Cần mở rộng tài khoá trong năm 2025?
(VNF) - Không ít quan điểm cho rằng khi nền kinh tế còn nhiều bất định, sức khoẻ doanh nghiệp chưa hoàn toàn phục hồi, Chính phủ nên tiếp tục duy trì chính sách tài khoá mở rộng. Nhưng không phải ai cũng đồng ý như vậy.
Nền kinh tế đã bước sang chu kỳ mới
Trong báo cáo tổng hợp khảo sát doanh nghiệp được công bố vào giữa tháng 11/2024, Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho biết, đa số doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục hỗ trợ miễn giảm các loại thuế, phí, hoặc gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp kỳ vọng không chỉ các chính sách, chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi bão Yagi được miễn giảm, gia hạn thuế từ 1-2 năm mà cả những chính sách khác như giảm 2% thuế VAT, các gói lãi suất ưu đãi sẽ được tiếp tục triển khai.
“Đây được coi là những giải pháp có tác động nhanh chóng để doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, có điều kiện đầu tư thêm vào nghiên cứu phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh”, báo cáo của Vietnam Report nêu. Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức nhận phải nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) khẳng định việc thực hiện chính sách tài khoá mở rộng chỉ nên thực hiện đến hết năm 2024.
“Bắt đầu từ năm 2025, một chu kỳ mới mở ra, tôi không đề cập đến việc thắt chặt chính sách tài khoá, nhưng khi một chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh mới bắt đầu, khi doanh nghiệp trở lại bình thường thì nhà nước sẽ điều chỉnh chính sách trở lại bình thường. Chẳng hạn, trước đây giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% về 8%, nay quay trở lại 10%. Đây là những vấn đề, quan điểm cần có sự đồng thuận”, ông Quỳnh bày tỏ quan điểm.
Dẫn chứng từ quốc tế, ông Quỳnh cho biết, một số quốc gia thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt từ rất lâu, như Singapore tăng thuế hàng hoá, dịch vụ từ 7% lên 8% năm 2023 và lên 9% 2024, hay Cộng hòa Séc năm 2024 tăng thuế thu nhập doanh nghiệp.
“Một số các quốc gia khác thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, vì vậy, chính sách tài khoá của Việt Nam từ năm 2025 sẽ cố gắng trở lại như bình thường”, ông Quỳnh nêu rõ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính, đánh giá: Các chính sách tài khoá được thực hiện liên tục từ sau đại dịch COVID-19 cho đến nay là cố gắng nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển, đóng góp trực tiếp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới chính sách tài khoá có lẽ không cần tiếp tục phải mở rộng.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng việc đưa ra các chính sách tài khóa là để hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, để nền kinh tế đi lên còn một số giải pháp khác. “Thực tế cho thấy trong nhiều năm qua, nguồn lực tài chính không giải ngân hết, hằng năm vẫn phải chuyển nguồn, có năm chuyển nguồn đến 35%. Do đó, chỉ cần tập trung giải ngân theo kế hoạch là đã tạo ra động lực rất lớn”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nói.
Bên cạnh đó, Chính phủ vừa thực hiện đợt tăng lương mạnh, theo tính toán hành động này có thể góp phần tăng tổng tiêu dùng xã hội 0,2% - 0,3%. Việc tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng sẽ tạo áp lực lớn đến ngân sách những năm tiếp theo. “Tôi cho rằng chúng ta cần từng bước thay đổi lại. Về ngắn hạn là điều chỉnh, giảm dần nới lỏng chính sách tài khoá”, PGS TS Vũ Sỹ Cường cho hay.
Lo ngại doanh nghiệp “sướng quen rồi, khổ không chịu được”
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước - Bộ Tài chính, cho rằng: Trong chủ trương điều hành của Quốc hội dự kiến yêu cầu Chính phủ điều hành các chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt nhưng phù hợp với từng giai đoạn, từng sự kiện khác nhau để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Đây là khẩu hiệu rất rõ ràng của Quốc hội. Có cần mở rộng tài khoá trong năm 2025?
