng đã tăng hơn gấp đôi, từ 4 triệu chiếc mỗi ngày vào tháng 1/2020 lên 10 triệu chiếc kể từ hôm 9/3.
Hong Kong
Người Hong Kong tích cực mua gom giấy vệ sinh hôm 14/2. Ảnh: AP
Kể từ Tết Nguyên đán, khẩu trang y tế, nước rửa tay và các chất khử trùng khác đã được người dân săn tìm. Tuy nhiên, hoảng loạn nhất là việc mua giấy vệ sinh - được coi là khởi đầu cho cơn sốt giấy vệ sinh tại hàng loạt nước châu Á.
Đầu tháng 2, người Hong Kong đã thu gom giấy vệ sinh do lo ngại các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ ngừng cung cấp cho thành phố. Chính quyền nhanh chóng bác bỏ tin đồn và đảm bảo rằng nguồn cung ổn định. ParknShop, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất tại đây, cho biết phải tăng gấp đôi việc giao hàng giấy vệ sinh để đáp ứng nhu cầu.
Cơn sốt giấy vệ sinh kéo dài khoảng 3 tuần. Cuối cùng, khi người dân không còn không gian để tích trữ tại nhà, sự điên cuồng chấm dứt vào cuối tháng 2/2020. Đến nay, giấy vệ sinh lại đầy ắp trong siêu thị. Tuy nhiên, nguồn cung khẩu trang và các sản phẩm y tế khác vẫn khan hiếm.
Một số người có ảnh hưởng tại Hong Kong đã ra tay. Tỷ phú Lý Gia Thành hộ tống hơn 5.000 bộ quần áo bảo hộ bằng máy bay riêng từ New Zealand về và quyên tặng 250.000 khẩu trang.
Nhóm Demosisto của Joshua Wong đã mua 1,3 triệu chiếc khẩu trang từ Mỹ và Trung Mỹ vào tháng 2. Số khẩu trang được bán giá niêm yết tại cửa hàng của tổ chức này, cũng như tặng cho người có nhu cầu.
Trung Quốc
Hoảng loạn mua sắm đang dần biến mất ở Trung Quốc, khi các công ty đẩy mạnh sản xuất. Zhang Zheming, một nhà thiết kế nội thất 35 tuổi ở Trùng Khánh, nói với Nikkei Asian Review rằng đã vội vã mua khoảng 200 chiếc khẩu trang vào cuối tháng 1 do lo ngại về nguồn cung. "Nhưng bây giờ, tôi không phải dự trữ khẩu trang nữa", Zhang nói, "Tôi có thể dễ dàng đặt mua chúng tại các nhà thuốc hoặc mang chúng đi nơi khác. Có rất nhiều khẩu trang", anh cho biết thêm.
Nhiều công ty, từ nhà sản xuất ôtô BYD đến hãng lắp ráp điện thoại Foxconn, đã chuyển sang sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc. Sinopec, một đại gia dầu khí Trung Quốc, đã biến các trạm xăng của họ thành một mạng lưới phân phối khẩu trang, bán 30.000 chiếc mỗi ngày tại 50 địa điểm ở Bắc Kinh.
Indonesia
Cảnh sát Indonesia đang đột kích các địa điểm nghi ngờ tích trữ khẩu trang y tế. Ít nhất 10 vụ bắt giữ đã được thực hiện cho đến nay, bao gồm các công nhân trong một nhà máy ở phía bắc Jakarta, được cho là sản xuất khẩu trang không đạt tiêu chuẩn.
"Tôi đã ra lệnh cho cảnh sát trưởng quốc gia có những hành động kiên quyết chống lại những người vô trách nhiệm, những người lợi dụng thời gian này để tích trữ khẩu trang và bán chúng với giá cao", Tổng thống Joko Widodo nói vào ngày 3/3.