Không ít quan điểm cho rằng khi nền kinh tế còn nhiều bất định, sức khoẻ doanh nghiệp chưa hoàn toàn phục hồi, Chính phủ nên tiếp tục duy trì chính sách tài khoá mở rộng. Nhưng không phải ai cũng đồng ý như vậy.
Để xác định có nên tiếp tục các chính sách tài khóa trong năm 2025 hay không, ông Tân cho rằng cần phải nghiên cứu tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp. “Để làm được điều này, chúng ta cần căn cứ vào thực tiễn, nếu doanh nghiệp còn yếu thì tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, trong đó có nhóm chính sách tài khóa. Nếu doanh nghiệp định ổn định rồi thì thôi, chúng ta nên dành ngân sách cho các kế hoạch dài hơn”, ông Tân nói.
Tuy nhiên, ông Tân cũng cho rằng ngay cả khi doanh nghiệp vẫn cần sự giúp đỡ thì Quốc hội và Chính phủ cũng cần cẩn trọng. “Hiện nay đang nảy sinh ra vấn đề doanh nghiệp 'sướng quen rồi, khổ không chịu được', tức là các doanh nghiệp hiện đang được hưởng các chế độ miễn, giảm thuế nhưng khi các chính sách này dừng lại có thể tạo ra phản ứng trong xã hội”, ông nói.
Vì vậy, ông Tân nhìn nhận việc dừng các chính sách tài khóa mở rộng là điều sớm hay muộn, nhưng cũng cần tính toán thận trọng phù hợp với thực tiễn, không làm máy móc. Trên thực tế, năm 2023, Chính phủ dự kiến không miễn giảm một số loại thuế, phí, tuy nhiên tình hình kinh tế tại thời điểm đó không được như mong muốn, vì vậy, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng một số chính sách tài khóa.
“Điều này cho thấy Quốc hội, Chính phủ đã rất linh hoạt trong việc sử dụng các chính sách tài khóa, không khuôn phép, không rập khuôn. Vì vậy, năm 2025 có tiếp tục hay không còn chờ vào tình hình thực tế”, ông Tân nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Long, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam, mong muốn tiếp tục các chính sách tài khóa trong năm 2025. Trong trường hợp ngược lại, nếu các chính sách này không được gia hạn trong năm 2025, ông Long mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành phát “tín hiệu” để doanh nghiệp có sự chuẩn bị từ trước. “Cá nhân tôi mong muốn tiếp tục duy trì hỗ trợ giảm thuế trong năm 2025.
Tuy nhiên, các chính sách này không nên kéo dài, nếu kéo dài sẽ tạo thành thói quen, không tạo được động lực cho kinh tế phát triển. Dù vậy, trong trường hợp dừng hỗ trợ, Chính phủ, bộ ngành cần phải phát tín hiệu để doanh nghiệp có sự chuẩn bị”, ông Long nhấn mạnh.
Trước đó, tại một hội nghị diễn ra vào giữa tháng 7/2024, ông Hồ Đức Phớc, Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng: Trong suốt 4 năm qua, Bộ Tài chính đã kiên trì thực hiện chính sách tài khóa, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, tiền thuê đất lên tới gần 200.000 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đã đến lúc cần phải thắt chặt điều hành chính sách tài khóa để tăng nguồn lực công đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.
Lãi suất tiết kiệm tăng, tiền gửi vào ngân hàng lập kỷ lục
- Tài khoản mở mới tăng nhưng dòng tiền đổ vào chứng khoán không dồi dào 21/11/2024 03:15
- Khối tiền 190 tỷ đổ về tài khoản 'nữ hoàng cá tra' Trương Thị Lệ Khanh 07/11/2024 09:30
- Chứng khoán Việt Nam vượt mốc 9 triệu tài khoản trước thời hạn 2025 06/11/2024 04:17
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.