Trước đó một ngày, nước này đã công bố hai bệnh nhân Covid-19 đầu tiên. Thông tin đã khiến người tiêu dùng đổ xô đến các hiệu thuốc và cửa hàng tiện lợi, làm căng thẳng nguồn cung khẩu trang và đẩy giá lên cao.
Singapore
Một khách hàng mua 16 bao gạo tại FairPrice Hub, Joo Koon, Singapore vào đầu tháng 2/2020. Ảnh: StraitsTimes
Singapore được đánh giá cao về việc ngăn chặn dịch bệnh, nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng hoảng loạn mua sắm. Người tiêu dùng tích trữ thực phẩm và nhu yếu phẩm sau khi chính quyền nâng mức cảnh báo từ màu vàng sang màu cam vào ngày 7/2.
Các lãnh đạo chính phủ, bao gồm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Chan Chun Sing, kêu gọi người dân bình tĩnh. Nhưng tuyên bó về một kho dự trữ khẩu trang không ngăn được dòng người xếp hàng ở hiệu thuốc và cửa hàng tiện lợi.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã lên tiếng trấn an: "Sợ hãi có thể gây hại nhiều hơn bản thân virus. Nó có thể khiến chúng ta hoảng loạn, hoặc làm những điều khiến tình hình tồi tệ hơn, như lan truyền tin đồn trên mạng, tích trữ khẩu trang hoặc thực phẩm, hoặc đổ lỗi cho các nhóm cụ thể về sự bùng phát". Sau thông điệp này, hoạt động tích trữ mới hạ nhiệt.
Thái Lan
Một số bệnh viện tư nhân đã lên tiếng lo ngại về việc mua sắm hoảng loạn dẫn đến tình trạng thiếu khẩu trang. Chính phủ đã vào cuộc, cấm xuất khẩu khẩu trang để bảo vệ nguồn cung trong nước. Hơn nữa, tất cả khẩu trang được sản xuất bởi 11 nhà sản xuất tại Thái Lan phải được chuyển đến một trung tâm phân phối của chính phủ tại Bộ Thương mại.
Tuy nhiên, khẩu trang vẫn khan hiếm ở các cửa hàng và siêu thị. Đối với những người có nhu cầu khẩn cấp, lựa chọn duy nhất là xếp hàng tại trung tâm phân phối của Bộ vào khoảng 4h sáng để có cơ hội mua tối đa 4 chiếc.
Dhanin Chearavanont, người giàu nhất Thái Lan và là Chủ tịch tập đoàn Charoen Pokphand, cho biết sẽ đầu tư khoảng 100 triệu baht (3,19 triệu USD) để sản xuất khoảng 3 triệu khẩu trang mỗi tháng. Nhà máy của ông dự kiến sẵn sàng trong vòng 5 tuần.
Ấn Độ
Một chủ nhà thuốc ở phía nam New Delhi cho biết đã nhanh chóng hết hàng vào đầu tháng 3, sau khi nước này ghi nhận sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19. "Thay vì một sản phẩm, họ đã mua tới 4-5 sản phẩm mỗi lần", ông nói.
Thứ năm tuần trước (5/3), Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan nói với quốc hội rằng chính phủ đang hạn chế xuất khẩu "các mặt hàng quan trọng", trong đó có khẩu trang N95. Ông cũng lưu ý rằng các tiểu bang cũng như chính quyền trung ương có kho dự phòng thiết bị bảo hộ y tế.
Hai ngày trước đó, nước này đã hạn chế xuất khẩu các loại thuốc như paracetamol hạ sốt và 25 thành phần dược phẩm khác, bao gồm vitamin B1 và B12. "Không cần phải hoảng sợ", Thủ tướng Narendra Modi viết trên Twitter hôm 5/3, "Chúng ta cần phải hợp tác, thực hiện các biện pháp nhỏ nhưng quan trọng để tự bảo vệ", ông nói.
Xem thêm >> Tỷ phú Elon Musk: ‘Hoảng loạn vì virus corona là xuẩn ngốc’